Vietnam Airlines đương đầu với một loạt bê bối

07/06/2006 00:40 GMT+7

* Vietnam Airlines trả lời như thế nào? * Vietnam Airlines đài thọ hàng trăm ngàn USD cho con các VIP du học Thua kiện hơn 100 tỉ đồng trong vụ mở đại lý tại Italia; lãng phí hàng chục triệu USD trong vụ mua máy bay tầm xa, nhưng lắp động cơ tầm trung; chi tiền sai quy định cho con các VIP đi du học nước ngoài... Hàng loạt vụ bê bối xảy ra tại Vietnam Airlines (VNA) đang được công luận quan tâm: Ai là người chịu trách nhiệm chính?

Thua kiện hơn 100 tỉ đồng vì chủ quan

Năm 1991, VNA ký hợp đồng thuê Công ty Falcomar (Italia) làm đại lý cho VNA tại Italia. Từ tháng 9/1991 - tháng 12/1992, Công ty Falcomar thuê luật sư Maurizio Liberati thực hiện một số thủ tục pháp lý hoàn chỉnh hồ sơ để Falcomar là đại diện cho VNA. Sau đó, ông Maurizio Liberati bị Falcomar sa thải. Ông này đã kiện tòa án tại Roma đòi Falcomar trả tiền cho những công việc ông ta đã làm. Falcomar tuyên bố phá sản, VNA chịu trách nhiệm liên đới.

Vụ kiện bắt đầu xảy ra từ năm 1994, tuy nhiên đến năm 2002, VNA mới được biết có vụ kiện này và mãi đến ngày 9/6/2004, ở tình thế khó có thể cứu vãn nổi, VNA mới có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sự việc do những cán bộ tiền nhiệm để lại nhưng khi giải quyết, một số vị lãnh đạo cao cấp hiện nay của VNA đã không đánh giá đúng mức độ phức tạp của vấn đề, và chủ quan. Tại thời điểm án sơ thẩm có hiệu lực, số tiền mà tòa án Roma yêu cầu VNA phải thi hành án là 1,3 triệu euro. Tuy nhiên, sau khi cử đoàn công tác sang Italia tìm cách giải quyết vụ việc, một cán bộ lãnh đạo VNA đã có những lập luận thiếu chính xác dẫn đến việc kiện cáo kéo dài, số tiền VNA phải trả đã tăng lên tới hơn 4 lần (hiện là 5,2 triệu euro, tương đương hơn 100 tỉ đồng VN) sau 6 năm qua nhiều vòng xử án.

Sự việc xảy ra do lỗi của cả các vị lãnh đạo VNA từ nhiều năm trước cũng như quá trình chỉ đạo xử lý vụ việc của lãnh đạo VNA sau này không hợp lý, để phía bị đơn, vốn là một luật sư, lợi dụng nhiều điều khoản luật của Italia mà VNA không nắm chắc để đòi tăng tiền phạt, các loại án phí, chi phí bồi thường... Hơn 100 tỉ đồng là cái giá quá đắt phải trả cho sự chủ quan, thiếu thông tin về pháp luật các nước sở tại đối với VNA, nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong bài học này cần phải làm rõ.

Mua máy bay tầm xa, lắp động cơ tầm trung

Ngày 14/1/2002, VNA trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt lựa chọn động cơ cho dự án mua 4 máy bay Boeing 777-200ER-LGW. Theo dự án, giá dự kiến đối với gói thầu mua động cơ (gồm 8 động cơ của 4 máy bay Boeing 777 và một động cơ dự phòng) là 53,5 triệu USD. Hai hãng tham gia thầu là Pratt & Whitney (PW) và General Electric (GE). Các máy bay Boeing 777 trên toàn thế giới hiện nay chỉ lắp động cơ bay tầm xa GE 90 vì tính hiệu quả kinh tế, an toàn và tiện lợi trong khai thác cùng khả năng cung ứng phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, VNA vẫn làm văn bản giải trình xin cho được mua loại động cơ tầm trung của PW. Hệ quả là hiện nay những máy bay Boeing 777 mà VNA đã mua chỉ có thể dùng để bay tầm trung chứ không thể bay tầm xa các tuyến bay đường dài tới châu u hoặc Mỹ. Để đảm bảo các đường bay dài này, VNA lại phải tìm một đối tác để thuê máy bay Boeing 777 lắp động cơ GE 90 bay được đường dài tới Mỹ và châu u.

Theo hợp đồng thuê máy bay, VNA phải thuê với giá hàng trăm ngàn USD/tháng với những điều khoản bất lợi. Trong hợp đồng thuê Boeing 777 tầm xa, giá thuê các tháng ban đầu chỉ hơn 400.000 USD/tháng nhưng từ tháng thứ 60 trở đi thì giá tăng lên gấp đôi (hơn 800.000 USD/tháng). Theo nhiều chuyên gia, lẽ ra từ đầu VNA phải lắp động cơ bay tầm xa GE 90. Còn nếu thiếu máy bay tầm trung thì chỉ phải thuê máy bay tầm trung Boeing 767 với giá rẻ chỉ bằng 1/10 Boeing 777 bay tầm xa. Như vậy ngân sách Nhà nước sẽ không mất đi hàng chục triệu USD như hiện nay. Theo các chuyên gia của hãng Boeing, để nâng cấp các loại động cơ của PW có thể bay tầm xa thì mỗi máy bay phải đầu tư thêm 6 triệu USD nữa. Như vậy 4 chiếc Boeing 777 (đã lắp động cơ của PW) phải tốn thêm 24 triệu USD.

Xung quanh việc tòa án ra phán quyết buộc VNA phải nộp 5,2 triệu euro thi hành án trong một vụ kiện, ngày 6/6, trao đổi với PV báo Thanh Niên, một lãnh đạo của VNA cho biết: Vụ kiện này được tòa án Roma (Italia) xét xử với phán quyết buộc VNA phải bồi thường cho nguyên đơn là luật sư Maurizio Liberati 4,8 tỉ lia (tiền Italia) nhưng vì VNA không có hoạt động kinh doanh ở Italia nên nguyên đơn và tòa án Roma đã đề nghị tòa án Paris (bởi Pháp là nơi VNA có hoạt động kinh doanh) triển khai thi hành án theo hiệp định hỗ trợ tư pháp giữa hai nước.

Trước đó, luật sư của VNA tại Paris có đơn kháng cáo, đề nghị không thi hành án nhưng tòa sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án Paris vẫn đưa ra phán quyết yêu cầu VNA nộp 5,2 triệu euro vào tài khoản treo (tài khoản phong tỏa). Số tiền này chỉ có ý nghĩa bảo đảm cho việc thi hành án, trên thực tế, phía nguyên đơn vẫn chưa được nhận số tiền này cho đến khi có quyết định cuối cùng của tòa án Roma. VNA đã báo cáo với Chính phủ về việc này và tháng 3/2006 VNA đã phải nộp 5,2 triệu euro vào tài khoản trên.

Vẫn lãnh đạo VNA trên cho biết: Hiện nay, vụ kiện nói trên đã xuất hiện một số tình tiết, chứng cứ mới có lợi nên VNA vẫn theo đuổi vụ kiện này và nộp đơn kháng cáo lên tòa án Roma (Italia), đề nghị xem xét lại bản án không công bằng trước đó. Vì lý do tòa án Roma (Italia) thay đổi thẩm phán mới nên ông này quyết định sẽ xem xét vụ kiện này vào năm 2007.

Cho đến thời điểm này, lãnh đạo VNA đang có những cuộc tiếp xúc với các luật sư ở nước ngoài để tiếp tục bảo vệ quyền lợi của VNA trong vụ kiện nói trên. Việc lật lại phán quyết của tòa án nước ngoài trong vụ việc trên là rất khó khăn, nhưng nếu VNA có được những tình tiết, chứng cứ mới để yêu cầu tòa án Roma mở lại phiên tranh tụng (trước đây không có đại diện của VNA) thì kết quả vụ kiện có thể sẽ có lợi cho VNA. Ngoài việc theo đuổi quá trình tố tụng với hy vọng tòa Roma sẽ mở lại phiên tranh tụng, các luật sư của VNA cũng đang có những cuộc tiếp xúc với luật sư Maurizio Liberati nhằm gây sức ép buộc phía nguyên đơn ngồi vào bàn đàm phán. Được biết, đại diện của luật sư Maurizio Liberati cũng đang tỏ ra có thiện chí để đi đến một thỏa thuận ngoài tòa có lợi cho cả hai phía.

Việt Chiến - Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.