Vẫn biết cái tuổi 85 quả là thọ so với đời người. Nhưng cái tin cô H’Ben ra đi quá đột ngột.
Cách đây chưa lâu, có dịp về H.Kon Chro công tác, chúng tôi ghé thăm, cô mến khách quen, cứ nằng nặc: “Ở lại ăn cơm với cô nhé! Cơm cá khô thôi!”. Chúng tôi viện cớ bận việc đi vì ngại cô lớn tuổi, phải nấu nướng. Nhưng khi cô mang rượu ra mời vài ly, không ai trong chúng tôi dám đứng dậy. Cái tình của cô, sự phóng khoáng người Bana là vậy đó.
Có lẽ không nhiều người biết về cô H’Ben, từng là vợ thứ 2 của Anh hùng Núp. Họ có với nhau một người con rồi chia tay.
Những ngày học tập trên đất bắc, chàng trai trẻ phố cổ Hà Nội Lê Đức Thịnh, lúc đó là nghệ sĩ vĩ cầm, mê người và mê cả tiếng hát như chim sơn ca của H’Ben. Nhưng ông trời khéo trêu đùa với phận người. Bà H’Ben lại nên duyên với Anh hùng Núp – người mà có lần bà trải lòng với chúng tôi là do sự sắp đặt ở đâu đó mà mình chẳng hay.
Đùng một cái, bà H’Ben biết được em vợ của Anh hùng Núp vẫn chờ ông để lấy làm chồng theo tục nối dây của người Bana sau khi vợ ông mất. Điều gì đến cũng phải đến với một người đầy tự trọng lẫn kiêu hãnh như H’Ben. Sau phiên toà ly hôn, cô H’Ben nhận nuôi Đinh Trung Kiên, người con chung bị tàn tật của hai người.
Chàng nghệ sĩ vĩ cầm tài hoa vẫn chờ và kiên nhẫn. Họ đến với nhau, vượt qua sự ngăn trở từ gia đình ông Thịnh và cả mặc cảm đàn bà của H’Ben.
tin liên quan
Thanh gươm của cụ MétVà ông Thịnh chiều vợ bỏ thủ đô để vào tận Gia Lai lập nghiệp. Rồi ông lại chiều bà sau khi nghỉ hưu về lại quê hương của bà ở H.Kon Chro, cách TP Pleiku hơn 140 km để an hưởng tuổi già.
Ông Thịnh là một nghệ sĩ tài hoa, một ca sĩ từng đi lưu diễn nhiều nước trên thế giới và nổi tiếng không chỉ ở Tây Nguyên mà còn ở VN; vượt ra khỏi biên ải. Bên bờ sông Ba yên ả, ông Thịnh và bà H'Ben có với nhau những tháng ngày cuối đời. Họ cùng nhau đi sưu tầm những làn điệu dân ca Bana, đánh đàn, diễn xướng cho nhau nghe.
Nhưng rồi ông Thịnh bị tai biến. Bà chăm ông nhiều năm trời và mới tiễn ông về chín suối vào năm trước.
Ai đã từng đi lại, thân tình với H’Ben mới hiểu được và thương cảm người đàn bà nỡ vướng bụi trần ai, ngày vui ít hơn ngày buồn. Có lẽ những ngày vui của bà là được sống bên ông Thịnh. Bà từng kể rằng khi ông nằm một chỗ những ngày trọng bệnh, hễ bà đi đâu là ông chả thiết ăn uống. Bà cũng mong về nhanh với ông!
tin liên quan
Chuyện 'nhường chồng, kiếm con' kỳ lạ ở Hồ XáCuộc sống bà H'Ben đạm bạc nhưng chân tình, đầm ấm. Hễ bạn bè, người quen thân ghé chơi là lúc nào bà cũng nằng nặc mời cho được một bữa cơm, uống với nhau vài ly rượu. Lúc đó ánh mắt bà sáng lên. Có lẽ bà vui!
Ông ra đi chưa lâu, bà đã theo ông về chín suối!
Anh Đức Phú, Trưởng đoàn nhạc của Nhà hát ca múa nhạc Đam San – Gia Lai cách đây chưa lâu đã hỏi chúng tôi giúp để ra mắt tập sách nhạc dân ca Bana mà cô H’Ben đã cất công sưu tầm nhiều năm nay. Anh nói là học trò của cô, anh và nhiều người khác muốn có một món quà tri ân. Chúng tôi cũng hào hứng muốn cùng một tay. Nhưng…
Mến và được quen cô nhiều năm, mỗi lần công tác, chúng tôi ghé lại thăm. Khi chào ra về, chúng tôi đều gửi biếu cô ít tiền. Cô luôn gạt phăng. Chúng tôi giả bộ làm mặt giận, nói rằng cô không nhận tụi con sẽ không vui, không dám về uống rượu thăm cô nữa. Tiễn khách ra tới cổng, chúng tôi thoáng thấy ánh mắt cô đượm buồn.
Chúng tôi biết những muộn phiền đời thường mà cô “gánh” phải cũng làm cô ít nhiều phiền lòng và lấy đi của cô nhiều nước mắt.
Chiều hôm qua, hay tin cô ra đi, tôi rơm rớm nước mắt!
Luôn lo lắng cho mọi người, cho người thân mà quên đi cả bản thân mình. Đó là cô, H’Ben à!
Xin dùng lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát Cát Bụi, thay một nén nhang tiễn cô, chim sơn ca của núi rừng Tây Nguyên đã ngừng nhả ngọc: “Ôi cát bụi mệt nhoài. Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”.
Bình luận (0)