Hạ lưu sông Cu Đê đổ ra cửa biển Nam Ô (Đà Nẵng) có hệ sinh thái đa dạng bao gồm cá và động vật đáy nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Nếu trước nay bà con sinh sống ở khu vực này vẫn đánh bắt, nuôi trồng bán thâm canh thủy hải sản, thì giờ đây họ có thêm một cơ hội lựa chọn: nuôi vịt biển. Đây là loài thủy cầm có thể uống nước mặn, tìm kiếm thức ăn ở khu vực cửa sông đổ ra biển, các loại thủy hải sản.
Lớn nhanh như thổi
Đầu tháng 6.2016, người dân thôn Thủy Tú (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) kháo nhau tìm đến hộ ông Dương Văn Kiến để xem ông nuôi thí điểm vịt biển do một đơn vị ở Hà Nội hỗ trợ con giống đã được thuần chủng. Nhận nuôi bầy vịt 70 con chỉ vừa tròn 10 ngày tuổi, ông Kiến dùng lưới quây tròn sát mép nước, canh vị trí thủy triều lên xuống để làm trại nhốt vịt. Trong khoảng 15 ngày đầu từ khi tiếp nhận vịt giống, cán bộ dự án vịt biển đến tận nhà ông để hướng dẫn các quy trình kỹ thuật cũng như lượng thức ăn tổng hợp cung cấp cho bầy vịt con.
Ông Kiến cho biết do điều kiện nuôi nhốt thông thoáng, sạch sẽ, bầy vịt biển của ông lớn nhanh như thổi. “Màu lông chuyển biến từng ngày chứng tỏ bầy vịt sinh trưởng và phát triển rất tốt. Chúng thực sự thích nghi với điều kiện sống ở khu vực này”, ông Kiến nhận định.
Trước đây, ông Kiến từng nuôi qua các loại vịt siêu trứng, siêu thịt nhưng theo quan sát của ông thì chưa có giống vịt nào có sức sinh trưởng kỳ lạ như giống vịt biển này. Chúng uống nước biển tự nhiên như vịt thường uống nước ngọt. Khi vịt chừng 15 ngày tuổi, ông Kiến nới lỏng lưới quây, cho đàn vịt tự do bơi lội và tìm kiếm thức ăn. Quan sát bầy vịt con lặn một hơi và di chuyển 4 - 5 m trong nước mặn, ông Kiến thực sự kinh ngạc với khả năng thích nghi môi trường của chúng. Không chỉ lặn và uống nước, lũ vịt con còn biết tự tìm thức ăn là cá, tôm, ốc, rạm và các loài giáp xác khác.
“Ngay khi vừa nhận nuôi, chưa biết sức kháng bệnh của chúng thế nào thì trời chiều trở giông liên tục khiến tôi lo lắm. Vậy mà tiếng kêu của chúng vẫn không bị khàn, chứng tỏ chúng rất khỏe. Chính môi trường nước mặn, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú khiến cho đề kháng của vịt biển cao hơn vịt thường. Thêm vào đó, khả năng tự đi kiếm thức ăn một cách chủ động nên quá trình sinh trưởng và phát triển của từng con vịt trong đàn ổn định”, ông Kiến chia sẻ những trải nghiệm mới mẻ từ bầy vịt biển.
Vì chăn nuôi trong khu vực thủy triều lên xuống mỗi ngày, nên chuồng trại của bầy vịt biển cũng luôn sạch sẽ, thông thoáng, hạn chế tối đa dịch bệnh. Thủy triều lên cuốn phăng những chất thải từ khu vực nuôi ra bên ngoài, trở thành nguồn thức ăn cho các loài thủy hải sản trong khu vực, đặc biệt là những loài ăn tạp như cá hanh, cá dìa, cá chình, cá đuối… cho đến những loài giáp xác, tôm, cá nhỏ. Các sinh vật này lại trở thành nguồn thức ăn phong phú giúp bầy vịt biển sinh trưởng, phát triển và có sức đề kháng tốt.
Triển vọng Thương hiệu “vịt biển Nam Ô”
Dự án nuôi vịt biển tại khu vực Nam Ô (Đà Nẵng) được triển khai thí điểm từ đầu tháng 6.2016, với gần 200 con vịt giống thuần chủng, trong đó hộ ông Dương Văn Kiến nuôi nhiều nhất. Hộ thứ hai cũng triển khai nuôi tại khu vực cửa sông Cu Đê ra biển là ông Nguyễn Nhỏ (cũng thuộc thôn Thủy Tú) với đàn 30 con. Ngoài ra còn 8 hộ nuôi với quy mô chuồng trại trong nhà, nhưng vịt được uống nước biển và ăn các loại thủy hải sản vụn, đánh bắt nhỏ lẻ.
Anh Nguyễn Thế Trung, điều phối viên dự án vịt biển Nam Ô, đồng thời là chủ những dự án rau sạch, thực phẩm sạch tại Đà Nẵng, cho biết: “Hiện tại, các kỹ thuật viên của dự án vẫn bám sát quá trình sinh trưởng của vịt biển nuôi tại khu vực Thủy Tú, Nam Ô. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hướng đến mô hình cộng đồng nuôi vịt biển, nên những hộ dân trong khu vực quan tâm đến loài thủy cầm này đều được tham gia hướng dẫn tập huấn kiến thức chăn nuôi vịt biển ngay tại các hộ nuôi thí điểm, tận mắt quan sát sự phát triển của đàn vịt biển qua từng ngày”.
Tính chung khu vực Thủy Tú, Nam Ô đang có 15 hộ dân nuôi vịt biển, tuy nhiên với tốc độ sinh trưởng, phát triển cũng như mức độ thích nghi với môi trường nơi đây của loài thủy cầm này khiến các bà con khấp khởi hy vọng. Không chỉ là triển vọng phát triển đàn chăn nuôi lấy thịt, lấy trứng nâng cao thu nhập người nuôi, mà còn là cơ hội phát triển kinh tế địa phương với thương hiệu vịt biển Nam Ô, gia tăng chuỗi giá trị thực phẩm sạch.
Giá trị kinh tế cao
Theo chuyên viên dự án thì hiện vịt biển nuôi tại khu vực Thủy Tú, Nam Ô sinh trưởng và phát triển ổn định, đặc biệt thích nghi với thổ nhưỡng và hệ sinh thái khu vực. Dự kiến vịt biển nuôi tầm 2 tháng sẽ cho cân nặng từ 2,5 - 3 kg, giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với vịt thường (nuôi 2 tháng chỉ đạt khoảng 1,5 kg). Bên cạnh đó, vịt biển có thể tự tìm kiếm thức ăn, hoàn toàn có thể tận dụng nguồn thức ăn trong tự nhiên vô cùng phong phú và giàu dinh dưỡng, giúp tiết kiệm được một phần không nhỏ chi phí đầu tư. Vì sống trong môi trường nước mặn, tự đi tìm thức ăn ở rìa sông, mép biển nên khả năng đề kháng của vịt biển rất cao, thịt chắc khỏe và thơm ngon hơn vịt nuôi thông thường. Không chỉ vậy, chuồng trại được thủy triều làm sạch từng ngày cũng hạn chế tối đa tình trạng ủ bệnh, dịch bệnh.
|
Bình luận (0)