Vinashin, những sai phạm đã được báo trước

05/08/2010 22:38 GMT+7

Sự kiện nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình bị bắt tạm giam là kết quả cuối cùng của một hành trình sai lầm mà Báo Thanh Niên từng cảnh báo 9 năm trước. >> Sai phạm ở Vinashin do chủ quan là chính

Trong số báo 201, ra ngày 22.8.2001, Thanh Niên đã đăng bài Con tàu hàng vạn tấn chưa đóng đã sắp “chìm”!, nói về một sự kiện hy hữu trong làng đóng tàu VN và có thể là cả thế giới: ông Phạm Thanh Bình yêu cầu cấp dưới đóng tàu khi chưa có... thiết kế!

Bên A... cách chức bên B

Đó là con tàu 11.500 tấn đầu tiên đóng tại VN, do bên A là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (tên cũ của Vinashin) ký hợp đồng đóng mới với bên B là Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, một đơn vị cũng thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy tại Hải Phòng. Điều trớ trêu là khi triển khai hợp đồng, bên B không được bên A cung cấp bản... thiết kế nhưng vẫn bị ép đóng các tổng đoạn, tức các phần đáy tàu theo một bản thiết kế nháp để lễ khởi công đóng mới được tổ chức đúng vào ngày “cá tháng tư” 1.4.2001.

 

 Bài báo của Thanh Niên năm 2001

Vì chủ trương này trái nguyên tắc kỹ thuật, Giám đốc Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, ông Phạm Đình Đá đã không chấp nhận yêu cầu nói trên. Vậy là ngày 4.7.2001, ông Phạm Thanh Bình, khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy VN, đồng thời đại diện... bên A ký một quyết định có hiệu lực ngay trong ngày để cách chức đại diện bên B là ông Phạm Đình Đá!

Điều bất ngờ là khi nhận quyết định này, 15/15 đảng ủy viên nhà máy không nhất trí, người được ông Phạm Thanh Bình giao giữ chức giám đốc thay ông Phạm Đình Đá cũng từ chối không nhận nhiệm vụ. Đặc biệt, Thành ủy Hải Phòng, đơn vị quản lý ông Phạm Đình Đá trong sinh hoạt Đảng, cũng ngỡ ngàng vì không được biết gì!

Lạ ở chỗ, con tàu 11.500 tấn nói trên được Tổng công ty công nghiệp tàu thủy VN thuê đóng không phải để bán cho một công ty vận tải biển, mà cho một công ty thành viên mới thành lập và chưa từng kinh doanh vận tải biển. Việc đóng tàu 11.500 tấn khi đó được xem như chuyển tiền từ túi nọ sang túi kia mà không tính đến hiệu quả kinh tế. 6 năm sau đó, khi có tiền từ trái phiếu Chính phủ, Vinashin mua tàu Hoa Sen và giao cho chính công ty thành viên nọ, nay đã đổi tên là Công ty vận tải viễn dương Vinashin, để rồi thất bại ê chề như mọi người đã biết.

Phô trương thanh thế

Tại sao phải khởi công đúng ngày 1.4.2001 trong khi chưa có thiết kế chính thức? Đơn giản, ông Phạm Thanh Bình khi đó muốn phô trương thanh thế trước các quan chức Bộ GTVT và Chính phủ. Sự thiếu trung thực khi chưa có bản vẽ mà vẫn đóng tàu 11.500 tấn chẳng khác nào việc Vinashin mua tàu Hoa Sen hàng nghìn tỉ đồng mà Bộ GTVT không được biết.

Việc ông Phạm Thanh Bình tùy hứng cách chức và phong chức cho cấp dưới trong vụ đóng tàu 11.500 tấn cách đây 9 năm cũng khiến người ta liên tưởng đến việc ông này tự tung, tự tác trong việc cất nhắc người thân vào các vị trí quan trọng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã kết luận: “Đồng chí Phạm Thanh Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước”.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo ngày 4.8 về việc có hay không sự buông lỏng thanh kiểm tra Vinashin dẫn tới sai phạm, ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ, cho biết đã có tất cả 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Vinashin từ ngày thành lập và “phát hiện rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, uốn nắn, vấn đề là chưa có biện pháp xử lý nghiêm cũng như chưa kiên quyết yêu cầu đơn vị này chấn chỉnh một cách triệt để”.

Khó có thể nói rằng nếu những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình trong vụ đóng con tàu 11.500 tấn kể trên được xử lý triệt để thì Vinashin không lâm vào khó khăn như hiện nay. Nhưng rõ ràng là dấu hiệu sai phạm của một cán bộ hành xử bất chấp quy định kỹ thuật, nguyên tắc quản lý kinh tế, quản lý cán bộ và không chấp hành điều lệ Đảng mà Thanh Niên cảnh báo nhưng không được xử lý đã dần lớn và gây tổn thất nặng nề. Đó là một bài học đáng suy ngẫm trong quản lý kinh tế và công tác cán bộ.

Cơn bĩ cực của hơn 7.000 lao động

Vinashin hiện có trên 7.300 lao động thiếu việc làm. Trong khi hàng ngàn lao động khác đã và đang phải nghỉ luân phiên chờ việc hoặc làm việc cầm chừng, nhận tạm ứng trên dưới 1 triệu đồng/tháng.

Ngày 4.8, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chính sách lao động tại Vinashin. Theo công văn này, đời sống của người lao động Vinashin đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có 7.314 lao động thiếu việc làm, tập đoàn nợ tiền lương của người lao động 103 tỉ đồng, nợ BHXH 143,9 tỉ đồng.

Để giải quyết khó khăn về việc làm, đời sống và đảm bảo thực hiện chính sách cho lao động Vinashin, Tổng LĐLĐ VN đề nghị Thủ tướng cho phép Vinashin được áp dụng thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23.2.2009 về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy thoái kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Phát triển VN cho các đơn vị của Vinashin được vay để giải quyết tiền nợ lương công nhân, tiền nợ BHXH, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc... với lãi suất 0%, trong thời hạn 12 tháng; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho lao động thiếu việc, mất việc làm được vay vốn để tự tạo việc làm, học nghề với lãi suất ưu đãi.

Ông Trần Quang Vũ, Tổng giám đốc điều hành Vinashin, cho biết: “Trong thời kỳ khó khăn, ban lãnh đạo tập đoàn chủ trương không bỏ rơi một ai. Chúng tôi sẽ ưu tiên dồn tiền có được sau khi tái cơ cấu để trả lương cho công nhân. Với các dự án lớn được tập trung đầu tư, có thể bố trí việc làm cho công nhân trong vòng 1-2 năm tới”.

Tại Nam Triệu, Chủ tịch công đoàn Nguyễn Văn Canh cũng cho biết: “Nếu ai tìm được việc làm ở nơi khác tốt hơn, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho đi, ai ở lại tổng công ty vẫn cố gắng bố trí công việc, kể cả khi họ nghỉ chờ việc cũng sẽ được hưởng lương khoảng 1 triệu đồng/người/tháng”.

Ông Phạm Đình Đá, nguyên Giám đốc Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, phân tích: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần các chính sách để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Các nhà máy, đơn vị cần bóc tách từng dự án, từng con tàu đang đóng xem cái nào có thể hoàn thành thì quyết tâm làm, cái nào thấy bất khả thi thì nên bỏ luôn. Với những dự án có thể hoàn thành thì cần dồn tiền để đầu tư vật tư, trang thiết bị, trả lương công nhân cho tương xứng để gấp rút hoàn tất con tàu, thu hồi vốn. Đây là thời điểm rất dễ bị chảy máu chất xám, chảy máu những lao động có trình độ. Nếu không trả lương tương xứng cho người có tay nghề khá thì không những mất cán bộ giỏi trong tương lai mà ngay cả các công trình dở dang cũng khó có thể hoàn thành đúng tiến độ”.

Káp Thành Long - Thái Sơn

Trần Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.