Việt Nam thiếu máu hiến, tại sao tính chuyện xuất khẩu huyết tương?

11/04/2019 04:29 GMT+7

Trước thông tin Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM có thể xuất khẩu huyết tương, nhiều người đặt câu hỏi: “Các bệnh viện, ngân hàng máu ở Việt Nam luôn thiếu máu hiến. Vậy sao lại xuất khẩu huyết tương?”.

Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM là ngân hàng máu đầu tiên của Việt Nam vừa đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices - thực hành sản xuất tốt) châu Âu.
[VIDEO] Thực hư thông tin Việt Nam xuất khẩu huyết tương sang châu Âu
Với tiêu chuẩn này, bệnh viện có thể sẽ xuất khẩu huyết tương sang châu Âu. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, đã giải thích câu hỏi được nhiều người đặt ra là: “Các bệnh viện, ngân hàng máu ở Việt Nam luôn thiếu máu. Vậy tại sao lại xuất khẩu huyết tương?”.

Huyết tương chỉ là một thành phần của máu

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM: Máu có nhiều thành phần, huyết tương là một thành phần của máu.
Thông thường, máu toàn phần sau khi được thu nhận từ người hiến sẽ được bảo quản và vận chuyển nghiêm ngặt đến ngân hàng máu. Ngân hàng máu nhận nguồn máu hiến toàn phần (chứa hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương…) sẽ đem quay ly tâm, tách ra thành ba chế phẩm máu gồm: hồng cầu lắng (điều trị cho bệnh nhân thiếu máu), tiểu cầu pool lọc bạch cầu (cho bệnh nhân chảy máu như sốt xuất huyết) và huyết tương tươi.
Riêng huyết tương tươi, ngân hàng máu tiếp tục điều chế ra thêm hai chế phẩm máu cho người bệnh sử dụng là: kết tủa lạnh (chứa yếu tố VIII điều trị cho bệnh nhân máu khó đông - Hemophilia A) và huyết tương đông lạnh (chứa yếu tố IX, điều trị cho bệnh nhân máu khó đông nhóm Hemophilia B).
“Tuy nhiên, hai chế phẩm từ huyết tương tươi này thường chỉ dùng cho người bệnh nhẹ. Trường hợp bệnh nhân nặng như chảy máu ở những vị trí não, xuất huyết cơ vùng cổ, não, xuất huyết đường tiêu hóa, vùng bẹn... buộc phải sử dụng các chế phẩm yếu tố VIII, yếu tố IX từ huyết tương nhập khẩu”, bác sĩ Dũng cho biết.
Mặt khác, ước tính Việt Nam có khoảng 6.000 người bị bệnh máu khó đông. Các bệnh nhân này phải sử dụng kết tủa lạnh và huyết tương đông lạnh suốt đời. Nhiều bệnh nặng buộc phải nhập các sản phẩm từ nước ngoài.

Giúp giảm chi phí điều trị

[VIDEO] Bên trong ngân hàng máu đầu tiên đạt chuẩn Châu Âu ở TP.HCM
Theo bác sĩ Dũng: Ngân hàng máu đạt chuẩn GMP châu Âu chỉ mới chứng nhận cho chất lượng nguồn máu của Ngân hàng máu, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM an toàn, đạt chuẩn như các ngân hàng máu ở các nước phát triển. Hiện Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM chưa sản xuất được các chế phẩm từ huyết tương chứa yếu tố VIII, yếu tố IX như các nước tiên tiến.
Xử lý máu tại Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM Nguyên Mi
“Hiện nay, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất được các chế phẩm này. Tất cả các chế phẩm từ huyết tương này hiện trong nước phải nhập khẩu để điều trị cho người bệnh. Giá thành các chế phẩm này rất mắc (giá thành Albumin, Gammaglobulin đến vài triệu đồng/lọ)”, bác sĩ Dũng nói.
Ở các nước, ngân hàng máu đạt chuẩn GMP châu Âu sẽ không dùng huyết tương tươi để sản xuất chế phẩm kết tủa lạnh và huyết tương đông lạnh. Huyết tương được chuyển qua một nhà máy đạt chuẩn sản xuất ra tiếp các chế phẩm như: yếu tố VIII, yếu tố IX, Albumin (điều trị trong các trường hợp giảm albumin do suy thận, xơ gan, bệnh nhân suy dinh dưỡng bị phù, phù màng tim, màng phổi không thở được), Gammaglobuline (điều trị bệnh tay chân miệng, suy giảm miễn dịch,…).
Nếu ngân hàng máu không đạt chuẩn GMP châu Âu thì các nước trên thế giới sẽ không nhận huyết tương tươi từ Việt Nam để sản xuất ra các chế phẩm này.
Theo bác sĩ Dũng: Hiện tại, Việt Nam đang phải sử dụng các yếu tố đông máu VIII, IX và albumin, gamma globulin từ huyết tương dư của các nước phát triển. Với việc được chứng nhận chuẩn GMP châu Âu, Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có thể xuất khẩu nguồn huyết tương đạt chuẩn sang các nước châu Âu để sản xuất các chế phẩm trên. Sau đó, chế phẩm được chuyển về lại trong nước để sử dụng trong điều trị.
“Việc có nguồn huyết tương đủ chuẩn để được chuyển ra nước ngoài sản xuất các chế phẩm (trong nước chưa sản xuất được), chắc chắn giúp giá thành của sản phẩm nhập về này rẻ hơn nhiều lần, vì điều chế từ nguồn nguyên liệu có sẵn, so với nhập hoàn toàn. Như vậy, sẽ giảm được rất nhiều chi phí trong điều trị của bệnh nhân”, bác sĩ Dũng nhận định.
Bác sĩ Dũng khẳng định, người dân đừng hiểu lầm xuất khẩu huyết tương là bán cho nước ngoài.
Mặt khác, theo bác sĩ Dũng, tất cả việc “xuất khẩu” huyết tương ra nước ngoài sản xuất, nhập về đều phải do Bộ Y tế, Sở Y tế và các ban ngành liên quan quản lý, theo đúng quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.