Vietnam Airlines: Mua máy bay như mua... rau

14/07/2006 14:36 GMT+7

Ký một hợp đồng mua hai máy bay cũ trị giá 900.000 USD, nhưng do cung cách làm ăn thiếu khoa học, không chặt chẽ nên dù đã giao 180.000 USD tiền đặt cọc cho đối tác, Vietnam Airlines (VNA) vẫn không nhận được máy bay và cũng chẳng lấy lại được tiền. Hơn chục năm qua, VNA đã cử trên dưới 10 đoàn công tác, thuê luật sư và tiêu tốn hàng chục ngàn USD tổ chức đi đòi nợ nhưng vẫn chưa có kết quả.

Bản hợp đồng mua hai máy bay trị giá 900 ngàn USD

Căn cứ yêu cầu của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, ngày 17/8/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã có văn bản cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam (TCTHKVN) được mua máy bay IL-18 của CHDC Đức và được nhập máy bay chở khách từ khu vực thị trường ngoài XHCN. Theo báo cáo của Công ty XNK Hàng không (Airimex) gửi Bộ Thương nghiệp thì 2 máy bay IL-18 dự định mua của Hãng Interflug - CHDC Đức đã được nước Đức chuyển giao cho Cộng hòa Áo trả nợ. Căn cứ vào chào hàng của Công ty Aircom (Áo), tháng 1/1991, đại diện TCTHKVN đã ký hợp đồng với Công ty Aircom mua 2 máy bay IL-18 có số hiệu S/N 603 và S/N 905 với tổng số tiền là 900.000 USD. Trong điều khoản thanh toán của hợp đồng được thỏa thuận là bên mua (VNA) phải chuyển 180.000 USD (bằng 20% giá trị hợp đồng) tiền đặt cọc vào tài khoản chỉ định của Công ty Aircom và mở tín dụng thư (L/C) thanh toán cho số tiền còn lại của hợp đồng (720.000 USD).

Đến tháng 6/1991, TCTHKVN đã chuyển 180.000 USD tiền đặt cọc cho phía đối tác như thỏa thuận. Sau đó theo yêu cầu của đối tác, phía Việt Nam đã mở tín dụng khoản nhập khẩu, đề nghị ngân hàng mở hộ L/C không hủy ngang cho người hưởng lợi là Công ty Aircom. Ngày 2/9/1991, phía Aircom lại thông báo rằng L/C đã được mở nhưng chưa được ngân hàng Thụy Sĩ Swiss Bank Corporation xác nhận và yêu cầu phía Việt Nam phải thay đổi một số nội dung của L/C. Do xét thấy việc thay đổi những nội dung này phương hại đến quyền lợi của Việt Nam, nên TCTHKVN đã không chấp nhận. Ngày 25/9/1991, phía Aircom thông báo sẽ không bán 2 máy bay nói trên cho phía Việt Nam nữa vì phía Việt Nam đã vi phạm hợp đồng là chậm mở L/C.

Trước tình hình đó, TCTHKVN đã cử một đoàn công tác sang Cộng hòa Áo để đàm phán giải quyết hậu quả. Tại đây, hai bên đã đạt thỏa thuận: Phía Aircom sẽ giao cho phía Việt Nam số hàng hóa có tổng giá trị 900.000 USD gồm 2 máy bay IL-18 lúc đó đang ở Bulagaria giá trị 500.000 USD và một số phụ tùng, phụ kiện máy bay với giá trị 400.000 USD. Tuy nhiên, đến thời hạn cuối cùng trong thỏa thuận giao máy bay ngày 28/2/1992, Aircom tiếp tục viện cớ do chưa xin được giấy phép xuất máy bay ra khỏi Bulgaria và đổ lỗi cho phía Việt Nam chưa sửa điều kiện trả khoản tiền 400.000 USD trong L/C cho người hưởng lợi, đề nghị Việt Nam gia hạn thời gian giao máy bay. TCTHKVN đã không chấp nhận, tuyên bố chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Công ty Aircom hoàn trả số tiền đặt cọc.

Bị ép mua về hai xe thang hành khách

Phi vụ mua máy bay được ký kết từ năm 1991, nhưng 7 năm sau khi Thanh tra Nhà nước vào cuộc (1998), TCTHKVN vẫn phải ngược xuôi cử nhiều đoàn công tác, thuê luật sư và đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam hỗ trợ để đàm phán mục đích đòi lại số tiền 180.000 USD đã đặt cọc cho Công ty Aircom. Không biết các thủ tục pháp lý TCTHKVN đã thực hiện như thế nào, cung cách đòi nợ ra sao, nhưng cũng phải mất nhiều năm sau đó, phía Aircom mới quyết định trả lại món đặt cọc trị giá 180.000 USD. Nhưng điều hết sức oái oăm là thay bằng trả tiền, Công ty Aircom đã quyết định trả lại bằng 2 xe thang hành khách hiệu FFG.

Câu chuyện khá khôi hài này chưa dừng lại tại đây. Sau khi phía Việt Nam đồng ý nhận hai chiếc xe thang này để trừ nợ, phía đối tác còn ra thêm điều kiện là phải trả thêm cho họ 400.000 USD mới được nhận hai xe thang về. Vì vào thế khó, phía Việt Nam miễn cưỡng chấp nhận và đã cử hẳn một đoàn công tác đi Áo và Hà Lan để kiểm tra và thống nhất cách thực hiện. Về mặt hình thức, khoản tiền 400.000 USD nêu trên, phía Việt Nam phải trả trực tiếp công ty của Áo bằng tiền mặt mới được nhận xe thang hành khách. Tuy nhiên sau đó vụ mua bán gượng ép này cũng không thực hiện được và số nợ 180.000 USD của đối tác nước ngoài vẫn để treo đến bây giờ.

Hàng chục ngàn USD đã bị ném qua cửa sổ

Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước, trong phi vụ này TCTHKVN đã làm mất hàng chục ngàn USD cho các khoản chi phí thuê luật sư và cử tới 9 đoàn công tác đi đòi số tiền đặt cọc mua 2 máy bay IL-18 trong nhiều năm. Tổng chi phí cho các khoản nêu trên tính đến thời điểm tháng 6/1998 là hơn 50.000 USD. Nhưng sau tất cả những nỗ lực đó cuối cùng vẫn chưa đòi được nợ.

Kết quả thanh tra cho thấy: Điều đáng chú ý là sau phi vụ gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục ngàn đô la này, những người chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc đó vẫn không hề hấn gì mà trái lại. Theo đánh giá của Thanh tra Nhà nước, điều đáng chú ý là lần bổ nhiệm lại chức vụ cho ông Nguyễn Khắc Hưng (nguyên Phó ban Kỹ thuật, vật tư xăng dầu) vào tháng 5/1997, nội bộ TCTHKVN đang rất phức tạp, một số cơ quan bảo vệ pháp luật đang yêu cầu cung cấp tài liệu, trong đó cơ quan điều tra đã mời ông Hưng lên để giải trình về một số vụ việc liên quan đến vụ mua 2 máy bay IL-18 và thuê 3 máy bay B767, nhưng không hiểu sao lãnh đạo TCTHKVN vẫn quyết định bổ nhiệm ông Hưng vào vị trí này?!

Câu chuyện về phi vụ mua 2 chiếc máy bay cũ bất thành của TCTHKVN là vậy. Đến nay, theo một số cán bộ, công nhân viên trong ngành hàng không, thì số tiền hàng trăm ngàn USD kể trên coi như đã mất. Điều bức xúc là sau phi vụ này, chẳng có một ai phải chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý và TCTHKVN xem cũng chẳng rút kinh nghiệm gì trong quá trình hội nhập, ký kết làm ăn với nước ngoài.

Theo Thanh Phong - Xuân Luận/CAND

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.