Khoảng 1.700 container tồn đọng tại cảng Quy Nhơn

Từ ngày 4.11 đến nay đã có 17 tàu mớn nước trên 7 m với tổng sản lượng hàng hóa 237.000 tấn phải hủy chuyến vì không vào cảng Quy Nhơn để xếp dỡ hàng được.

Sau bão số 12, tại vịnh Quy Nhơn có 10 tàu hàng bị chìm hoặc bị mắc cạn, trong đó có 2 tàu Nam Khánh 26 và SB Biển Bắc 16 bị chìm giữa phao số 2 và số 5 trên luồng tàu ra vào cảng Quy Nhơn gây khó khăn cho các tàu thuyền khác lưu thông.
Theo Công ty CP cảng Quy Nhơn, từ ngày 4.11 đến nay đã có 17 tàu mớn nước trên 7 m với tổng sản lượng hàng hóa 237.000 tấn phải hủy chuyến vì không vào cảng để xếp dỡ hàng được. Tại cảng Quy Nhơn hiện có khoảng 1.700 container hàng hóa các loại tồn đọng.
Theo đại tá Phan Văn Khảm, Phó giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, đến ngày 18.11, trong số 10 tàu hàng bị chìm hoặc mắc cạn tại vịnh Quy Nhơn, đã có 2 tàu tự cứu hộ thành công. Hiện các tàu Hà Trung 98, Biển Bắc 16, Fei Yeu 9, Nam Khánh 26 đã hoàn thành việc hút dầu, đang triển khai trục vớt hàng hóa. Hai chủ tàu Hoa Mai 68, Sơn Long 08 đã trình phương án trục vớt nhưng chưa tiến hành hút dầu. Tàu Thanh Hải 18 bị mắc cạn nên không tiến hành trục vớt, còn tàu Jupiter không có dầu và đang tiến hành tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thừa nhận việc trục vớt các tàu hàng bị chìm tại vịnh Quy Nhơn đang diễn ra rất chậm, không đúng với kế hoạnh của tỉnh đã phê duyệt. Nguyên nhân, theo ông Châu, là do chủ tàu và đơn vị bảo hiểm chưa đạt được sự thống nhất trong việc chọn nhà thầu trục vớt, quá trình bàn thảo diễn ra quá lâu. “Tôi đã đề nghị các cơ quan liên quan và các chủ tàu phải kết thúc việc trục vớt các tàu bị chìm tại vịnh Quy Nhơn trong tháng 12.2017”, ông Châu nói.
Liên quan tình trạng trên, trả lời Thanh Niên vào chiều 18.11, ông Nguyễn Văn Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết việc xử lý, trục vớt các tàu đắm tại cảng Quy Nhơn còn chậm trễ có nguyên nhân lớn nhất cảng Quy Nhơn thiếu phương tiện trục vớt chuyên dụng. Còn những chủ phương tiện xáng cạp (có chức năng tham gia trục vớt) thì không có kinh nghiệm trục vớt, trong khi thuê phương tiện bên ngoài tốn nhiều thời gian.
“Cách đây vài ngày có tàu đã hút cạn dầu, chuẩn bị dỡ hầm hàng nhưng do không thống nhất được giữa chủ tàu và chủ xáng cạp nên chưa dỡ được hàng, có thể do vấn đề về giá cả, nhưng điều này cơ quan chức năng không can thiệp được”, ông Sang nói và cho biết thêm hôm qua do tập trung phòng chống bão số 14, tất cả các phương tiện trục vớt đã được yêu cầu rút về, việc trục vớt đang tạm thời dừng lại đến khi hết bão.
Tuy nhiên, theo ông Sang, về cơ bản luồng tuyến đã thông, hiện tượng dầu tràn đã được khắc phục cơ bản nên không còn nguy cơ tràn dầu gây ô nhiễm môi trường. Hiện chỉ còn 1 tàu nằm trong luồng lạch. Cục Hàng hải đã yêu cầu bố trí lại luồng tuyến cũng như phao tiêu đo độ sâu mớn nước cho các tàu di chuyển an toàn. Hiện tàu trọng tải cỡ lớn cũng đã vào cảng thuận lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.