Chiều qua 24.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp trực tuyến với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 16.
tin liên quan
Căng mình chuẩn bị ứng phó cơn bão số 16Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết bão số 16 sẽ tiếp tục mạnh lên trên biển. “Khoảng đêm muộn ngày 25.12 và rạng sáng 26.12, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13”, ông Cường nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Hoài cũng bày tỏ lo ngại, thời điểm bão đổ bộ mạnh nhất trùng với triều cường sẽ là tình huống rất nguy hiểm, nước dâng cao và nguy cơ xảy ra sạt lở, đe dọa đến an toàn của các tuyến đê biển. Trong khi đó, khu vực dự kiến bão đổ bộ đang có 23 điểm xung yếu.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp, trích ngân sách hỗ trợ hộ nghèo mua vật tư phòng chống bão, nhưng người dân các địa phương vẫn còn có tâm lý chủ quan, khi vùng này từ 20 năm nay ít có bão, không có bão mạnh. Vì vậy, ngoài vận động tuyên truyền, chính quyền các địa phương cũng được lệnh kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cũng bày tỏ lo lắng, với cấp độ gió dự báo như hiện nay, bão số 16 vào bờ thì nhà dân sẽ bị gió thổi bay hết. Theo đó, biện pháp quyết liệt nhất hiện nay là sơ tán người dân đến nơi an toàn trong trật tự, không để ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống.
Dự báo đường đi của bão phát lúc 23 giờ đêm qua - Ảnh: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.ư
|
Phê bình nhiều lãnh đạo tỉnh
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bão Tembin (bão số 16 - PV) đổ bộ vào Philippines khiến hàng trăm người chết và mất tích. Đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, dù chỉ cảnh báo ở cấp độ rủi ro thiên tai 4 nhưng công tác ứng phó ở các địa phương phải triển khai theo cấp độ rủi ro thiên tai 5, cấp thảm họa, cao nhất trong mức độ cảnh báo thiên tai hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, chính quyền các địa phương phải theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo bão để tuyên truyền trong nhân dân, đôn đốc ứng phó, sơ tán đến từng hộ dân, không để tâm lý chủ quan. “Các địa phương phải làm hết sức mình trong công tác ứng phó với cơn bão số 16, đây là trách nhiệm lớn trước tính mạng, tài sản người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương lãnh đạo tỉnh Cà Mau khi có cả Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy dự họp, có những biện pháp cụ thể hỗ trợ người dân ứng phó bão. Đồng thời, Thủ tướng cũng bày tỏ thái độ không hài lòng khi nhiều địa phương không có lãnh đạo chủ chốt đến dự họp. “Các tỉnh vùng trung tâm bão chỉ thấy có phó chủ tịch dự họp, như thế là coi thường, chủ quan rồi”, Thủ tướng nói gay gắt tại cuộc họp.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đến 22 giờ ngày 25.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ vĩ bắc; 106,0 độ kinh đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 115 km/giờ), giật cấp 13 - 14, sóng biển cao từ 6 - 8 m.
Trong 24 - 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25 km/giờ), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9 - 10, giật cấp 13. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 50 km tính từ vùng tâm bão. Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão từ 0,5 - 1 m.
Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Đến 10 giờ ngày 26.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ vĩ bắc; 103,9 độ kinh đông, ngay trên vùng biển Cà Mau và Kiên Giang (bao gồm cả Thổ Chu và Phú Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 4 - 6 m.
Trong ngày và đêm 25.12, do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam bộ có mưa to; từ đêm 25.12 ở các tỉnh nam Trung bộ và trung Trung bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2 - 3 ngày. Từ đêm 26.12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra bắc Trung bộ và Bắc bộ.
Quốc Minh
|
Bão vào Trường Sa, sóng cao 10 m
Tối 24.12, bão số 16 đã đổ bộ vào phía nam quần đảo Trường Sa, trực tiếp tràn qua các đảo Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh và theo đường đi dự kiến bão sẽ quét qua các đảo do bộ đội Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đóng giữ, như Trường Sa, Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát... Trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên, trung tá Đỗ Hải Đăng, chính trị viên đảo Trường Sa, cho biết đến 19 giờ 30, sóng cao gần
10 m đã đánh vào bờ kè của đảo, nước tràn vào một số khu vực trên đảo, rất nhiều cây cối đổ ngã, tôn trên mái nhà đã bị bung ra, bay khắp nơi rất nguy hiểm. Một số tàu trú tránh tại âu tàu đã được neo chắc chắn, thủy thủ đoàn được đưa lên ở tại nhà khách kiên cố...
Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết hiện tại âu tàu ở các đảo thuộc huyện đã tiếp nhận 310 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú. Tại âu tàu đảo Song Tử Tây có 14 tàu cá với 100 ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi vào âu tàu tránh, trú bão an toàn. Tại âu tàu đảo Đá Tây, hiện có 20 tàu cá với hơn 133 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa vào trú tránh. Tại âu tàu đảo Sinh Tồn hiện có 8 tàu cá của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với hơn 97 ngư dân vào trú tránh. Quân dân trên đảo đã hướng dẫn bà con neo đậu tàu trong âu tàu, bảo đảm an toàn, hỗ trợ suất ăn, khám và cấp thuốc cho ngư dân...
Tại khu vực nhà giàn DK1, dự kiến sáng sớm 25.12 bão 16 sẽ đổ bộ trực tiếp vào các nhà giàn đóng trên các bãi Ba Kè, Phúc Tân, Huyền Trân, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính. Trao đổi qua điện thoại, trung tá Nguyễn Văn Suốt, chỉ huy trưởng nhà giàn Quế Đường DK1/8 (thuộc tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), cho biết: "Tuy mới bị ảnh hưởng nhưng tối 24.12 sóng biển đã cao khoảng 7 - 8 m, gió rất mạnh”. Trung tá Suốt cũng cho biết các tàu trực của Bộ Tư lệnh Vùng 2 luôn túc trực bên cạnh các nhà giàn, đảm bảo hỗ trợ cấp cứu kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố.
Mai Thanh Hải
|
Nhiều nơi còn chủ quan
Trong khi chính quyền và người dân nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL đang tất bật phòng chống cơn bão số 16 (bão Tembin), thì ở một số địa phương vẫn còn tâm lý chủ quan, dẫn đến nguy cơ thiệt hại cả người và tài sản.
Sơ tán dân, cho học sinh nghỉ học
Tại Bạc Liêu, chiều 24.12, sau khi kiểm tra các khu vực xung yếu như kè Nhà Mát (TP.Bạc Liêu), đê kè Gành Hào (H.Đông Hải)... Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhanh kế hoạch sơ tán gần 65.000 hộ dân với hơn 350.600 người và phải dứt điểm trước 10 giờ ngày 25.12. Đến khoảng 18 giờ ngày 24.12 đã có 27.000 người dân vùng ven biển Bạc Liêu tự sơ tán, tìm đến nhà người thân tá túc.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết ngày 24.12 tỉnh đã thông báo di dời dân, nhất là các vùng ven biển phải di dời ngay người già, trẻ em, tài sản đến nơi an toàn. Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND H.Cái Nước (Cà Mau), cũng thông tin huyện có khoảng 9.000 người dân trong kế hoạch di dời. Trong đó, người già, trẻ em cần sơ tán ngay đến nhà người thân kiên cố là khoảng 6.200 người.
Tối 24.12, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tiền Giang, cho biết từ 6 giờ hôm nay 25.12, Tiền Giang sẽ sơ tán bước 1 (tại chỗ) cho hơn 39.000 dân tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX.Gò Công đến 12 giờ. Những người ở ngoài đê sẽ gom vào trong đê, những nhà không an toàn sẽ gom vào nhà an toàn hoặc trụ sở cơ quan gần đó.
Để chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của bão số 16, chiều 24.12, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã về H.Cần Giờ (huyện đảo duy nhất của TP.HCM) họp khẩn để kiểm tra, quyết liệt triển khai công tác chuẩn bị. Đến 19 giờ hôm qua, việc sơ tán khoảng 5.000 người dân ở xã đảo Thạnh An và một số khu vực xung yếu ở H.Cần Giờ đến nơi an toàn đã được tổ chức chu đáo... Hôm qua, TP.HCM tiếp tục duy trì lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, cho học sinh, sinh viên toàn thành phố nghỉ học 2 ngày 25 - 26.12.
Ngày 24.12, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã đến các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu kiểm tra công tác phòng chống bão số 16. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng số người phải sơ tán do ảnh hưởng của bão hơn 166.000 người, trong đó tại H.Côn Đảo, địa phương được xem là ảnh hưởng đầu tiên khi bão đến có hơn 2.300 người phải di dời. Ngay trong chiều 24.12, số lượng người dân này đã được di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, bố trí ở tại các khu lưu trú an toàn, trung tâm văn hóa, trường học. Toàn bộ học sinh ở H.Côn Đảo đều được nghỉ học vào ngày 25.12 cho đến khi bão đi qua mới trở lại trường. Tại TP.Vũng Tàu, UBND thành phố đã nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn trước 12 giờ ngày 24.12 không được nhận khách lưu trú qua đêm, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ khách. UBND TP.Vũng Tàu cũng yêu cầu các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch dọc bãi biển phải lập tức thông tin cho du khách về cơn bão và đề nghị khách rời Vũng Tàu nếu du khách ở khu vực Đông Nam bộ.
Sáng 24.12, Ban Chỉ huy ứng cứu khẩn cấp của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã họp và quyết định dừng giàn BK.TNG và bắt đầu từ 7 giờ ngày 24.12 tiến hành sơ tán người. Liên doanh này cũng dừng công việc khai thác, khoan, vận chuyển dầu, khí… Ngoài ra, nhiều giàn khai thác khác của ngành dầu khí cũng bắt đầu sơ tán công nhân để tránh bão.
Không di dời sẽ cưỡng chế Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND H.Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết TT.Gành Hào dự báo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nếu bão đổ bộ vào. Bởi nơi đây có cửa biển lớn nhất tỉnh, hàng ngàn tàu thuyền lớn nhỏ neo đậu tránh bão. Điều lo lắng nhất là nếu sóng biển đánh cao từ 7 - 9 m thì tuyến đê kè Gành Hào có nguy cơ bị vỡ và hơn 15.000 người dân ở thị trấn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của địa phương là bảo vệ nghiêm ngặt tuyến đê kè; đồng thời vận động người dân tự giác di dời đến nơi ở tạm an toàn. Nếu hộ nào chủ quan, lơ là thì huyện kiên quyết cưỡng chế, buộc di dời.
Tại Bến Tre, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết từ 7 - 12 giờ ngày 25.12, lực lượng phòng chống bão sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Trường hợp nào không đồng ý di dời sẽ cưỡng chế. Riêng 3 huyện vùng biển là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đã tăng cường mỗi huyện một trung đội vũ trang để sẵn sàng hỗ trợ người dân và các công trình công cộng phục vụ việc phòng chống bão có hiệu quả.
Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND H.Trần Văn Thời (Cà Mau), cho biết huyện cần phải di dời hơn 5.000 người. Theo chỉ đạo của tỉnh, chiều 24.12 phải di dời người già, trẻ em vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, nhiều người dân còn chủ quan chưa chịu đi vì cho rằng bão vẫn còn xa. Vì vậy, huyện phải tăng cường giải thích, dùng nhiều biện pháp cứng rắn, qua đó một số bà con đã chịu di dời.
Tại H.Long Phú (Sóc Trăng), lãnh đạo huyện thường xuyên theo dõi tình hình của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời. Nhưng theo lãnh đạo UBND huyện, có một bộ phận người dân còn chủ quan với bão vì chưa thấy dấu hiệu rõ rệt. Do đó, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chấp hành chủ trương di dời để tránh nguy cơ thiệt hại.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)