Với chùm đoản văn từng đăng trên trang Sáng tác báo Thanh Niên Chủ nhật, Zac Herman đã gây cho người đọc một bất ngờ thích thú qua cách nhìn cuộc sống Hà Nội, và nhất là cách diễn đạt bằng Việt ngữ của một người Mỹ mới hai năm làm quen tiếng Việt.
Tiếng Việt và văn hóa Việt thẩm thấu vào tâm hồn một người nước ngoài như Zac qua cách thức nào? Chúng ta hãy trò chuyện cùng anh.
Anh có nghĩ viết tiếng Việt là con đường ngắn nhất để một người nước ngoài có thể khám phá tâm hồn người Việt?
Mặc dù ngôn ngữ là phương cách không thể thiếu để kết nối những người đến từ những nền văn hóa khác nhau, nhưng không hẳn là cách ngắn nhất. Mà đôi khi, ngôn ngữ còn tạo khoảng cách giữa bạn và những người bạn muốn kết giao. Một đầu óc cởi mở, ham hiểu biết, gây được lòng tin, tính hài hước và không ngại sai trong giao tiếp là những điểm cần thiết khi hội nhập một nền văn hóa hoàn toàn khác với văn hóa gốc của bạn.
Điều ấy đúng với tôi, viết tiếng Việt là cách hiệu quả nhất để kết nối với người Việt. Nhưng tôi cũng biết nhiều người nước ngoài sống ở Việt Nam, gần gũi và quen thuộc với văn hóa Việt Nam hơn tôi, vậy mà vốn liếng tiếng Việt của họ chẳng bao nhiêu, thậm chí không một chữ bẻ đôi. Vì vậy, tôi nghĩ khả năng viết tiếng Việt chỉ là một trong những kênh tiếp cận với tâm hồn Việt, thậm chí không hề là kênh hàng đầu.
Trong những bài viết bằng tiếng Việt đã công bố, anh bộc lộ một lối nghĩ, một vũ trụ quan rất phương Đông. Vậy văn hóa phương Đông có ảnh hưởng gì đối với anh trước và sau khi đến Hà Nội?
Văn hóa phương Đông có ảnh hưởng sâu sắc đến cách suy nghĩ của tôi, ngay từ khi tôi mới mười bốn tuổi. Đấy là khi tôi thuê một phim tài liệu về Tây Tạng tại thư viện thành phố quê tôi. Thời điểm đấy là bước ngoặt đã chuyển hướng cách nhìn của tôi và là sự khởi đầu cho một hành trình dài để phát triển cái tôi theo chiều hướng của triết học Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Suốt nhiều năm tiếp theo, tôi thuê và đặt mua hàng trăm sách, xem hàng chục phim truyện về châu Á, để rồi nhận ra tác động sâu sắc của văn hóa châu Á đối với Mỹ sau khi khái niệm này được giới thiệu vào Mỹ đầu thế kỷ 20. Sống ở Việt Nam cho tôi hiểu thêm văn hóa châu Á, hoặc ít nhất cũng là một phần diện mạo của văn hóa phương Đông.
|
Việc nghiên cứu văn học Việt Nam của anh đã gặp những thuận lợi và trở ngại nào? Bao giờ thì anh sẽ hoàn thành một phần cụ thể nào đó?
Tôi lấy làm tiếc phải nói rằng, ngoài đề tài chiến tranh Mỹ - Việt, việc truy tìm tư liệu về Việt Nam tại các thư viện và các nhà sách ở Mỹ rất bị hạn chế. Chỉ đến khi đặt chân đến đây tôi mới có thể thực sự bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam, cụ thể hơn, là về văn học Việt Nam. Hơn nữa, khối lượng thông tin chủ yếu về văn học Việt Nam được viết bằng tiếng Việt và chưa hề được dịch, trong khi đó, nghiên cứu học thuật về Việt Nam chỉ mới bắt đầu phát triển những năm gần đây.
Điều ấy cho thấy, để nghiên cứu văn học Việt Nam, người ta phải vừa lưu trú lâu dài hoặc thường xuyên lui tới đất nước này, vừa phải làm chủ được tiếng Việt; đó là chuyện khó và hiếm xảy ra trong cộng đồng người nước ngoài.
Tôi đặc biệt quan tâm đến phong trào Thơ Mới (1932-1945) của Việt Nam, dẫn đầu bởi những tên tuổi lớn như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Xuân Diệu và nhiều thi sĩ trẻ tài năng khác. Sắp đến, tôi dự định xuất bản một tập “đoản văn” viết bằng tiếng Việt và một tập thơ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Hãy nói đôi điều về kinh nghiệm học tiếng Việt và lĩnh hội văn hóa Việt của anh.
Thật khó tin là trong năm đầu tiên ở Việt Nam tôi đã rất miễn cưỡng khi phải ra khỏi nhà. Tôi thấy khó để hiểu được tiếng Việt ngoài trường lớp và cố tránh nói tiếng Việt, vì sợ nói sai hay không hiểu những gì người ta nói với mình.
Một hôm tôi tìm thấy trên internet lịch các cuộc triển lãm văn hóa, mỹ thuật và trình diễn nghệ thuật được tổ chức hằng tuần. Tôi vừa ngạc nhiên vừa phấn khích khi nhận ra đời sống văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội rất năng động và tôi đã quyết định ra khỏi nhà để khám phá Hà Nội.
Liều lĩnh dấn thân trên đường phố với mục đích cụ thể như thế đã cho tôi niềm tin khi giao tiếp với mọi người. Tôi cũng bắt đầu chạy bộ quanh hồ Tây mỗi chiều sau giờ tan sở, mở trang blog để chia sẻ với gia đình, bạn bè, những người nước ngoài khác và cả người Việt Nam về những trải nghiệm và suy nghĩ của tôi. Một cách khiêm tốn, tôi có thể nói rằng Việt Nam đã dạy cho tôi nhiều điều trong suốt hai năm qua.
Cám ơn Zac, người bạn Mỹ rất Việt Nam, và mong anh sẽ tiếp tục đồng hành lâu dài với văn học Việt Nam, như một sứ giả văn hóa.
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)