Cách đây 1 năm, ngày 19.10.2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chính thức phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020.
Sáng tạo trong khó khăn
Ngay trong năm đầu tiên hưởng ứng phong trào này, rất nhiều thầy cô và học trò đã thể hiện những tâm huyết, sáng tạo của mình trong quá trình dạy và học.
Có thể nói đến cô giáo Trần Thị Thúy, Trường THPT Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên, người đã giúp học sinh của mình được tham gia vào những lớp học xuyên biên giới, chỉ với một chiếc máy tính có internet và công cụ kết nối ứng dụng skype. Nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của cô giáo trường huyện, hầu hết học sinh từng tham gia những lớp học của cô đều có thể tự tin giao tiếp với những người bạn quốc tế.
Cô Kiều Thị Lệ Thủy, giáo viên Trường THPT Yên Lãng, thành phố Hà Nội, năm học vừa qua có tới 10 học sinh giỏi cấp thành phố, 1 học sinh giỏi cấp quốc gia...
Hay thầy giáo Ninh Văn Dậu, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Krông Pa, Gia Lai, người đã vượt qua rất nhiều khó khăn để bám bản, bám trường, băng rừng vượt rẫy vận động hàng chục học sinh bỏ học trở lại lớp. Tâm huyết và nỗ lực của thầy đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi thư khen và hy vọng việc làm của thầy Dậu sẽ lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, tạo ra nhiều cảm hứng, niềm tin yêu trong học sinh, sinh viên và những động lực mới trong dạy học cho các thầy, cô giáo trong cả nước.
|
Nhiều học sinh dù học tập ở những nơi điều kiện còn vô vàn khó khăn nhưng đã đạt những thành tích đáng tự hào trong các cuộc thi tưởng như chỉ học sinh vùng thành thị mới có điều kiện tiếp cận.
Đó là em Hoàng Thị Hằng, học sinh lớp 8B, Trường dân tộc nội trú huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, người đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học năm học 2015 - 2016, với dự án "Một số biện pháp bảo vệ sức khỏe ở trường nội trú"; đạt giải ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2016 - 2017 với dự án "Hương thơm không hóa chất".
Đó còn là em Trương Văn Lên, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Bộc Bố, Bắc Kạn, sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Sán Chỉ, thuộc huyện Pác Nặm. Lên không chỉ đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý và tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017, mà trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Lên còn xuất sắc đạt tổng 27,35 ở các môn thi khối A và 29 điểm ở các môn khối C. Với điểm số này, em đỗ 2 trường ĐH là Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Hành chính quốc gia.
tin liên quan
Người 'dùng chân' viết nên kỳ tích - Kỳ 1: Mỗi tiết dạy là một đỉnh EverestTừ năm lên 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký bị bệnh và bị bại liệt cả hai tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình và trở thành nhà giáo ưu tú, lập kỷ lục 'Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết'.
Những hạt nhân của đổi mới giáo dục
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết vô cùng xúc động khi xem lại những hình ảnh về các cô giáo mầm non ở Phú Yên không tiếc thân mình để cứu học trò trong lũ dữ; bày tỏ cảm phục tấm lòng của thầy giáo Ninh Văn Dậu và những thầy cô giáo miền núi, vùng xa, biên giới, hải đảo không quản ngại khó khăn, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người.
Ông Nhạ cũng ghi nhận những tấm gương giáo viên, học sinh không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, từ việc thiết kế những bài giảng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy như phương pháp giáo dục VNEN, STEM hay đẩy mạnh các hoạt động giáo dục mang tính thực tiễn, tạo môi trường học tập mở, để học sinh có được những bài học bổ ích, lý thú từ sự sáng tạo của các thầy cô.
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo khẳng định những thầy cô được tuyên dương chính là những nhân tố quan trọng, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, và cho rằng, những đổi mới, sáng tạo từ hôm nay sẽ là bước chuẩn bị tốt để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.
“Đổi mới giáo dục sẽ chỉ thành công khi mỗi cá nhân trở thành hạt nhân đổi mới, mỗi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình đổi mới đó để ngày hôm nay sẽ hiệu quả hơn ngày hôm qua”, ông Nhạ bày tỏ.
Bình luận (0)