Viết sai chữ trong lễ hội khai bút

18/02/2016 08:55 GMT+7

Một nhà sư là khách mời khai bút đầu xuân 2016 tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (TP.Hải Phòng) viết 4 chữ Hán “Quốc thái dân an”. Tuy nhiên, ông đã viết sai chữ “thái” khiến nghĩa gốc của câu bị biến dạng.

Một nhà sư là khách mời khai bút đầu xuân 2016 tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (TP.Hải Phòng) viết 4 chữ Hán “Quốc thái dân an”. Tuy nhiên, ông đã viết sai chữ “thái” khiến nghĩa gốc của câu bị biến dạng.

Bức thư pháp “Quốc thái dân an” bị viết sai chữ “thái” - Ảnh: V.N.KBức thư pháp “Quốc thái dân an” bị viết sai chữ “thái” - Ảnh: V.N.K
Mùng 6 Tết Bính Thân vừa qua, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) diễn ra lễ khai bút đầu xuân 2016. Tại buổi lễ, nhà sư khách mời trên thực hiện nghi lễ khai bút, viết chữ “Quốc thái dân an” với mong muốn đất nước được thái bình, nhân dân an lạc.
Tuy nhiên, theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Giám đốc Trung tâm Thư pháp, câu đối và Hán-Nôm học TP.Hải Phòng, vị khách mời này đã viết sai chữ “thái”, một từ đồng âm khác nghĩa. Chữ “thái” mà nhà sư viết 太 có nghĩa là to lớn, trong khi đó phải viết đúng là 泰 nghĩa là thanh bình. “Sai sót này đã khiến cho nghĩa gốc của câu “Quốc thái dân an” không còn đúng”, ông Lý nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, cơ quan này chỉ thông qua chủ trương, còn công tác tổ chức, kịch bản cụ thể, khách mời khai bút… do Ban quản lý di tích Khu tưởng niệm Vương triều Mạc trực tiếp thực hiện. Còn theo ông Chử Ngọc Minh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kiến Thụy, đã có ý kiến tham mưu cho ban tổ chức lễ hội về khách mời khai bút nên là người có chuyên môn về chữ Hán-Nôm để tránh sự cố.
Ông Minh nói: “Mọi năm ban tổ chức mời nhà thư pháp Lê Thiên Lý về khai bút thì không có sự cố gì. Trong cuộc họp tổng kết sắp tới chúng tôi sẽ phải nói về việc này để việc tổ chức lễ hội sau chỉn chu”. Ông Ngô Minh Khiêm, Trưởng Ban quản lý di tích Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, cho biết sẽ rút kinh nghiệm tránh những sai sót trong những lễ hội khai bút sau.
Xin chữ “chí”, cho chữ… “chó”
Tục xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt với ước mong thành công trong học tập. Chữ viết là biểu hiện trí tuệ, bản sắc dân tộc nên việc cho chữ không là chuyện đơn giản, phải lựa chọn người có vốn hiểu biết chuyên sâu về chữ nghĩa mới được cho chữ thiên hạ. Còn nhớ cuộc sát hạch trình độ chuyên môn của ông đồ để vào viết chữ tại hồ Văn (nằm trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) nhân dịp xuân Ất Mùi 2015 đã cho kết quả giật mình: 70% ông đồ viết sai chữ quốc ngữ, chỉ có 11% đạt chuẩn phần sát hạch chữ Hán.
Theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, việc thẩm định trình độ của người cho chữ ở các lễ hội, di tích lịch sử tại Hải Phòng hiện còn bỏ ngỏ nên dẫn đến tình trạng bát nháo, nhiều trường hợp viết chữ sai. “Có một lần tôi đến nhà bạn chơi thấy treo bức thư pháp chữ “chó”, hỏi ra thì biết đứa cháu đi viếng một đền thờ và xin ông đồ chữ “chí”. Rồi có trường hợp xin chữ “phát” thì lại viết thành chữ “phạt”, chữ “Thuấn” là tên vị vua Thuấn huyền thoại của Trung Quốc cổ đại thì người cho chữ lại viết thành chữ có nghĩa là nháy mắt”, ông Lý kể và cho rằng, cần đưa ra những tiêu chuẩn, quy chế để quản lý chặt chẽ việc cho chữ.
Người cho chữ viết sai, còn người xin chữ cũng không phát hiện được cái sai. Theo anh Ngô Viết Hoàn, một người đang làm luận án tiến sĩ về Văn học so sánh tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), đây là biểu hiện về sự đứt gãy văn hóa khi từ bỏ văn tự truyền thống. Trong khi Việt Nam có nhiều đình, đền, chùa… có văn bia, câu đối, hoành phi viết chữ Hán thì nhiều thế hệ người Việt không được dạy loại văn tự này nên không biết đọc. Từ đó không hiểu được những tư tưởng, tinh thần dân tộc của cha ông gửi gắm và không thể giới thiệu cho người nước ngoài khi được hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.