VN nhập siêu từ ASEAN

31/08/2016 08:00 GMT+7

Trong thời liên kết kinh tế ASEAN, doanh nghiệp Việt vẫn đang chậm chân và chuyển dần nhập siêu từ Trung Quốc sang các nước khác trong khối.

Trong giai đoạn tháng 1 - 6.2016, VN nhập siêu 3,3 tỉ USD từ các nước ASEAN, con số tương ứng trong cùng kỳ năm 2015 là 2,66 tỉ USD. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN sang thị trường ASEAN trong nửa đầu năm 2016 đạt trên 8 tỉ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hóa các doanh nghiệp VN nhập khẩu là 11,3 tỉ USD và chiếm 14,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Nhập từ rau quả đến hàng gia dụng
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định: “Cũng như nhiều sân chơi hội nhập khác, DN Việt thường thụ động nên chậm chân so với các đối thủ. Nếu nhìn vào DN Thái Lan chúng ta sẽ thấy họ hoàn toàn khác. Vì vậy, thực tế nhập siêu hiện nay là điều khó tránh khỏi. Để giảm nhập siêu thì chỉ có cách nhà nước cần tăng cường nội lực cho nền kinh tế, cho DN. Điều đó phải được thực hiện từ những ngành mà VN có thế mạnh”.
Trong ASEAN, Thái Lan là nước dẫn đầu về kim ngạch thương mại song phương với VN. VN nhập hàng từ Thái Lan với tổng giá trị 3,9 tỉ USD trong nửa đầu năm 2016, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của VN sang Thái Lan tuy tăng 7% nhưng chỉ đạt 1,77 tỉ USD. Như vậy, VN đã nhập siêu từ Thái Lan khoảng 2,2 tỉ USD. Hàng nhập rất đa dạng, nhiều mặt hàng có kim ngạch cao như rau củ quả 143 triệu USD, xăng dầu 142 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu 251 triệu USD, hàng gia dụng và linh kiện 560 triệu USD, máy móc thiết bị 384 triệu; ô tô nguyên chiếc 276 triệu USD... Bên cạnh Thái Lan, VN còn nhập siêu từ các nước như Singapore, Malaysia...
Nhiều ý kiến nhận định thương mại của VN với ASEAN đang đi theo vết xe như với Trung Quốc trước đây và những yếu kém của nền kinh tế tiếp tục lộ ra. Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét: “Nếu so với Trung Quốc thì nhập siêu từ khu vực ASEAN không phải là điều gì quá tệ. Nhưng trong một sân chơi chung của khu vực dành cho những nền kinh tế tương đương nhau mà chúng ta nhập siêu từ họ quá lớn thì rõ ràng là nội lực của chúng ta quá yếu. Điều này cần phải được xem lại”.
Thật ra, theo các chuyên gia, việc tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN góp phần kéo giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Hàng hóa của các nước trong khu vực có chất lượng tương đối khá, nếu nhập về để làm nguyên liệu, sản phẩm trung gian để chế biến xuất khẩu nhằm thay thế hoặc giảm nguồn cung từ Trung Quốc cũng là một điều tích cực. “Tôi cho rằng nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa ASEAN là tương đối tốt, sẽ là đối trọng cho hàng hóa nguyên liệu Trung Quốc”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói. Tuy nhiên, ngoài việc chuyển dần nhập khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN, chưa thấy doanh nghiệp (DN) VN có hành động cụ thể nào để tận dụng cơ hội từ thị trường chung ASEAN.
Người Thái “trên cơ”
Trên thực tế, kim ngạch thương mại của VN với khối ASEAN luôn thâm hụt trong nhiều năm qua. Năm 2005, VN nhập siêu từ ASEAN 3,9 tỉ USD thì đến năm 2015 là 6 tỉ USD. Nhiều người lạc quan cho rằng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, DN Việt có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu dân, gia tăng xuất khẩu trong nội khối cũng như mở rộng ra các thị trường bên ngoài. Tuy nhiên kỳ vọng này chưa thành hiện thực.
Trong khi chúng ta chậm chân và thụ động thì nhiều năm gần đây, thông qua một DN chuyên tổ chức sự kiện, Thái Lan thường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các DN Thái và Việt. Mỗi năm, DN Thái tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm kết nối theo từng ngành nghề ở khắp các lĩnh vực thời trang - may mặc, logistics, điện tử, gỗ, công nghiệp phụ trợ... Đáng nói là, ở lĩnh vực nào, họ cũng muốn ở thế cao hơn. Cụ thể như ở ngành thời trang - may mặc, người Thái luôn muốn hợp tác với VN vì họ cho rằng VN có lợi thế cạnh tranh trong ngành này. Nhưng phần họ chọn hợp tác là chuyển giao công nghệ máy móc thiết bị, phát triển lĩnh vực thời trang, thiết kế, còn phía VN vẫn tiếp tục gia công.
“Họ muốn hợp tác theo kiểu VN sẽ là công xưởng gia công còn họ phát triển ở bậc cao hơn, hay nói đúng là giữ vai trò dẫn dắt cuộc chơi”, một chuyên gia nhận xét. Thực tế trên thị trường hàng tiêu dùng cũng cho thấy điều tương tự. Người Thái đã “dòm ngó” thị trường VN từ nhiều năm trước. Khi có cơ hội là họ thâu tóm các kênh phân phối để tận dụng cơ hội đưa hàng hóa vào VN. Với những chiến lược bài bản như vậy, kỳ vọng VN giảm nhập siêu từ ASEAN sẽ khó thành hiện thực nếu không muốn nói là khả năng ngày càng tăng.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, DN Việt đa phần là vừa và nhỏ, ngành công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển, tính chủ động yếu. Chính vì vậy, trong một sớm một chiều khi tham gia thị trường chung AEC chúng ta khó có thể giảm nhập siêu từ ASEAN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.