Bỏ việc tại viện nghiên cứu
Trong khu vườn rộng mang tên An Nông Farm, vợ chồng anh Lê Đình Quả (39 tuổi) và chị Lê Thị Thanh Thủy (37 tuổi, tại xã Hòa Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) trồng rau, đồng thời tạo nên một hệ sinh thái "nói không với hóa chất" theo nguyên lý "5 không".
Anh Quả cùng vợ từ bỏ công việc tại viện nghiên cứu để quay về quê hương Quảng Bình khởi nghiệp với nghề nông. |
Bá Cường |
Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Quả cho biết vợ chồng anh trước đây là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (đóng ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
"Làm việc tại viện, chúng tôi nhận thấy thực trạng trồng rau, quả dùng nhiều chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, giống cây biến đổi gen... rất có hại cho sức khỏe con người. Lo lắng cho con cái và người thân sử dụng những thực phẩm đó, tôi bàn với vợ về một dự án khác tại quê", anh Quả chia sẻ.
Ngoài sản phẩm rau, An Nông Farm còn chế biến thêm các món ăn làm từ nông sản sạch tại vườn |
Bá Cường |
Sau gần 10 năm làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp, vợ chồng anh Quả quay về quê hồi năm 2016, chọn mua một mảnh đất rồi bắt đầu xây dựng hệ sinh thái "sạch".
"Chúng tôi bán nhà tại TP.Quy Nhơn được 600 triệu đồng, vừa đủ mua mảnh đất rộng 3 hecta. Mọi chi phí còn lại để gầy dựng khu vườn đều phải vay mượn", chị Thủy nói.
"Khởi nghiệp bằng nghề nông phải thật sự kiên trì"
Hai vợ chồng trẻ đối mặt vô vàn khó khăn ban đầu như khí hậu, đất đai tại Quảng Bình thuộc dạng khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió lào.
Vợ chồng chị Thủy từng gặp rất nhiều khó khăn khi chọn lựa khởi nghiệp bằng nghề nông |
Bá Cường |
"Để cây sinh trưởng tốt, không phụ thuộc vào hóa chất cũng như cây luôn khỏe mạnh, chúng tôi phải xây dựng một hệ sinh thái để đối phó lại sự khắc nghiệt của khí hậu Quảng Bình", anh Quả nói.
Trong 3 năm đầu, gia đình anh phải xây dựng một vành đai chắn gió bằng cách trồng các loại cây lâm sản dài ngày để che chắn gió cho cây nông nghiệp ngắn ngày. Đồng thời, anh nghiên cứu các loại cây có thể sống tốt tại môi trường khắc nghiệt mà không phụ thuộc vào hóa chất.
Khu vườn rộng 3 hecta với đầy đủ yếu tố của một hệ sinh thái |
Bá cường |
"Để khởi nghiệp bằng nghề nông, chúng ta phải rất kiên trì. Trong 3 năm đầu tôi xây dựng nền móng cho hệ sinh thái, số tiền thu lại bằng 0, nếu chưa muốn nói đến số âm từ khoản vay mượn. Đây là giai đoạn rất dễ nản chí nếu không thực sự quyết tâm, yêu nghề", anh Quả nói.
Chạy hàng chục km chỉ để giao một bó rau sạch
Chia sẻ về cách quảng bá sản phẩm tới khách hàng, anh Quả cho biết có những thời điểm anh chạy xe mấy chục km từ vườn vào trung tâm thành phố chỉ để giao một bó rau.
Tiêu chí "5 không" đã giúp thương hiệu An Nông Farm có chỗ đứng trên thị trường |
Bá Cường |
"Vì tôi biết khách hàng thực sự tin tưởng sản phẩm nên tôi cũng sẵn sàng chạy vài chục km để giao hàng. Bó rau giá tiền không cao, không bù lại tiền xăng xe. Tuy nhiên, đó là nền móng để chúng tôi gầy dựng thương hiệu", anh Quả chia sẻ.
Sau 6 năm khởi nghiệp, vợ chồng anh Quả đã gặt hái quả ngọt với mô hình nông nghiệp áp dụng tiêu chí "5 không" (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, không có dư lượng kim loại nặng, không sử dụng giống biến đổi gen).
Các trường mầm non trên địa bàn chọn An Nông Farm là địa điểm để cho các trẻ trải nghiệm, học hỏi |
Bá Hoàng |
Trung bình mỗi tháng, An Nông Farm xuất ra thị trường từ 5 - 6 tấn cho cả cửa hàng An Nông cũng như một số đơn vị bán lẻ khác. Cũng nhờ đó, thu nhập của đôi vợ chồng lên đến 1,2 tỉ đồng/năm.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT H.Bố Trạch, đánh giá cao mô hình trồng nông sản sạch của vợ chồng anh Quả và hy vọng sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn.
"Chính quyền địa phương luôn ủng hộ, đồng hành những mô hình nông nghiệp sạch như An Nông Farm của anh Quả. Ngoài việc tạo ra nông sản an toàn, An Nông Farm còn là nơi mà bà con, học sinh chọn làm điểm đến để trải nghiệm, học hỏi kiến thức về nông nghiệp", ông Long nói.
Bình luận (0)