Có nhiều quan điểm trái chiều trước thông tin VN ở vị trí thứ 12 trong bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lần đầu tiên thực hiện.
Học sinh VN được đánh giá cao về môn khoa học và toán - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Kết quả này sẽ chính thức công bố trong Diễn đàn giáo dục quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc vào tuần tới. Cũng trong dịp này, LHQ sẽ tổ chức một hội nghị nhằm xoáy vào các mục tiêu nâng cao giáo dục toàn cầu từ nay cho đến năm 2030.
Đứng đầu vì luôn mong muốn HS thành công
Chuyên gia quốc tế không ngạc nhiên khi các nước và vùng lãnh thổ tại châu Á đoạt 5 hạng đầu trong bảng tổng sắp.
Dựa trên kết quả kiểm tra học sinh (HS) ở độ tuổi 15, theo bảng xếp hạng, các nước/lãnh thổ có truyền thống hiếu học ghi điểm cao trong 2 môn khoa học và toán học. Đứng nhất là Singapore, kế đến Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. VN ở vị trí thứ 12, vượt xa Mỹ ở hạng 28, trong số 76 nước và vùng lãnh thổ tham gia đợt phân loại lần này, theo BBC. 5 vị trí cuối bảng thuộc về châu Phi, với Ghana đứng chót bảng, kế đến là Nam Phi (75), Honduras (74), Morocco (73), Oman (72).
Danh sách xếp hạng mới hoàn toàn khác với thang điểm Pisa được biết đến lâu nay, vốn tập trung vào công tác giáo dục ở những nước có nền kinh tế thịnh vượng. Đây là lần đầu tiên thật sự có bảng sắp xếp chất lượng giáo dục với phạm vi toàn thế giới, theo Giám đốc giáo dục của OECD - Andreas Schleicher. “Ý tưởng ở đây là cho phép nhiều quốc gia tại khắp nơi, bất chấp giàu hay nghèo, có thể so sánh chất lượng giáo dục của nước mình với các nước dẫn đầu, nhằm tìm ra thế mạnh và điểm yếu, từ đó xác định lợi ích thu được về mặt kinh tế trong dài hạn từ việc cải thiện chất lượng trường học”, BBC dẫn lời ông Schleicher.
|
Tuy nhiên, từ phía VN, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kết quả này.
“Không nên cho rằng đó là thành tựu xuất sắc”
GS-TS Hà Huy Bằng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định: “VN có truyền thống thi đạt điểm cao, điều này thể hiện rõ trong các kỳ thi Olympic quốc tế, đặc biệt với môn toán. Trong các kỳ kiểm tra - thi tại các trường phổ thông cũng vậy, với những câu hỏi kiểm tra kiến thức đơn thuần, HS mình trả lời rất tốt. Các nhà khoa học quốc tế đều đánh giá cao tố chất thông minh của người VN. Vì thế, không cần phải quá ngạc nhiên với kết quả khảo sát của OECD cũng như khảo sát Pisa 2012. Không nên có thái độ tự ti, cho rằng mình không đáng khen ngợi nhưng càng không nên cho rằng đó là thành tựu xuất sắc của giáo dục phổ thông VN”.
Ông Bằng cho rằng cần phải có một cách nhìn nhận công bằng hơn với giáo dục phổ thông. “Học trò của chúng ta thông minh, các thầy cô cũng đã cố gắng dạy tốt nhất ở mức có thể. Nhưng đúng là cách dạy của chúng ta hiện còn bất cập với xu hướng phát triển của thế giới”, ông Bằng nhận định.
Có thể gieo ảo tưởng
Trong khi đó, TS Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học trực tuyến GiapSchool, lại cho rằng không nên vui với kết quả này. Theo ông Dương, chương trình giáo dục của VN là chương trình ở trên “khán đài”, tức trải nghiệm gián tiếp thông qua các khái niệm, kiến thức, lý thuyết, mô hình đã có sẵn. Đây là kiến thức thứ cấp, không có giá trị lớn cho sự trưởng thành của người học... Dẫu được tổ chức tốt như thế nào đi chăng nữa thì phần lớn các cuộc thi đều có lợi cho cách học trên “khán đài”, nghiêng về đánh giá khái niệm, phân tích, diễn giải lý thuyết.
Ông Dương cho rằng đã học để thi thì kiểu gì điểm cũng sẽ cao, và đó là lý do để giải thích tại sao kết quả của các nước châu Á - nơi có truyền thống học để thi - thường đạt thứ hạng cao trong các kỳ khảo sát. Vấn đề là học để làm việc, chứ không phải để thi. “Cá nhân tôi thấy buồn khi đọc những kết quả như thế này, cũng như kết quả Pisa 2012. Cách học để thi này không có đóng góp là bao vào sự trưởng thành của HS bởi đó không phải là giáo dục thực sự. Những kết quả thi cử cao như thế này chỉ thêm gieo rắc ảo tưởng cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục mà thôi, còn bản chất giáo dục tốt xấu thế nào thì chỉ người học mới cảm nhận được”, ông Dương nhận định.
Công cụ dự đoán sự thịnh vượng của một nước ?
Báo cáo có tựa đề “Những kỹ năng cơ bản toàn cầu: Điều mà các nước có thể tranh thủ được về mặt kinh tế” với đồng tác giả là Eric Hanushek của ĐH Stanford (Mỹ) và Ludger Woessmann ĐH Munich (Đức), cho rằng trình độ giáo dục là công cụ hiệu quả để dự đoán sự thịnh vượng một nước có thể đạt được trong thời gian dài.
Chẳng hạn, nền kinh tế Anh có thể tăng thêm 3.650 tỉ USD mỗi năm nếu từng HS của nước này nắm vững các kỹ năng cơ bản về toán học và khoa học. Trong trường hợp của VN, OECD ước tính tiềm năng tăng trưởng GDP lên đến 304% nếu tất cả HS 15 tuổi thành thạo các kỹ năng cơ bản về hai lĩnh vực trên (với số GDP tăng trong cả cuộc đời của từng HS). Tuy nhiên, báo Telegraph dẫn lời Giáo sư Hugh Lauder của ĐH Bath (Anh) chất vấn sự suy diễn của 2 tác giả. Ông cho rằng thật sự không hợp lý khi OECD đưa ra dự đoán về ảnh hưởng của trình độ học vấn đối với phát triển kinh tế của một nước trước đến vài chục năm.
|
Ý kiến:
Tin đáng mừng
Kết quả khảo sát của OECD là một thông tin đáng mừng và tôi nghĩ đáng tin cậy. Tất nhiên, không phải vì thế mà chúng ta tự tin cho rằng chất lượng giáo dục phổ thông của mình được lọt vào thứ hạng cao của thế giới. Mừng trước sự ghi nhận khách quan của quốc tế nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn vào thực trạng để thấy HS chúng ta còn yếu chỗ nào để mà khắc phục, chẳng hạn như chúng ta yếu về khoa học xã hội, về các kỹ năng mềm, về năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề được đặt ra bởi thực tiễn...
Dù trình độ phát triển kinh tế xã hội của chúng ta không cao, nhưng giáo dục phổ thông đã đạt được một số thành tựu có phần nhỉnh hơn nên lấy đấy làm động lực để tiếp tục phấn đấu.
GS Đào Trọng Thi
(Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng) GD phổ thông chưa tạo ra các công dân có tư duy độc lập
Cái yếu kém lớn nhất của giáo dục phổ thông của chúng ta là chưa tạo ra được các công dân có tư duy độc lập và tinh thần tự do trong truy tìm chân lý, biết sống hòa hợp với cộng đồng trong môi trường đa giá trị. Vì thế, giả sử VN có đứng đầu xếp hạng của OECD đi nữa, thì với sự thiếu vắng của phẩm chất công dân trong HS, VN vẫn đứng ngoài thế giới văn minh.
Nguyễn Quốc Vương
(nghiên cứu sinh Đại học Kanazawa, Nhật Bản) Tín hiệu tốt để theo đuổi giáo dục hiện đại
Khảo sát của OECD hay kể cả khảo sát của Pisa đều thông qua việc kiểm tra kỹ năng giải bài tập của HS - một phần quan trọng của giáo dục cổ điển. Giáo dục hiện đại không loại trừ kỹ năng giải bài tập, nhưng còn rất đề cao giáo dục STEM (viết tắt của các từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Math - toán học) - trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Việc HS VN giỏi làm bài thi toán, khoa học là một tín hiệu rất tốt để chúng ta theo đuổi đường lối giáo dục STEM. Bộ GD-ĐT đã bắt đầu quan tâm đổi mới giáo dục phổ thông theo xu hướng này, bằng chứng là từ năm 2012 chúng ta chính thức đưa HS đi dự kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc tế được tổ chức hằng năm ở Mỹ (Itel Isef) - một sự kiện STEM lâu đời và có uy tín nhất trên thế giới hiện nay.
Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn
(huấn luyện viên đội tuyển VN dự cuộc thi ITEL ISEF các năm 2012, 2013) |
Bình luận (0)