Vĩnh Lợi vực dậy tiềm năng phát triển du lịch

28/04/2023 17:14 GMT+7

Nằm ở vị trí cửa ngõ, kề cận với trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu, lại có nhiều danh thắng nổi tiếng, nên H.Vĩnh Lợi xác định du lịch là tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” của huyện trong thời gian tới.

Những điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách

Ông Trần Minh Hải, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Lợi, cho biết Vĩnh Lợi vốn là huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, sản xuất chỉ độc canh cây lúa nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đổi lại, trên địa bàn huyện lại có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Vĩnh Lợi vực dậy tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh 1.

Khu Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi

Ảnh: Phan Thanh Cường

Điển hình, tại xã Châu Thới có Đền thờ Bác Hồ được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, thể hiện tấm lòng của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu đối với Bác. Cách đó không xa là tháp cổ Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng), một công trình có giá trị về văn hóa - lịch sử, cũng được công nhận là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Tại chùa Hưng Thiện (xã Hưng Hội) có tượng Phật Quan Âm (hay còn gọi là Mẹ Đông Hải) cao hơn 43 m, được xem là tượng Phật Quan Âm cao nhất khu vực ĐBSCL, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hành hương, tham quan; qua đó tạo ra nhiều việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân ở địa phương.

Vĩnh Lợi vực dậy tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh 2.

Chùa Hưng Thiện ở xã Hưng Hội, H.Vĩnh Lợi

Đặc biệt, tại xã Châu Thới còn có chùa Giác Hoa, do bà Huỳnh Thị Ngó (con một điền chủ giàu có ở Bạc Liêu) xây dựng từ năm 1919, được xem là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nhất ở Bạc Liêu lúc bấy giờ. Những năm gần đây, chùa Giác Hoa đã được đầu tư thêm nhiều hạng mục trang trí khiến phong cảnh càng thêm đẹp và thơ mộng, thu hút ngày càng đông du khách từ khắp mọi miền đất nước đến chiêm bái, cầu an.

Chùa Giác Hoa nằm gần QL1, trung tâm hành chính huyện và các công trình văn hóa của tỉnh, xung quanh được bao bọc bởi sông Cái Dầy, rạch Xẻo Chích và kênh Xáng Múc. Nhìn từ trên cao, chùa Giác Hoa giống một ốc đảo, xung quanh là thảm lúa vàng, hai bên bờ sông là vườn cây ăn trái sum suê. Cách chùa khoảng 800 m là ngôi mộ cổ của bà Huỳnh Thị Ngó được xây dựng trên mảnh đất rộng gần 4.000 m2; cạnh đó là điểm du lịch vườn sinh thái với nhiều cây trái và các món ăn đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu trù phú.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều điểm du lịch, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng, check-in như: các điểm chùa của đồng bào Khmer (ở xã Hưng Hội); Đình Tân Hưng (ở xã Long Thạnh); Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi; Cánh đồng Cậu Ba, Cánh đồng Hoa Huỳnh (cùng ở xã Châu Thới). Đặc biệt, Vĩnh Lợi còn có nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP nổi tiếng khắp vùng như: mắm chua Vĩnh Hưng, gạo Tài Nguyên, dưa bồn bồn…

Vĩnh Lợi vực dậy tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh 3.

Chùa Giác Hoa ở xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi

Quy hoạch khu du lịch trọng điểm

Ông Trần Minh Hải cho biết huyện đã xây dựng đề án phát huy di tích lịch sử, văn hóa chùa Giác Hoa và khu vực phụ cận, biến nơi đây thành khu du lịch trọng điểm, hấp dẫn du khách. Để đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, huyện đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút mọi nguồn lực đầu tư xây dựng bến xe, khu dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, nhà nghỉ; đồng thời bảo tồn và trồng mới cây dừa nước dọc hai bờ sông Cái Dầy để chống xói lở, tạo cảnh quan đặc trưng của miền sông nước.

Ngoài ra, H.Vĩnh Lợi cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng và bảo tồn khu vực hang cá bống mú "khủng" ở bờ sông phía trước chùa Giác Hoa; khuyến khích người dân đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, thủ công mỹ nghệ, trồng các loại hoa quả, làm các loại bánh, món ăn đặc sản; đầu tư xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng, mở dịch vụ xuồng chèo, tổ chức hội đua thuyền truyền thống để du khách ngắm cảnh sông nước hữu tình của quê hương Vĩnh Lợi.

Vĩnh Lợi vực dậy tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh 4.

Cánh đồng Cậu Ba ở xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi, một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách

Bên cạnh đó, đẩy nhanh đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, nâng cao khả nâng kết nối giao thông tới các điểm du lịch tiêu biểu của huyện, nhất là đầu tư hệ thống các bến tàu, bến xe đối với các địa bàn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông đến các khu, các điểm du lịch tiêu biểu như: Đền thờ Bác Hồ, tháp cổ Vĩnh Hưng, chùa Hưng Thiện... nhằm thu hút khách thập phương, với kỳ vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng trưởng dịch vụ, thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.