Việt Tân - Từ khủng bố đến núp bóng “xã hội dân sự”

21/05/2016 07:00 GMT+7

Trong mấy chục năm qua, tổ chức phản động Việt Tân ra sức chống phá, nuôi mộng lật đổ chính quyền nhân dân tại nước ta thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Dù cố tình che đậy, thoát xác với nhiều biến tướng nhưng bản chất khủng bố, chống phá cố hữu của Việt Tân không hề thay đổi. Tổ chức này xuất phát từ cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng VN” do Hoàng Cơ Minh (nguyên chuẩn tướng, phó đề đốc hải quân VNCH) dựng lên từ năm 1980 tại Mỹ. Với sự trợ giúp của một số thế lực thù địch, Hoàng Cơ Minh và đồng bọn lập căn cứ “kháng chiến” ở vùng rừng núi của Thái Lan, làm bàn đạp để đưa người và vũ khí xâm nhập VN.
Với tham vọng ngông cuồng, đồng thời để lừa mị một bộ phận kiều bào, ngày 10.9.1982 tại căn cứ ở Thái Lan, Hoàng Cơ Minh lập ra tổ chức “VN canh tân cách mạng đảng”, gọi tắt là Việt Tân. Tổ chức này trở thành cơ quan đầu não chỉ huy các hoạt động chống phá với ý đồ tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân ở VN, trở thành công cụ đắc lực của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta thời hậu chiến. Ngay tại Mỹ, “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng VN” rồi Việt Tân đã bộc lộ bản chất khủng bố khi thành lập đội sát thủ K-9 ám sát hàng loạt nhà báo gốc Việt có bài viết chỉ trích tổ chức này trong giai đoạn 1981 -1990, theo phóng sự điều tra phát trên chương trình truyền hình nổi tiếng Frontline hồi tháng 11.2015.
Trở lại với mưu đồ khủng bố tại VN, Việt Tân lập kế hoạch 5 giai đoạn trải dài từ năm 1980 - 1992 trở đi, nhằm đưa người và vũ khí vào VN kết hợp với việc chiêu dụ, huấn luyện một bộ phận người trong nước để “nổi dậy”, bạo loạn lật đổ chính quyền nhân dân trên phạm vi cả nước. Để thực hiện âm mưu này, Việt Tân tiến hành các chiến dịch “Đông tiến 1”, “Đông tiến 2”, “Đông tiến 3”… qua đất Lào, Campuchia. Tuy nhiên, nhờ chủ động làm tốt công tác xây dựng cơ sở trong cộng đồng kiều bào ở nước ngoài nên cơ quan an ninh VN đã nắm rõ tổ chức, âm mưu và kế hoạch hoạt động của Việt Tân ngay từ lúc manh nha. Lực lượng chức năng đã triển khai thắng lợi chuyên án mang bí số HM29 và kế hoạch CM12 với phương châm: Chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng thế trận, phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là lực lượng vũ trang Lào, Campuchia và chủ động bố trí lực lượng đón đánh địch. Nhờ đó, chúng ta đã đập tan các chiến dịch “Đông tiến”, bắt giữ và tiêu diệt hàng trăm đối tượng. Riêng Hoàng Cơ Minh bị tiêu diệt vào ngày 28.8.1987.
Khủng bố đời “F2”
Sau cái chết của Hoàng Cơ Minh và thất bại trong thập niên 1980, Việt Tân vẫn không từ bỏ mưu đồ chống phá VN, tiếp tục tiến hành nhiều kế hoạch xâm nhập trong các thập niên 2000, 2010, dù chiến tranh đã lùi xa, VN đã trở thành bạn bè của tất cả các nước đồng thời vững bước trên con đường phát triển. Một lần nữa, thế hệ khủng bố đời sau của Hoàng Cơ Minh tiếp tục bị lực lượng an ninh VN đánh bại.
Điển hình là Nguyễn Quốc Quân, thành viên cốt cán của Việt Tân, cùng đồng bọn 2 lần cố xâm nhập VN vào các năm 2007 và 2012 nhưng đều bị phát hiện, xét xử đúng pháp luật và bị trục xuất. Trong quá trình điều tra của cả hai vụ, Quân đều không thể chối tội trước những bằng chứng rõ ràng và phải thừa nhận âm mưu tiến hành phá hoại, khủng bố tại VN bằng các thủ đoạn như chuẩn bị truyền đơn xách động bạo loạn vũ trang hoặc dụ dỗ quần chúng tiến hành cái gọi là “đấu tranh bất bạo động”.
Ngoài ra, vào năm 2009, lực lượng an ninh VN cũng đã đập tan kế hoạch Việt Tân thiết lập đường dây qua ngả biên giới để đưa người, vũ khí xâm nhập bất hợp pháp thông qua Nguyễn Văn Bé. Bé là Việt kiều Úc, cùng vợ về VN dưới vỏ bọc thăm quê. Tuy nhiên, mục tiêu thật sự là chụp ảnh trái phép các cửa khẩu ở Kiên Giang, Tây Ninh, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM… đồng thời tìm hiểu quy luật qua lại của người dân vùng giáp biên giới VN - Campuchia. Bé còn có nhiệm vụ liên lạc, báo cáo cho các thành viên cộm cán của Việt Tân như Nguyễn Tuyết Nhung ở Úc và Đặng Quốc Sủng (Mỹ). Dù hoạt động hết sức tinh vi nhưng cuối cùng Bé vẫn bị bắt vào ngày 9.5.2009 với tang vật phạm pháp và đã phải cúi đầu nhận tội.
(Còn tiếp Kỳ 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.