Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng

08/05/2008 22:59 GMT+7

Nhà yêu nước Phan Đình Phùng vốn là một vị Đình Nguyên Tiến sĩ đĩnh đạc đứng đầu Nho lâm, một lãnh tụ Cần Vương chống Pháp bất khuất, tác giả của những bài thơ và những bài nghị luận mạnh mẽ, rắn rỏi. Lịch sử Việt Nam đã tôn vinh chí sĩ Phan Đình Phùng ở một vị trí xứng đáng.

Nhưng vẫn còn những điều bất ngờ về danh nhân này, điển hình là cuốn Việt sử địa dư do ông viết, được đánh giá có những giá trị đáng kể về mặt tri thức và học thuật, vừa được NXB Nghệ An và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành tháng 5.2008.

Việt sử địa dư trước hết có đóng góp về mặt thể loại. Những cuốn gọi là địa dư, địa chí tức là ghi chép về đất đai, duyên cách, phong tục tập quán xã hội của cả nước hay của từng địa phương; song Phan Đình Phùng đã kết hợp cả với lịch sử và phát triển thành một kết cấu gọn gàng, logic, từ đó có nhiều phát hiện và lý giải mới. Điều này rất đáng chú ý và trân trọng. Có thể Phan Đình Phùng muốn soạn sử, nhưng lại sử dụng các sự kiện, hiện tượng địa lý ở địa phương để làm cho rõ quá trình biến thiên của đất nước qua từng thời kỳ lịch sử. Ông khai thác tư liệu theo hướng đó, nên cuốn sách của ông khác hẳn với những cuốn dư địa chí khác.

Việc biến đổi thể loại như trên dẫn đến sự thay đổi phương pháp. Thứ nhất, ông không miêu tả chuyện phong tục, kể các sản vật, thắng cảnh, nhân vật, mà chỉ căn cứ vào từng vị trí của đất nước để chỉ rõ sự thay đổi. Từ đó ông làm nổi rõ quá trình biến thiên của sự kiện địa lý và tạo được mối dây liên hệ giữa người thời nay với thời xưa. Phương pháp này từ trước cho đến tận thời đại của ông chưa có ai làm. Thứ hai, để triển khai ý đồ xây dựng thể loại mới, độc đáo này, tác giả đã dùng biện pháp thích hợp và khôn khéo là dựa vào chính sử (Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục) mà xưa nay các sách địa chí không hề vận dụng. Viết địa lý mà không chia theo các khu, các tỉnh, các mục riêng như giao thông, sản vật, thắng cảnh, phong tục..., mà lại hoàn toàn theo các thời đại lịch sử từ cổ đến kim, phải chăng đó cũng là một cách viết chưa từng thấy ở Việt Nam này?

Nhà sử học Chương Thâu nhận xét: "Việt sử địa dư có đóng góp nhất định, và đây là sự đóng góp về thể loại - nếu nhìn theo góc độ chuyên môn; và sự đóng góp về tri thức - nếu nhìn theo nội dung lịch sử. Cuốn Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng là một hiện tượng có thể xem là sáng giá, rất đáng trân trọng".

Diệu Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.