Tại hội thảo “đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến VN: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi”, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức hôm qua (3.8) tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, dẫn kết quả nghiên cứu của viện này cho rằng trong hầu hết các kịch bản, VN là nước có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo % nếu TPP đàm phán thành công.
Cũng theo ông Thành, khi TPP được các nước tham gia ký kết, triển khai và việc tham gia AEC được hoàn tất, mức tăng đầu tư của VN là ấn tượng nhất trong các nước, xấp xỉ mức tăng của Nhật Bản và gần gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia, Mỹ (tính theo giá trị). Ngược lại, nhóm các nước nằm ngoài AEC và TPP sẽ bị suy giảm đầu tư, đặc biệt là Trung Quốc và EU. “Về đầu tư, trong kịch bản % thay đổi của VN là 30,62%, Nhật Bản 0,99% trong khi đó Trung Quốc - 0,42%, EU - 0,32%”, ông Thành nói.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng về cấu trúc nền kinh tế, sau này tại VN các ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp sẽ bị thu hẹp lại; ngược lại sẽ có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và những ngành ít thương mại, đặc biệt là dệt may, da giày, dịch vụ công và xây dựng.
Một điều được cho gần như hiển nhiên là khi TPP có hiệu lực, thương mại VN với các nước TPP sẽ tăng lên rõ rệt; còn với các nước ngoài TPP, VN có xu hướng tăng cường nhập khẩu và giảm nhẹ xuất khẩu. “Nguyên nhân sụt giảm có thể do sản xuất trong nước giảm ở một loạt các ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TPP vào TPP”, ông Thành nói.
Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu VEPR, khi TPP có hiệu lực, các dòng thuế giảm về 0% sẽ khiến doanh thu từ thuế giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách khiến Chính phủ tìm cách bù đắp thâm hụt bằng các nguồn khác như tăng thuế, vay nợ, cắt giảm đầu tư công...
Bình luận (0)