Thủ tướng khích lệ các bộ 'dám từ bỏ quyền lực'

29/12/2017 06:05 GMT+7

Nội dung phòng chống tham nhũng được đề cập xuyên suốt tại hội nghị ngày 28.12 khi Thủ tướng lật đi lật lại trong các phát biểu và được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng điểm xuyết bằng câu chuyện Vũ 'nhôm'.

Chuyển động không ngừng
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hội nghị này khi khẳng định đây là cuộc họp lớn nhất giữa Chính phủ với các địa phương.
Theo báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2017
“Hội nghị hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời rõ ràng hơn, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải làm gì và làm như thế nào để sự phát triển của VN bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, để không bị giẫm chân vào chiếc bẫy thu nhập trung bình, để VN không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh cho mọi người dân VN và không một ai phải đứng bên lề của sự phát triển”, Thủ tướng nói.


Không về Hà Nội biếu quà tết
"Lãnh đạo địa phương không được về Hà Nội để biếu xén dịp tết nhất. Tránh tình trạng huy động ngân sách bằng cách viết lách hóa đơn... Lãnh đạo tỉnh không lên T.Ư nữa, đừng biếu xén tết nhất nữa. Phải phòng chống tham nhũng từ cơ sở ngay từ bây giờ" .
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Không quên điểm lại các khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đầu năm 2017, Thủ tướng kể, thậm chí có lúc đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. “Tuy nhiên, chúng ta đã nhất quyết kiên định mục tiêu tăng trưởng. Đến nay, kết quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được khá toàn diện. Tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua”, Thủ tướng thông báo.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận, còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp. Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu bằng lòng hoặc chủ quan với kết quả đó và không tiếp tục nỗ lực thì quán tính sẽ không còn và cỗ máy phát triển sẽ dừng lại. Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt trên các thành tích mà 2017 đã đạt được, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra.
Để giải quyết các vấn đề này, Thủ tướng cho hay mấu chốt vẫn là con người thực hiện. “Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy. Phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt”, Thủ tướng nói.
Nói về định hướng năm 2018, Thủ tướng khẳng định cần tận dụng đà phát triển của 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng. “Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 sẽ trình ra hội nghị hôm nay, đó là: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Thủ tướng gút lại.
Biểu dương một số bộ đã có chuyển động tích cực, như bộ Công thương, Xây dựng, NN-PTNT đã mạnh mẽ trong cắt bỏ điều kiện, thủ tục kinh doanh, Thủ tướng gọi đây là hành động dũng cảm khi dám “từ bỏ quyền lực”, đồng thời mong muốn tinh thần này sớm lan tỏa ra bộ máy dưới quyền, nhất là ở địa phương.
“Ví dụ chúng ta đang nói rất nhiều về nền kinh tế số, cách mạng 4.0, hay thành phố thông minh. Vậy câu hỏi đặt ra là cách mạng 4.0 ở bộ mình, địa phương mình là cái gì, phải bắt đầu từ đâu”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu lãnh đạo các tỉnh đưa vấn đề này để Hội đồng nhân dân thảo luận, bàn bạc.
Sớm xử lý tài sản của Vũ "nhôm"


Siết chặt kỷ cương hành chính
Thủ tướng cho biết, năm 2018 sẽ siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. "Hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế", Thủ tướng nói.


Nói về công tác giải quyết khiếu nại, Thủ tướng khẳng định về cơ bản, lãnh đạo dưới cơ sở vẫn né tránh, nên tình trạng khiếu nại đông người lên T.Ư vẫn nhiều. "Đó là vì chúng ta không đối thoại với dân. Tôi nói thẳng là dân tỉnh nào mà kéo lên Hà Nội khiếu kiện là tôi mời chủ tịch tỉnh đó lên nhận, đón người dân về để đối thoại, giải quyết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hay khi nói về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cho rằng báo cáo ở địa phương toàn thành tích, trong khi thực tế thì nguồn lực như đất đai chủ yếu ở địa phương nên tham nhũng từ đó mà ra. “Nhưng vừa qua chúng ta chống ở T.Ư nhiều. Người dân nói trên nóng dưới lạnh là nói cái đó”, Thủ tướng chia sẻ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng dẫn chứng ví dụ cụ thể ở TP này liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) để minh họa câu chuyện dư luận bức xúc về tình trạng tham nhũng.
“Dư luận TP cho rằng, những vụ việc nổi cộm của ông Vũ tại Đà Nẵng liên quan chủ yếu đến dự án đất đai, bất động sản. Tuy nhiên, quyết định khởi tố thì chỉ đề cập liên quan đến tội lộ, lọt bí mật nhà nước. Do đó, trong một thời gian dài, đối tượng đã đủ thời gian xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản, chứng cứ”, ông Thơ bày tỏ.
Theo ông Thơ, trong thời gian cơ quan chức năng xử lý, Vũ “nhôm” đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và chuyển nhượng các tài sản cá nhân. Do đó, ông đề nghị sớm xử lý các tài sản đứng tên ông Vũ và tăng cường truy bắt đối tượng. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng thông tin, trước tình hình đó, Thường trực Thành ủy đã có những biện pháp chỉ đạo phù hợp để kiểm soát diễn biến, tư tưởng, dư luận, đồng thời đã có văn bản báo cáo và kiến nghị lên cấp trên. UBND TP cũng vừa nhận được văn bản đề nghị phối hợp công tác kiểm tra, rà soát, xác định lại tài sản của ông Vũ và tạm dừng lại các giao dịch tài sản trên.
“Nhân hội nghị này, xin tiếp tục kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tăng cường chỉ đạo khẩn trương việc truy nã, bắt đối tượng, khẩn trương thanh tra, điều tra và sớm có kết luận các dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ có dấu hiệu tiêu cực, để đưa ra xử lý, chấm dứt kéo dài tình trạng bất lợi trong dư luận”, ông Thơ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.