Vinashin và lỗ hổng tài chính

15/09/2010 00:43 GMT+7

Sau khi Tập đoàn Vinashin không còn khả năng trả nợ, người ta mới giật mình, đặt câu hỏi: ai đã quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn vốn của Vinashin? Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn sẽ không dẫn tới tình trạng như hiện nay.

Cuối năm 2005, lần đầu tiên VN bán thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế với tổng giá trị 750 triệu USD. Ngày 4.11.2005, khoản tiền này được chuyển về VN, sau đó ngay lập tức được Bộ Tài chính “bơm” toàn bộ cho Vinashin đầu tư ngành công nghiệp đóng tàu trọng điểm. Khi bàn giao vốn cho Vinashin, một lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, sẽ có một cơ chế, những điều kiện giám sát chặt chẽ để khoản vay này được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Nhưng kết quả của sự giám sát như thế nào thì mọi người đã rõ, “con tàu” Vinashin tan vỡ.

Không chỉ khoản nợ 750 triệu USD từ trái phiếu quốc tế, Vinashin còn nợ hàng chục nghìn tỉ đồng của hơn 10 ngân hàng (NH). Khoản nợ trên đã tạo ra một cú “sốc” quá lớn đối với hệ thống NH và chưa từng có trong tiền lệ đối với một DN. Có phải lãnh đạo Vinashin không chỉ giỏi đóng tàu mà còn giỏi “vượt mặt” các NH? Vì muốn được cấp tín dụng, tập đoàn này và các công ty con phải vượt qua hàng loạt cửa ải, đầu tiên là hàng rào chấm điểm tín dụng vô cùng chặt chẽ. Tiếp đó là bộ phận kiểm soát rủi ro, chốt chặn quan trọng là “con mắt” phòng ngừa rủi ro của nhà băng. Thậm chí, các quyết định của lãnh đạo các NH, luôn được đưa ra hết sức thận trọng, và có sự đan chéo nhau giữa hai bộ phận này. Quy định chặt chẽ vậy nhưng tất cả các khoản vay của Vinashin, trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng trên, hầu hết đã trở thành nợ khó đòi, nhiều món đã được xếp vào nhóm cầm đèn đỏ (nợ xấu từ nhóm 3 - nhóm 5). Câu hỏi đặt ra ở đây, liệu có phải các cán bộ tín dụng, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các NH không nhìn thấy rủi ro, con tàu Vinashin đã hút hồn họ, hay vì một lý do nào khác?

Quan hệ vay mượn giữa Vinashin và các NH được thực hiện theo luật, Vinashin hay NH cũng đều là DN, phải tự chịu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng. Thế nhưng, với vai trò quản lý nhà nước về hệ thống NH, đảm bảo an toàn hệ thống, việc Vinashin “làm mưa làm gió” trong 4 năm trời, NHNN không hề hay biết là điều có thể chấp nhận được hay không?

Theo nguồn tin của Thanh Niên, ngay từ năm 2007, Thanh tra NHNN đã phát hiện ra những sai phạm tại Vinashin, cụ thể đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu không bình thường tại Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy Vinashin (VFC). Nếu lúc đó có kiến nghị xử lý, chế tài kịp thời đã không dẫn tới sự đổ vỡ của Vinashin. Nguồn tin này cũng cho biết, do là thanh tra chuyên ngành nên chỉ kiến nghị xử lý về nghiệp vụ, kiến nghị khắc phục. Lúc đó, nếu đưa sang các cơ quan pháp luật có chức năng xử lý thì sợ “lộ” những yếu kém gây xáo trộn, rủi ro cho hệ thống NH.

Cần phải nhấn mạnh một điều rằng, ngoài Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra NHNN, còn có cả một Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia… thế nhưng những lỗ hổng trên cứ ngày càng phình to và dần dần đánh đắm con tàu Vinashin.

Nhân danh ngành công nghiệp đóng tàu, giờ đây Vinashin đang tha thiết xin Chính phủ “bơm” thêm 2.500 tỉ đồng. Nhưng từ thực tế trên, để số tiền mà Chính phủ cấp thêm cho Vinashin phát huy được tác dụng lại là một bài toán khó. Nếu các lỗ hổng không được bịt, không biết người được vay tiền tiêu gì, tiêu ra sao thì dù có “bơm” thêm bao nhiêu tiền cho Vinashin đi chăng nữa, cũng không cứu nổi con tàu này.

Cùng với việc bịt các lỗ hổng, việc làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong việc quản lý, giám sát sử dụng vốn tại Vinashin cũng cần phải làm rốt ráo đến nơi đến chốn.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.