Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế

15/06/2023 10:22 GMT+7

Tổng kết ngành du lịch 6 tháng đầu năm, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (Bộ VH-TT-DL) ghi nhận những dấu ấn quan trọng, là cơ sở để ngành du lịch bứt tốc, hoàn thành mục tiêu đã đề ra năm 2023.

Theo đánh giá của Bộ VH-TT-DL, sự kiện quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam đầu năm 2023 đó là Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" diễn ra ngày 15.3, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. 

Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế - Ảnh 1.

Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng ở tốp đầu thế giới

NHẬT THỊNH

Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam nỗ lực mở cửa du lịch trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch Covid-19 (15.3.2022). Một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỉ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất. 

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những kết quả ngành du lịch đạt được thời gian qua là minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Sau Hội nghị toàn quốc về du lịch, ngày 18.5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Xem nhanh 12h ngày 15.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết là tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế; nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (e-Visa).

Và, ngay tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với rất nhiều những thay đổi về việc cấp visa điện tử, chứng nhận tạm trú cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Dự án luật được kỳ vọng sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, tổng số khách nội địa trong 5 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 50,5 triệu lượt (mục tiêu năm 2023 đón 102 triệu lượt), số khách quốc tế đạt 4,6 triệu lượt (mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt).

"Như vậy, với 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm, tương đương 57,5% mục tiêu kế hoạch năm 2023, ngành du lịch có khả năng sẽ vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế nhờ vào động lực tăng trưởng ở mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm và những chính sách tạo thuận lợi cho du lịch sắp tới" - lãnh đạo Bộ VH-TT-DL tự tin khẳng định.

Trước đó, ngành du lịch cũng nhận được tín hiệu vui khi lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng trưởng ở tốp đầu thế giới theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google. Cụ thể, lượng tìm kiếm về lưu trú du lịch Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới (trong nhóm có mức tăng từ 10 - 25%), cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu du lịch Việt Nam. Khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Philippines là hai quốc gia nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Các quốc gia khác trong khu vực xếp sau khá xa: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia.

Có thể thấy, những tín hiệu tích cực thời gian qua chính là cơ sở, động lực để du lịch Việt Nam có thể cất cánh trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.