Viên kẹo nghĩa tình
Trước khi bước vào trận đánh, các đơn vị trong trung đoàn 174 phải đào hào chiến đấu xung quanh đồi A1 theo kế hoạch tác chiến mới, phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Trung đoàn quyết định dùng tiểu đoàn 249 đột phá từ hướng đông, có nhiệm vụ đánh chiếm khu vực trung tâm và khoảng 2/3 vị trí đồi A1.
Suốt mấy tháng hành quân theo chiến dịch, người lính thèm được chút vị ngọt của đường vào trong cơ thể. Trước khi bước vào trận đánh, tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe được lệnh lên trung đoàn báo cáo. Ông cùng với mấy anh em đi kiểm tra tình hình cứ điểm. Bất ngờ một người trong tốp giẫm phải mìn pháo sáng của địch. Lập tức pháo địch bắn dồn dập tới. Tiểu đoàn trưởng bị thương vào cánh tay, dù nhẹ nhưng mảnh đạn găm vào xương phải băng bó.
Đại tá Vũ Đình Hòe |
t.l |
Hôm sau lên trung đoàn họp xong, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An gọi riêng ông ra nhắc:
- Cậu phải giữ gìn, tiểu đoàn trưởng mà không chiến đấu được thì tinh thần anh em ra sao.
Nói xong, trung đoàn trưởng đưa cho tiểu đoàn trưởng hai viên kẹo:
- Cậu ăn đi cho khỏe.
Ông Hòe ăn luôn một viên, còn một viên ông để dành đem về cho Tiểu đoàn phó Lê Sơn (sau này là Thiếu tướng – Phó Tư lệnh Quân khu 2). Tiểu đoàn phó rất xông xáo, đêm nào cũng đi đào hầm, người xanh xao. Nhận viên kẹo từ tay tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó vui ra mặt:
- Lâu không được ăn kẹo. Thôi để tối nay ra đào hào ngậm cho nó tỉnh người.
Nghe vậy, tiểu đoàn trưởng cũng thấy vui trong lòng. Sáng hôm sau, khoảng 5 giờ, anh em đi đào hào đã về. Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe ra ngoài để xem xét tình hình. Bỗng thấy ông Nhuận - Đại đội trưởng 316 chạy lại, dúi vào tay ông cái kẹo và bảo:
- Anh đang bị đau tay cầm lấy mà ăn.
Ông Nhuận nói xong thì chạy biến vào trong màn sương mờ. Tiểu đoàn trưởng Hòe giở ra xem thì chính là cái kẹo ông đưa tiểu đoàn phó Lê Sơn chiều hôm trước. Ông tìm đến tiểu đoàn phó:
- Thế nào, hôm qua cái kẹo cậu ăn có được không?
Tiểu đoàn phó Lê Sơn cười lãng:
- Ôi, cái kẹo nhỏ quá, tôi ngậm vào mồm nuốt trôi mất nên không biết là nó như thế nào. Tôi thấy nó ngọt, có cái kẹo nó tỉnh cả người.
Tiểu đoàn trưởng mới xòe bàn tay của mình:
- Tại sao nó vẫn còn ở đây?
Lê Sơn ngẩn người không nói được câu nào. Tiểu đoàn trưởng Hòe tiếp:
- Sáng nay, Nhuận nó đưa tôi đấy. Sao cậu không ăn, cậu lại đưa cho Nhuận?
Lê Sơn ngượng nghịu:
- Tôi cũng định ăn, nhưng trông thấy Nhuận mấy hôm bị sốt rét, nó gầy quá. Trong mấy cán bộ nó là thằng yếu nhất thì tôi đưa cho nó. Thế mà nó không ăn, lại đưa về cho anh.
Tiến công đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) |
t.l |
38 ngày bão lửa trên đồi A1
Đại đoàn 316 nhận nhiệm vụ mở đợt tấn công thứ hai. Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba kể lại trong hồi ký:
“Trước trận đánh, tôi xuống tiểu đoàn 249, tiểu đoàn chủ công đánh vào A1. Gặp tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe, tôi hỏi:
- Có quyết tâm, có chắc thắng không?
Hòe trả lời:
- Chắc thắng. Chỉ cần vào đồn là một giờ sau sẽ giải quyết xong.
Tôi hỏi các chiến sĩ đại đội chủ công. Anh nào cũng hăng hái, phấn khởi tỏ ra quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Chiều ngày 30.3.1954, trung đoàn 174, một trong hai đơn vị đánh công kiên giỏi nhất của quân đội bắt đầu tấn công đồi A1, mở màn đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe (d249) và tiểu đoàn trưởng Nguyễn Dũng Chi (d251) cùng ra trận.
Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi kể lại: “Đối với đồi A1 thì tầm quan trọng của nó như thế nào, nói thật, lúc đầu chúng tôi xem thường”.
Ba tiểu đoàn 249, 251 và 255 đã từng đánh những trận nổi tiếng như Đông Khê, Mộc Châu… Hôm đi trinh sát ban đêm quan sát đồi A1, từ Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An xuống đến cả 3 tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe (d249), Nguyễn Dũng Chi (d251) và Nguyễn Đôn Tự (d255) đều xem thường.
“Nhất là anh Hòe, tiểu đoàn trưởng chủ công và tôi nhìn cái đồi ấy bảo: Xoàng, thứ này đánh khoảng 1-2 tiếng đồng hồ thì xong ngay” – Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi nhớ lại.
Nhưng quả đồi Eliane 2 này đã khiến trung đoàn 174 thương vong khá lớn. Đại tá Vũ Đình Hòe kể: “Đêm 30.3.1954, chúng tôi không giải quyết được đồi A1. Địch phản kích quyết liệt. Tôi bị thương ở chân. Sáng hôm sau, tôi chỉ còn hơn chục anh em”.
Thương vong quá lớn của cả hai trung đoàn đánh công kiên giỏi nhất là 174 và 102 (thuộc đại đoàn 308 Quân Tiên Phong) đã khiến Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định ngưng cuộc tấn công, rút quân ra củng cố, chỉ để lại một lực lượng phòng ngự.
Phải đến đợt cuối cùng, ngày 6.5.1954, khi tiếng nổ của khối bộc phá gần 1 tấn làm hiệu cho cuộc tấn công, trung đoàn 174 mới giải quyết xong đồi A1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ức Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử do nhà văn Hữu Mai thể hiện, đã viết: “Ở phía đông nam, hướng tiến công chủ yếu, tiểu đoàn 249, do tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy, chia thành hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân địch”.
Sinh thời, Thiếu tướng Lê Quảng Ba – Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316 – nhận xét về tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe “dáng người thư sinh, nhưng gan lì có tiếng”.
Những dịp trò chuyện cùng ông, được biết ông viết hồi ức 38 ngày bão lửa ngót 20 trang A4 gửi tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng (2004), tôi hỏi vì sao ông không viết hồi ký? Đại tá Vũ Đình Hòe bộc bạch: “Trong hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến tôi khi tiến công đồi A1 rồi. Đời một người lính được Tổng tư lệnh nhớ tên như vậy là vinh dự. Tôi chỉ viết về 38 ngày bão lửa theo yêu cầu của các đồng chí trong Ban liên lạc Trung đoàn 174”.
Đại đội trưởng Nguyễn Hải Bằng (sau này là Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) đã bắt được đại úy J.Pouget chỉ huy đồi A1. Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe được lệnh phải trực tiếp đưa J.Pouget về sở chỉ huy của đại đoàn 316.
Chiều 7.5.1954 khi quân Pháp ra hàng như suối chảy. Đại tá Vũ Đình Hòe nghẹn ngào: “Lúc đó, tôi khóc. Mình nghĩ, không biết 300 anh em hy sinh của trận thứ nhất ra sao? Bây giờ nằm đâu? Mà người ta vui thế này… Trong chiến đấu có nhau, lúc khó khăn có nhau nhưng bây giờ chiến thắng rồi, thì sao…”.
Đại tá Vũ Đình Hòe sinh năm 1928, tại phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, nguyên Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Ông từ trần hồi 9 giờ 55 phút ngày 27.4.2022 tại nhà riêng (phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP.Hà Nội). Ghi nhận công lao, đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Lễ viếng Đại tá Vũ Đình Hòe tổ chức từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút ngày 4.5.2022, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lễ truy điệu hồi 10 giờ 30 phút cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội); an táng tại Nghĩa trang Dốc Lim, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Bình luận (0)