Đừng để người tài 'ngán' nhà nước

27/12/2017 07:30 GMT+7

Hàng loạt cán bộ trẻ là con lãnh đạo bị xử lý sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư phát hiện nhiều sai phạm trong cất nhắc, bổ nhiệm...

Việc hàng loạt cán bộ trẻ là con lãnh đạo bị xử lý sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư phát hiện nhiều sai phạm trong cất nhắc, bổ nhiệm cho thấy công tác cán bộ cần phải được làm nghiêm và chặt chẽ hơn nữa để triệt tiêu tình trạng “tham nhũng quyền lực”, qua đó người thực tài được trọng dụng trong bộ máy nhà nước.
Xung quanh thực trạng này, Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư.
Chọn cán bộ không phải vì xu nịnh, tư túi
Ông Nguyễn Đình Hương
Sau Đại hội XII của Đảng, một loạt cán bộ trẻ được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo quan trọng với kỳ vọng sẽ tạo ra được những đột phá, luồng sinh khí mới trong điều hành, lãnh đạo, nhưng rất nhanh chóng, sự hào hứng này đổ vỡ với việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận một loạt sai phạm trong quy trình bổ nhiệm vừa qua. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
Tôi rất ủng hộ lớp trẻ, vì họ rất sáng tạo, năng động. Cha ông ta nói “tre già, măng mọc”, đó là quy luật rồi. Ngay Đại hội VI (năm 1986), bản thân tôi được Bộ Chính trị phân công phải tìm cho được 10 cán bộ trẻ tham gia T.Ư. Tôi đi tìm từ tất cả lãnh đạo huyện, giám đốc nhà máy, anh hùng trong lĩnh vực nông nghiệp... 10 vị đó, một số vị đã trưởng thành, nhưng cũng có người thui chột, không phát huy được.
Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, không phải chọn cán bộ trẻ nào cũng thành công. Chọn lớp trẻ thì phải khuyến khích rồi, nhưng quan trọng là chọn ai, chứ không phải trẻ nào cũng tốt.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cán bộ trẻ bây giờ lại thui chột rất nhanh? Theo tôi quan sát, từ Đại hội IX tới giờ, chúng ta lệch lạc về lớp trẻ. Từ cấp cao có biểu hiện vun vén, đưa con mình vào T.Ư, rồi lãnh đạo địa phương họ mới học. Trên làm được thì mình cũng làm được.
Thời tôi làm, một đồng chí cấp cao có “chất vấn”: Có kinh nghiệm 55 năm làm công tác tổ chức, chuẩn bị cho nhiều Đại hội Đảng, sao đồng chí không đưa con các đồng chí Bộ Chính trị vào T.Ư? Tôi trả lời: “T.Ư là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, phải có đủ tiêu chuẩn, đủ trình độ, phải có đức, có tài, chứ không phải con các đồng chí Bộ Chính trị là vào được. Cho nên, con đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng, ngay cả con đồng chí Lê Đức Thọ cũng không vào T.Ư. Hồi đó, chỉ có đúng con đồng chí Trường Chinh là vào được; sau này có thêm con đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Mình chọn phải vì đất nước, vì Đảng chứ không phải vì xu nịnh, tư túi”.
Thời đó lãnh đạo cao cấp, Ủy viên Bộ Chính trị có gây sức ép hay gợi ý đưa con cháu họ vào các vị trí cao cấp trong hệ thống không, thưa ông?
Nói chung là không có ai gợi ý cả. Bộ Chính trị thống nhất một điều là vào T.Ư phải chặt chẽ về tiêu chuẩn. Không có ai được cảm tình, nể nang, bao che, đưa con cái mình vào. Lúc đó cấm rất ngặt chuyện một người làm quan cả họ được nhờ. Tôi bấy giờ là bị trách đấy, con cháu trách, tôi vào T.Ư, làm Ban Tổ chức, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ... nhưng con cháu không “được nhờ”.
Quan trọng là lãnh đạo cao cấp gương mẫu
Ông nghĩ sao trước thực trạng “tham nhũng quyền lực” khá phổ biến thông qua việc đưa con cháu mình vào những vị trí quan trọng trong phạm vi ảnh hưởng của mình, như bố là bí thư tỉnh ủy đưa con làm giám đốc sở?
Cái này đòi hỏi bản lĩnh của Ban Tổ chức. Ngày xưa, những trường hợp không đủ điều kiện đều bị đồng chí Lê Đức Thọ (nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư - PV) bác hết, con ông nọ, bà kia đều không được. Quan trọng là các lãnh đạo cao cấp cũng rất gương mẫu, không gây sức ép để đưa con em mình vào, không có chuyện “Thái tử Đảng”, “con vua thì lại làm vua”. Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng rất nghiêm trong vấn đề này. Khi nhậm chức, ông làm rất gay gắt, phát động “những việc cần làm ngay”, sẽ cách chức những người tham nhũng quyền lực.
Thực tế diễn ra thời gian qua cho thấy tình trạng “tham nhũng quyền lực” thông qua bổ nhiệm người thân họ hàng giữ các vị trí quan trọng trong phạm vi ảnh hưởng. Làm cách nào để ngăn chặn chuyện này tiếp diễn, thưa ông?
Quy định mới của Bộ Chính trị vừa rồi chính là để loại trừ phần nào những trường hợp này. Người ta có nhiều mánh để cài cắm con em mình lắm, không nhất thiết phải bổ nhiệm dưới trướng mình đâu. Có thể cánh hẩu với nhau, gửi đi tỉnh nọ, tỉnh kia, “chạy” chỗ để ứng cử T.Ư. Có anh không trúng thành ủy, lại trúng T.Ư đấy.
Nhưng quy trình 3 bước, 5 bước thì quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu. Từ Bộ Chính trị, từ Ban Chấp hành T.Ư phải nghiêm. Trên không nghiêm thì dưới sẽ loạn. Hiện nay, Đảng quyết liệt đấy, đánh mạnh và tiếp tục còn đánh nữa. Để tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, dân rất bất bình. Vừa rồi xử lý một số trường hợp là một tiếng chuông cảnh tỉnh trong toàn Đảng, toàn dân và nhân dân rất phấn khởi trước sự quyết liệt này của Đảng.
Dân chủ trong Đảng còn bị kìm hãm nên người ta còn e sợ
Có thể thấy để bổ nhiệm một cán bộ, quy trình đưa ra rất chặt chẽ. Trước đây, việc bổ nhiệm thường nói là núp dưới vỏ bọc quy trình, nhưng gần đây thì có những trường hợp khi bị kỷ luật cho thấy còn lờ đi cả quy trình, cả hệ thống giám sát dày đặc không phát hiện được, cho đến khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận?
Người ta biết hết, nhưng vấn đề dân chủ trong Đảng còn bị kìm hãm nên người ta còn e sợ. Nhân viên một cơ quan biết thừa thủ trưởng sai - đúng thế nào, bổ nhiệm người thân quen vào làm ở vị trí không xứng đáng, nhưng người ta không dám nói. Cho nên, một vấn đề nữa là kiểm soát quyền lực. Bây giờ họ đang lạm dụng quyền lực để đưa con cái mình vào, họ lạm dụng quyền lực dưới cái vỏ bọc “đúng quy trình”. Thế thì cơ quan giám sát quyền lực là ai? Như trường hợp ở Thanh Hóa, cô ấy chả học hành gì, không có quan hệ với ai, chỉ có sắc đẹp, tại sao được bổ nhiệm nhanh như vậy? Chính tôi cũng hỏi rất nhiều người Thanh Hóa, nhưng người ta không dám nói, bảo báo chí viết vu vơ.
Vừa qua, rất nhiều vụ đều là do báo chí phanh phui hết, chứ không phải do quần chúng. Quần chúng phải được phát động, phải có chỗ dựa tin cậy họ mới dám nói. Nếu tôi phải trả lời câu hỏi trên một cách ngắn gọn, thì tôi nói là vấn đề ở chỗ giám sát quyền lực còn yếu. Như ở Quảng Nam, để xảy ra trường hợp Lê Phước Hoài Bảo, thì Thường vụ tỉnh đó tê liệt rồi.
Nếu nói giải pháp, trước hết là cơ quan T.Ư phải mạnh, phải trong sạch, Ban Tổ chức phải trong sạch, Ủy ban Kiểm tra cũng phải trong sạch thì mới làm được. Còn nếu các vị T.Ư cũng “dính” vào thì khỏi nói. Sau đó thì quy trách nhiệm phải nghiêm khắc. Để cán bộ trẻ hư hỏng, phạm sai lầm, đề bạt thần tốc con em mình thì ông bí thư đó phải chịu trách nhiệm trước T.Ư, nếu cần thì phải cách chức. Thứ hai là truy trách nhiệm cơ quan tổ chức - cơ quan tham mưu cho Đảng về con người. Nếu không nghiêm cái đó thì chúng ta không làm gì được đâu.
Khi bổ nhiệm cán bộ trẻ là con của cán bộ lớp trước, dư luận đã từng cổ vũ, đặt niềm tin, bởi vì người ta hy vọng một gia đình truyền thống sẽ tôi luyện được một con người năng lực tốt, hiểu về hệ thống, có kinh nghiệm chính trị... Thế giới cũng có những gia đình như vậy... Theo ông, điểm khác biệt nào là cốt yếu khiến bước đi có vẻ như nhau, nhưng kết quả lại sai khác rất nhiều?
Tôi đã tham khảo nhiều nước, nhất là Singapore, vấn đề ở quy trình lựa chọn. Tôi không phân biệt, không phải con ông, cháu cha là xấu, là được nâng đỡ. Con ông, cháu cha cũng có những người làm nên sự nghiệp. Phải bỏ qua định kiến về gia đình, nguồn gốc, mà do năng lực tự thân. Thử thách nhân tài phải từ kết quả công việc. Quan trọng là tất cả mọi người đều có cơ hội chứng tỏ, ai trưởng thành được thì cất nhắc. Trước đây, chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về “đức với tài”, “hồng với chuyên”, tư tưởng “công nông là cốt cán”... Nếu nói vậy, thì phân biệt giai cấp mất rồi, chỉ có con công nông mới lên cao được, con trí thức thì không. Nhưng mà không có trí thức thì không làm được đâu. Cuối cùng, đồng chí Lê Duẩn kết luận một câu tôi cho là hết sức xác đáng: Đức, tài của một cán bộ phải căn cứ vào hiệu quả công việc. Hiệu quả công việc là thước đo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để đánh giá đức với tài của một cán bộ.
Một số người cho rằng, chúng ta đang xảy ra tình trạng chọn lọc ngược, những người thực sự có khả năng không vào nhà nước, vì cơ hội mở ra ở bên ngoài rất nhiều; chỉ những người năng lực vừa phải, “con ông cháu cha” mới tìm cách len vào bộ máy. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Quả thực là ngay cả cháu tôi cũng không muốn làm nhà nước. Năm 2005, Bộ Chính trị giao cho tôi nhiệm vụ nghiên cứu việc trọng dụng người tài ở Trung Quốc, và cách sử dụng người của họ đáng tham khảo. Các địa phương cạnh tranh trong thu hút nhân tài với nhau. Nếu một người được cho là có năng lực, họ muốn thu dụng, họ sẽ giải quyết chỗ ở, lo việc làm, học hành cho vợ con, trả một đồng lương xứng đáng để giữ chân người đó trong hệ thống. Ta bình quân chủ nghĩa, người làm được cũng giống người không làm được. Con ông cháu cha lại được ưu ái hơn. Cho nên người ta ngán làm nhà nước. Điều này rất nguy hại cho đất nước, là một dấu hiệu tai họa cho một đảng cầm quyền. Bộ Chính trị cũng đã nhận ra vấn đề đó rồi.
Mới đây, Tổng bí thư đã ký ban hành Quy định số 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Trong nhiệm kỳ này, có khá nhiều quy định liên quan đến cán bộ được sửa đổi. Theo ông, siết chặt quy trình có đủ để làm công tác cán bộ tốt hơn?
Tôi hình dung thế này, một cái áo nó rách rồi, vá cũng chỉ là vá tạm. Tôi trông chờ sang năm Hội nghị T.Ư bàn về công tác cán bộ, thì mới hoàn chỉnh được. Còn vá từng khúc, từng khúc thì không ăn thua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.