Một thông tin đáng chú ý vừa xuất hiện trên Nikkei ngày 8.12 khiến giới yêu công nghệ cao nức lòng trong ngày cuối tuần này, đó là lần đầu tiên "nhà táo" Apple lên kế hoạch phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang VN. Theo Nikkei, Apple đang làm việc với BYD (Trung Quốc) - đối tác chính lắp ráp iPad - để chuyển nguồn lực cho chuỗi nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất mẫu, sản xuất và tiếp thị sản phẩm sang VN. Chuỗi này gọi là "New Product Introduction" (NPI) và iPad tất nhiên là sản phẩm cốt lõi của hãng. Các nguồn tin cũng cho biết, quá trình xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad mới sẽ bắt đầu vào giữa tháng 2.2024. Hãng cũng dự kiến mẫu mới có thể ra mắt vào nửa cuối năm sau. BYD cũng là nhà cung cấp đầu tiên của Apple chuyển dây chuyền lắp ráp iPad sang VN vào năm 2022.
Trong thực tế, NPI yêu cầu nguồn lực đáng kể từ công nghệ đến nhà cung cấp. Cho đến nay, hầu hết NPI của Apple đều được thực hiện tại Trung Quốc nhằm tận dụng kinh nghiệm sản xuất phần cứng kéo dài hàng thập kỷ của đất nước này. Tuy vậy, thời gian gần đây, hãng có kế hoạch chuyển một số quy trình NPI cho sản phẩm iPhone tới Ấn Độ và sắp tới là NPI cho iPad sang VN. Theo Counterpoint Research, khoảng 10% tổng số iPad được sản xuất tại VN trong năm nay. Nhìn lại thời gian qua, cái tên VN nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng của Apple bên ngoài Trung Quốc. Với nguồn tin này, chuyên gia bình luận trên Nikkei cho rằng để VN thực sự trở thành trung tâm sản xuất của Apple chỉ là vấn đề thời gian.
Trước đó, ngày 7.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) bán dẫn hàng đầu của Mỹ như: Intel, Qualcomm, Ampere, ARM… sang thăm và làm việc tại VN. Tại buổi gặp, Thủ tướng nhấn mạnh, trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, VN và Mỹ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột mới quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của VN, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực mà VN có nhiều tiềm năng, lợi thế, phù hợp với người VN.
Chủ tịch SIA John Neuffer đã có 2 chuyến thăm và làm việc tại VN trong năm nay. SIA có mạng lưới các DN thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Mỹ, trong đó 2/3 là các DN bán dẫn nước ngoài. Đáng chú ý, tại buổi gặp, Chủ tịch SIA cho biết Mỹ đang có cơn khát nhân lực ngành bán dẫn và ngay từ trong đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực VN đã bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này. Ông khẳng định VN là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực…
Từ đầu năm 2023, có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN với số vốn từ hàng trăm triệu USD đến hàng tỉ USD. Có thể kể đến dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD; dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD (đều trong tháng 10), đều tại Quảng Ninh. Nhờ hai dự án này, tỉnh Quảng Ninh đã vượt lên dẫn đầu về thu hút FDI trong 10 tháng của năm 2023, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,09 tỉ USD. Hay dự án LG Innotek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỉ USD và Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance với vốn đăng ký 500 triệu USD tại Hải Phòng giúp tổng vốn FDI đăng ký tại thành phố hoa phượng đỏ đạt hơn 2,8 tỉ USD trong 10 tháng, tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm trước…
Không chỉ từ phía nhiều tập đoàn nước ngoài tăng tốc đầu tư vào VN mà ở góc độ thu hút vốn đầu tư gián tiếp, nhiều DN trong nước cũng tiếp tục thành công. Ngày 6.12, Tập đoàn Masan công bố Bain Capital, Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỉ USD, đã đồng ý tăng thêm 50 triệu USD vào khoản đầu tư vốn cổ phần của Masan Group, nâng mức đầu tư lên 250 triệu USD so với mức 200 triệu USD đã công bố vào tháng 10 trước đó. Các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Như vậy, trong vòng 2 tháng kể từ giao dịch đầu tiên, Bain Capital đã rót tổng cộng 250 triệu USD vào Masan. Đại diện Masan cho biết, số vốn này sẽ được dùng để cải thiện các chỉ số tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan. Việc tăng quy mô đầu tư của quỹ đầu tư Bain Capital trong bối cảnh hiện nay là sự tin tưởng mạnh mẽ vào chiến lược dài hạn và triển vọng của Masan. Trước đó, vào cuối tháng 3.2023, Masan cũng đã giải ngân 375 triệu USD trong khoản vay hợp vốn trị giá 650 triệu USD công bố vào cuối năm 2022, phần còn lại sẽ được sử dụng vào cuối năm nay. Gói tín dụng này đã được bảo lãnh phát hành, thu hút sự tham gia của các bên cho vay chính và quản lý sổ đăng ký đầu tư bao gồm Ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và United Overseas.
Hay hãng xe điện thương hiệu Việt VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup, ngày 3.12 trong khuôn khổ Hội nghị COP28 đã được Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) ký Ý định thư (LOI) tài trợ 500 triệu USD. Khoản tài trợ sẽ được DFC cung cấp tùy thuộc vào kết quả đánh giá cho các dự án thiết lập cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin lithium-ion của VinFast tại VN. Đây cũng là dự án đầu tiên trong chuỗi dự án phát triển giao thông bền vững tại VN và thế giới mà hai bên đang tích cực phối hợp làm việc. Để nhận được khoản tài trợ, VinFast sẽ trải qua các đánh giá toàn diện trên nhiều tiêu chí, bao gồm DN có khả năng kinh tế/tài chính vững chắc, tuân thủ các yêu cầu của DFC và địa phương liên quan đến tác động phát triển, môi trường, xã hội, tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy định, cùng nhiều tiêu chí khác. Bên cạnh đó, DFC đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của VinFast thông qua hàng loạt dự án sản xuất xe điện, pin lithium-ion, phát triển hạ tầng trạm sạc trên quy mô toàn quốc…
Còn vào tháng 10 vừa qua, VinFast cũng ký kết thỏa thuận với quỹ YA II PN (Yorkville) về việc mua cổ phiếu VFS. Theo thỏa thuận, VinFast có quyền yêu cầu Yorkville mua tới 1 tỉ USD cổ phiếu phổ thông VFS vào bất kỳ thời điểm nào trong 36 tháng. Yorkville Advisors là quỹ quản lý đầu tư của Mỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các công ty niêm yết. Tiêu chí đầu tư của Yorkville tập trung vào đội ngũ quản lý, các yếu tố cơ bản của DN và các chỉ số giao dịch chứng khoán. Cổ phiếu VFS đang giao dịch trên sàn Nasdaq của Mỹ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư thế giới… Đó chỉ là một số câu chuyện gọi vốn ngoại thành công của các DN Việt dù bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng vốn đầu tư toàn cầu giảm sút.
Dòng vốn ngoại gián tiếp còn tham gia vào nhiều hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại VN. Theo báo cáo "M&A VN chuyển mình: Từ cơ hội đến chiến lược" do KPMG phát hành tháng 11 vừa qua cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch M&A tại VN đạt hơn 4,4 tỉ USD với 260 thương vụ. Giá trị giao dịch giảm 23% so với đầu năm và số thương vụ cũng thấp hơn năm trước. Nhưng trong đó các nhà đầu tư nước ngoài đã vươn lên dẫn đầu về giá trị giao dịch khi nhà đầu tư trong nước ở tư thế "phòng thủ". KPMG đánh giá các yếu tố kinh tế nội tại của VN vẫn duy trì, dòng vốn FDI ổn định và cam kết của Chính phủ trong xây dựng hạ tầng, cải cách kinh tế không suy giảm. Một số thương vụ M&A lớn trong năm có thể kể đến như SMBC của Nhật Bản rót 1,45 tỉ USD mua lại cổ phần đáng kể tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và là thương vụ lớn nhất đến nay trong ngành ngân hàng VN. Hay công ty AEON Financial Service (thuộc Tập đoàn AEON của Nhật Bản) cũng chi 4.300 tỉ đồng (tương đương 180 triệu USD) mua lại vốn góp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tại Công ty Tài chính bưu điện. SeABank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 94,6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp - dự kiến là quỹ Norfund của Na Uy với số tiền thu về tối thiểu 1.217 tỉ đồng…
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các DN FDI, nhận xét, sau 30 năm thu hút FDI, cái tên VN đang dần trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào lĩnh vực gia công xuất khẩu, nay FDI của VN đang thăng hạng trong chuỗi giá trị, đặc biệt phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm nhưng VN đang tăng trưởng và tăng khá tốt cho thấy, các nước lớn vẫn đang khuyến khích dòng vốn chuyển dịch từ các vùng kém thân thiện sang các nước thân thiện hơn. Mỹ là quốc gia đi đầu và VN đang có lợi thế lớn để đón nhận sự chuyển dịch này. Các nhà đầu tư tìm thấy ở VN cơ hội thực sự, có tiềm năng, ổn định và cầu thị.
Dẫn số liệu có gần 29 tỉ USD vốn FDI vào VN trong 11 tháng qua, tăng gần 15% và dòng vốn thực hiện cũng rất cao, ông Mại nhấn mạnh, con số đó chưa phản ánh đúng thực tế bởi rất nhiều nhà đầu tư vào VN thông qua các công ty con ở nước thứ ba. Thậm chí, riêng FDI từ Mỹ vào VN, nếu tính luôn hình thức đầu tư nói trên, có thể cao gấp đôi, gấp ba số thực tế. Ngay cả như thế cũng chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt, sau các thỏa thuận, chuyến đi làm việc, hỗ trợ về kỹ thuật, đà tạo nhân lực, chính sách rõ ràng…; vốn FDI từ Mỹ có thể đổ mạnh vào VN trong 1-2 năm tới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ sự phấn khởi khi cho rằng việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cách đây 2 ngày (8.12) công bố nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành ngoại tệ dài hạn của VN từ BB lên BB+ với triển vọng ổn định cũng như trần đánh giá tín nhiệm quốc gia của VN từ BB lên BB+ là tín hiệu quá tốt. Đánh giá của Fitch Ratings sẽ tạo ra sự an tâm lớn hơn cho các nhà đầu tư quốc tế để họ quan tâm đến thị trường VN. Điều này không chỉ sẽ tác động tích cực cho hoạt động vay nợ, thu hút vốn FDI của cả nền kinh tế nói chung mà còn góp phần gia tăng cơ hội cho các DN trong nước khi tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Đồng thời, chi phí trong các hoạt động vay vốn, tài chính của DN lẫn nền kinh tế nói chung sẽ giảm hơn trước. "Đây có thể xem là bước tiếp nối của một quá trình nỗ lực, cải thiện môi trường đầu tư của VN. Từ trước đến nay nhiều tập đoàn ngoại cũng đánh giá cao về môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định và vẫn tiếp tục duy trì những yếu tố này. Việc Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của VN, đồng thời cũng dự báo tăng trưởng trung hạn của VN vào khoảng 7%/năm là những thông tin tích cực trong hoạt động thu hút dòng vốn FDI vào VN nói chung cũng như việc kêu gọi vốn đầu tư gián tiếp của các DN Việt", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định./.
Bình luận (0)