Điều này nhằm hướng tới mục tiêu đạt tổng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD.
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Ý tới Việt Nam, Thương vụ Ý (ITA), phối hợp với Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, đã tổ chức hội thảo: “Công nghệ Ý cho nền kinh tế tuần hoàn và thông minh tại Việt Nam”, nhằm tìm ra cơ hội mới về giao thương, đầu tư và hợp tác công nghệ giữa Ý và Việt Nam.
Tham dự hội thảo, ngài Giuseppe Conte - Thủ tướng Ý, đã nhấn mạnh tiềm năng hợp tác Ý - Việt: “Chúng tôi ngưỡng mộ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam và tôi đã thống nhất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chúng ta có thể tăng cường hợp tác để nâng mức kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD. Việt Nam có một vị trí kép, vừa có thể là thị trường tiêu thụ cũng vừa có thể là đối tác sản xuất của các doanh nghiệp Ý trong bối cảnh công nghiệp 4.0”.
Ông Carlo Ferro, Chủ tịch Thương vụ Ý ITA cho hay, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh với 7,08% trong năm 2018. Việt Nam cũng có độ mở kinh tế lớn với tổng xuất nhập khẩu cộng lại lớn hơn gấp 2 lần GDP. “Nền kinh tế chúng tôi khi nghe con số này rất ghen tị”, ông Carlo Ferro nói.
Ý và Việt Nam đã có mối quan hệ thương mại lâu dài. Giai đoạn 2010-2018, tăng trưởng giá trị thương mại song phương giữa Ý và Việt Nam đã gần như tăng gấp 3, đạt 3,85 tỉ USD trong năm 2018. Hiện nay có khoảng 84 công ty Ý ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ thực phẩm, công nghệ luyện kim, dược phẩm tới dầu khí, từ các loại máy móc tới xe scooter đang hoạt động tại Việt Nam. Sự hiện diện của Ý khá đa dạng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như đại diện khả năng sản xuất của Ý.
|
Ý hiện có rất nhiều lợi thế để tăng cường quan hệ kinh doanh với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn với nền công nghiệp thông minh đó là một hệ thống giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tái sử dụng và tái chế là các yếu tố đầu vào.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm và đi tiên phong trong việc đạt mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay Việt Nam chú trọng thu hút FDI một cách chọn lọc, và định hướng FDI đến những lĩnh vực có công nghệ cao, đặc biệt là thân thiện với môi trường. Mỗi năm Việt Nam cần thêm 25 tỉ USD vào đầu tư cơ sở hạ tầng và không thể đầu tư bằng nguồn vốn ODA như trước kia nữa mà phải thông qua hợp tác công tư.
Do đó, hội thảo này là cơ hội tạo tiền đề cho công ty Ý đóng vai trò như đối tác công nghệ để hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.
Bình luận (0)