Vĩnh biệt chú Hai Chí

18/11/2011 00:42 GMT+7

Sáng ngày 16.11.2011, anh Hai Quân điện báo tin, chú Hai Chí bệnh đã trở nặng, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, tình hình sức khỏe của chú rất nguy cấp. Đầu giờ chiều, tôi liên lạc với anh Khôi - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để có thêm thông tin, anh cho biết: “Nặng lắm rồi anh Tư Huy ơi!”. Tôi thấu hiểu câu trả lời ấy, xem như mọi khả năng cứu chữa rất ít hy vọng.

Sáng ngày 16.11.2011, anh Hai Quân điện báo tin, chú Hai Chí bệnh đã trở nặng, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, tình hình sức khỏe của chú rất nguy cấp. Đầu giờ chiều, tôi liên lạc với anh Khôi - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để có thêm thông tin, anh cho biết: “Nặng lắm rồi anh Tư Huy ơi!”. Tôi thấu hiểu câu trả lời ấy, xem như mọi khả năng cứu chữa rất ít hy vọng.

Ngỡ ngàng và đau xót, dù biết rằng chú đã lớn tuổi, sức khỏe ngày một yếu đi, được gia đình và đội ngũ những người thầy thuốc quan tâm, tận tình chạy chữa nhưng do tuổi cao, sức yếu, chú đã không qua khỏi. Nhưng trước hung tin, tôi vẫn không sao kềm được nỗi thương cảm dâng trào về chú, một người đảng viên cộng sản mẫu mực, kiên trung, một người lãnh đạo bình dị, hiền hòa, gắn bó với dân, với phong trào hoạt động cách mạng của dân…


Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Võ Trần Chí - Ảnh: Diệp Đức Minh

Sau khi tổ chức cho phép chú được nghỉ hưu sau mấy mươi năm chiến đấu, hoạt động cách mạng, chú vẫn không sao trút đi được nỗi trăn trở canh cánh trong lòng về những lo toan đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thành phố. Chú vẫn đọc, vẫn nghiên cứu và làm việc hằng ngày, tích cực đóng góp ý kiến trong tinh thần tôn trọng, trao đổi thẳng thắn góp phần cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố có được những quyết sách đúng đắn, phù hợp hiệu quả. Chú theo dõi sát sao phong trào, tình hình chính trị thế giới và khu vực, tìm hiểu những xu hướng mới nảy sinh để suy nghĩ, phân tích, nhìn nhận, đánh giá đúng đắn bản chất của các vấn đề đang xảy ra với ước muốn làm sao để công cuộc xây dựng đất nước tránh được những sơ hở, chủ quan, thành phố được phát triển nhanh, bền vững, giữ được độc lập, tự do và CNXH, cho dù có hội nhập, hợp tác phát triển nhưng không bị hòa tan.

Là cố vấn của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, chú luôn là tấm gương sáng, dù đã lớn tuổi, nhưng chưa bao giờ chú vắng mặt trong những lần đi cơ sở, tìm hiểu thực tế đời sống của dân, của bà con nghèo nội và ngoại thành, đặc biệt là bà con nông dân ở xã nghèo.

Có một lần, chú cùng với các đồng chí trong ban chỉ đạo đi làm việc tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Đi xa, đường xấu, nhiều ổ gà, dằn xóc, lại bị kẹt xe. Lo chú mệt, vừa tới nơi, tôi vội hỏi chú có mệt không? Chú cười, nụ cười đôn hậu, hiền hòa, hỏi lại tôi - Mệt gì, đừng lo cho tôi!... Ừ, mà tôi có mệt, thì “ông” có khỏe đâu?! Rồi chú cười lớn, tay cầm điếu thuốc rê đưa lên môi… Tôi thật sự xúc động trước cách xưng hô của chú với tôi, dù là bậc cha chú, lại là người đã từng giữ trọng trách cao nhất của thành phố, là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng mà chú đối xử thật giản dị, chân tình, gần gũi, thân thương quá; chú muốn chia sẻ mọi khó khăn với mọi người và yêu cầu đừng bao giờ dành cho chú bất cứ một sự ưu tiên nào cả.

Mỗi lần họp ban chỉ đạo hay những lần gọi gặp riêng tôi, chú luôn nhắc nhở đừng bao giờ để cho chương trình xóa đói giảm nghèo trở nên xơ cứng bởi cung cách hoạt động nặng tính hành chính, mà phải tạo cho nó thật sự trở thành là phong trào hành động cách mạng của quần chúng, chỉ khi nào mà mọi người thấy rõ yêu cầu mục đích của việc chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn là trách nhiệm chung, để cùng góp sức thực hiện, ai có sức thì đóng góp công, ai có của thì góp của, người có ít góp ít, người có nhiều ủng hộ nhiều, tạo nền tảng vững chắc cho mặt trận Đại đoàn kết toàn dân tộc…

Đứng trước đà tăng trưởng nhanh của kinh tế, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư tại VN và thành phố; và cùng với những chính sách thông thoáng, sát hợp hơn của nhà nước đã giúp cởi trói, tháo gỡ nhiều ách tắc, thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững, chú vừa vui mừng, nhưng cũng đầy âu lo, nhắc nhở đừng quên, đừng thiếu quan tâm tới một vấn đề cốt lõi khác, có vị trí nền tảng đối với sự tồn vong của đất nước, đó là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những truyền thống cao đẹp, quý giá vốn là giềng mối tạo nên sức mạnh vô song từ ngàn đời nay giúp nhân dân ta trụ vững trước những phong ba bão táp, đối mặt với bao cuộc gây hấn, xâm lược của kẻ thù, để luôn được đề cao và vun đắp, bồi dưỡng không ngừng.

Nhớ lại năm 2008, nhân buổi làm việc và khảo sát tình hình đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Nam Sài Gòn, chú gặp tôi và anh Ba Đua nhắc nhở dặn dò và đúng hơn đó là buổi bồi dưỡng quý báu cho tôi và anh Ba Đua về vấn đề trên. Nhìn thấy cả một khu đô thị mới được mọc lên khang trang, hiện đại từ một vùng đất sình lầy, ngập nước, mà bằng chính sự quyết tâm, tinh thần sáng tạo, dũng cảm mạnh dạn trình đề xuất với trung ương những chính sách hợp lý nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, chú rất đỗi phấn khởi mừng vui, nhưng nhắc phải chú ý và phải làm cho bằng được trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị cần in đậm dấu ấn của bản sắc văn hóa VN, bởi chính phong hóa VN, văn hóa tập quán VN là điều kiện và sức mạnh để chúng ta tồn tại và phát triển.

Vĩnh biệt chú, người con trung hiếu của mảnh đất Long An anh hùng, một đảng viên cộng sản mẫu mực kiên trung, người lãnh đạo bình dị, hiền hòa, bao dung, suốt đời gắn bó với dân, chăm lo cho dân đến hơi thở cuối cùng của đời mình, mãi mãi tỏa sáng và nhắc nhở chúng tôi luôn giữ trọn một lời thề.

17.11.2011

Nguyễn Thành Tài
(Nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM)

Thông báo về Lễ tang nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Võ Trần Chí

Hôm qua, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Thành ủy TP.HCM và gia đình đã phát đi tin buồn: Đồng chí Võ Trần Chí, sinh ngày 22.5.1927, quê quán xã Hướng Thọ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; thường trú tại số 67 đường An Dương Vương, P.8, Q.5, TP.HCM; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng các khóa VI, VII; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII; nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, Khu ủy viên Khu 2, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Sau một thời gian lâm bệnh, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước, gia đình và tập thể các giáo sư, bác sĩ hết lòng chăm sóc, cứu chữa, song vì tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 15 giờ 35 phút, ngày 16.11.2011 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Tang lễ đồng chí Võ Trần Chí tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh làm trưởng ban.

Linh cữu đồng chí Võ Trần Chí quàn tại Hội trường TP.HCM (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3). Lễ viếng từ 8 giờ ngày 18.11 đến 17 giờ ngày 19.11. Lễ truy điệu vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 20.11, sau đó là lễ an táng tại nghĩa trang TP.HCM.

Đình Phú - TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.