Nhà thơ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, ông còn được biết đến trong nhiều vai trò: nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh và họa sĩ. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến: Kịch bản Lửa cháy lên rồi (Giải nhì Hội Văn Nghệ VN, 1955), Hà Nội, Thanh gươm và bà mẹ, Dòng sông âm vang, Ngọn lửa thành đồng; Thơ: Phan Vũ thơ (NXB Văn học, 2008); Phim truyện: đạo diễn phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại.
Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Năm 20 tuổi đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và Tây Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện VN tại Hà Nội và làm báo.
Năm 1972, Phan Vũ viết trường ca Em ơi! Hà Nội phố, song phải đến năm 1985, khi nhạc sĩ Phú Quang phổ một đoạn trong trường ca này, công chúng mới biết đến nhiều và đầy đủ hơn về Em ơi! Hà Nội phố. Khi đất nước thống nhất, Phan Vũ làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM. Từ những năm 1990, ông chủ yếu vẽ tranh. Những năm gần đây, ông sống ở Thủ Đức, TP.HCM, ngôi nhà có phòng tranh riêng để làm việc, và theo ông là vì vợ ông muốn chuyển về đây.
|
Tháng 6.2018, nhà thơ Phan Vũ ra mắt tập thơ Ta còn em, gồm trường ca Em ơi! Hà Nội phố nổi tiếng và phần thơ với những tác phẩm được ông sáng tác qua nhiều năm, trong đó có cả những bài mới công bố lần đầu.
Trong lần gặp gỡ tác giả Em ơi! Hà Nội phố nhân dịp ra mắt tập thơ này, ông chia sẻ rằng, ở tuổi ngoài 90, khi những người thầy và bạn bè ông gần như mất hết rồi, cuộc chiến với tử thần đã “lượm” của ông nhiều thứ: mắt mờ, tai điếc, chân tay run... Nhưng ông bảo, ông có "thứ vũ khí để chống lại tử thần, đó là tranh, là thơ”, dù ông biết “mình sẽ thua, nhưng là thua một cách vinh quang.
Cũng theo thông tin từ gia đình, nhà thơ Phan Vũ mất do tuổi cao sức yếu.
Bình luận (0)