Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, sau hơn 3 năm triển khai, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã có những thành quả nổi bật. Hiện nay, Vĩnh Phúc có 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ở các xã nông thôn mới nâng cao, người dân đã tiếp cận, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào đời sống sinh hoạt, tiêu thụ nông sản, sản xuất hữu cơ, gắn với phát triển các sản phẩm chế biến sâu.
Ghi nhận ở xã Ngũ Kiên (H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) - xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Vĩnh Phúc, 100% số hộ kinh doanh đều có mã QR để người mua hàng sử dụng các công cụ thanh toán trực tuyến; trên 91% công dân trưởng thành có tài khoản thanh toán trực tuyến.
Ngũ Kiên cũng là xã có 100% dân số được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% hộ dân đã gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch, bản đồ giáo dục…
Để phục vụ người dân sử dụng các tiện ích chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND xã Ngũ Kiên đã chuyển 100% văn bản cấp xã được thực hiện ký số trên môi trường internet giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, phát triển kinh tế số ở khu vực nông thôn phải bắt đầu từ nông dân và sản xuất nông nghiệp. Người dân nông thôn được tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tiếp cận thị trường... theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xây dựng nông thôn mới thông minh.
Qua thống kê, Vĩnh Phúc hiện có hơn 16.000 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử; trên 140 gian hàng được đăng ký trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu của Vĩnh Phúc đang được bày bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử như: mật ong Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo, nấm Phùng Gia, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, cá thính Lập Thạch…
Cũng theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng đồng bộ, thống nhất với ít nhất 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử; ít nhất 40% đơn vị cấp huyện, cấp xã cung cấp ít nhất 1 dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới qua ứng dụng trực tuyến.
Chương trình này cũng đặt mục tiêu có ít nhất 70% các xã có hợp tác xã, 80% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ số.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định chuyển đổi số là mục tiêu, là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân khu vực nông thôn.
Bình luận (0)