Vợ chồng già ly hôn

09/11/2010 09:23 GMT+7

Phiên tòa ly hôn diễn ra không quá ồn ào bởi người trong cuộc dường như đã qua cái tuổi thích hơn thua nhưng không vì thế mà các vị thẩm phán dễ đưa ra phán quyết.

Họ chung sống từ năm 1975 khi ông đã bước vào tuổi 45 và bà kém ông đúng 20 tuổi. 20 năm sau, để làm giấy tờ căn nhà mới mua, họ mới nghĩ đến việc đăng ký kết hôn. Oái oăm thay cũng từ thời gian đó, tình cảm vợ chồng họ bắt đầu rạn nứt.

Nỗi lòng của người chồng
 
Trước phiên tòa phúc thẩm, ông kể do việc mua bán gỗ cũ không còn được thuận lợi cộng thêm tuổi tác đã cao, năm 1995, ông nghỉ buôn bán, việc nuôi sống cả nhà đổ lên vai bà. Cũng từ đó, tính khí bà trở nên thất thường, hay gắt gỏng, thậm chí có thái độ xem thường chồng.
 
Không ít lần bà dấm dẳng: “Tôi không muốn sống với ông nữa!”. Tự ái đàn ông nổi lên nhưng vì sự bình yên của gia đình, ông nín nhịn.
 
Cuộc sống ngột ngạt kéo dài 8 năm và đỉnh điểm là một lần vợ chồng cãi nhau, ông ra chốt dân phòng ngủ, đến sáng trở về thì không thể vào nhà do bà đã thay ổ khóa cửa. Chờ từ sáng đến tối, khi bà đi làm về mở cửa, ông mới có thể vào nhà. Nhưng “bà ấy chỉ tay vào mặt tôi đay nghiến, chửi rủa. Tôi nhớ hoài hình ảnh đó”- ông nói. Từ dạo ấy, ông quyết định rời xa mái ấm, tự kiếm sống để nuôi thân.
 
Thuê căn phòng trọ nhỏ, ông vừa đi làm ở chốt dân phòng vừa chạy xe ôm. Năm 2008, sức khỏe kém sau hai lần bệnh thập tử nhất sinh, ông xin làm giữ xe cho phòng mạch tư của một bác sĩ. “Tuổi già ai không muốn sống sum vầy bên gia đình, được chăm sóc, yêu thương? Nhưng quả thật hoàn cảnh của tôi không thể khác được.
 
Suốt hơn 7 năm sống ly thân, bà ấy không hề đoái hoài, quan tâm gì đến, ngay cả khi tôi bị tai biến tưởng chết, chỉ có bà con dân phố, công an khu vực, họ hàng và con gái tôi chăm nom, săn sóc, bà ấy không một lần ghé thăm. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi cũng có ghé qua nhà thăm con cháu nhưng tình nghĩa vợ chồng thật sự không còn, dây dưa, lần lữa cũng chẳng để làm gì.
 
Vậy nên tôi muốn ly hôn cho rõ ràng về mặt pháp lý để những ngày tháng còn lại được thanh thản. Còn về tài sản chung là căn nhà, tôi yêu cầu được chia đôi để lo cho những ngày tháng sắp tới. Mong HĐXX chấp nhận”- ông nêu lý do xin ly hôn.
 
Lý lẽ người vợ
 
Nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, bà phủ nhận tất cả những lời ông vừa trình bày. Theo lời bà, từ khi lấy nhau, ông chưa đem một đồng nào về cho vợ con. Quá yêu và nuông chiều chồng, bà vẫn cam chịu, một mình đi làm nuôi gia đình, ông chỉ việc ở nhà chăm sóc mẹ già và các con. Dẫu cực nhọc, khó khăn trăm bề, bà cũng chưa bao giờ lớn tiếng với chồng.
 
“Ông ấy có quan hệ với người phụ nữ khác là con của một bạn hàng nên kiếm cớ dọn ra ngoài sống với bà ấy. Đau khổ nhưng tôi vẫn chu cấp đầy đủ cho ông, mỗi sáng vẫn cho tiền cà phê, ăn sáng, có nấu món gì ngon cũng kêu con đem qua. Ngay cả bộ đồ ông ấy đang mặc đây cũng do tôi mua chứ ổng có sắm sửa gì được.
 
Lúc ông ấy nằm bệnh viện, dẫu tôi không vào nhưng toàn bộ viện phí, thuốc men điều trị tôi đều lo, kêu con gái  vào chăm sóc ban ngày, còn ban đêm đã có người phụ nữ kia...
 
Bây giờ, ông ấy nói không còn tình cảm nhưng tôi vẫn còn thương ông. Tôi không muốn bà con lối xóm nhìn vào nói bị chồng bỏ trong khi tôi không có lỗi gì, rồi còn danh dự của gia đình với sui gia, tâm lý con cái...
 
Về căn nhà, mẹ con tôi và các cháu đang ở, nếu bán đi, chúng tôi sống ở đâu? Tôi làm lụng, bươn chải cực khổ nuôi các con, gánh chịu nhiều thiệt thòi, các con dẫu trưởng thành vẫn về xin mẹ khi cái này, lúc cái khác, tôi vẫn phải lo. Nếu chia đôi căn nhà cho ông ấy, có bất công với phụ nữ lắm không? Xin tòa cho thời gian để chúng tôi năn nỉ ông ấy quay về...”- bà khẩn khoản.
 
Và lý do thật sự
 
- Bà không muốn ly hôn. Vậy trước nguy cơ tan vỡ gia đình, bà có giải pháp nào để hàn gắn? - vị thẩm phán hỏi.
 
- Tôi nghĩ có thời gian tôi sẽ tìm cách - bà trả lời.
 
- Nhưng đã bao nhiêu năm sống ly thân, bà vẫn để mặc...?
 
- Ông ấy có tình cảm ở nơi khác, tôi rất khó lòng. Sau này, tôi với các con sẽ hỏi ý kiến ổng rồi mới tính được, chứ bây giờ tòa biểu đưa ra giải pháp liền thì khó quá.
 
- Nếu ông chỉ muốn ly hôn không đòi chia tài sản, bà có đồng ý không?
 
- Tôi đồng ý ly hôn.
 
Người con gái của ông bà được mời lên cũng khẳng định những lời mẹ nói là đúng và nêu ý kiến: “Bố mẹ tôi đã già, tôi không muốn họ ly hôn để chia tài sản”.
 
Tất nhiên, ông phủ nhận ý kiến của họ. “Tôi đã 80 tuổi, làm gì còn người phụ nữ nào nữa nhưng tôi vẫn muốn ly hôn và chia tài sản. Mong tòa giải  quyết cả hai vấn đề một cách nhanh gọn, đỡ phải đi tới đi lui”- ông nhấn mạnh.
 
Nói đi nói lại chỉ vì căn nhà mà bên đòi ly hôn, bên không chịu. Mỗi người đều ôm lấy mong muốn riêng của mình, nhất quyết không nhường bước, trong khi tòa án xét xử phải sòng phẳng mà sự sòng phẳng nào cũng thật nghiệt ngã.
 
Sau một ngày nghị án, HĐXX chấp nhận cho họ ly hôn, riêng phần tài sản sẽ khởi kiện bằng một vụ dân sự khác (do cấp sơ thẩm bác đơn xin ly hôn của ông nên không xem xét, giám định về tài sản). Vậy là, sau mấy chục năm nâng đỡ, hỗ trợ nhau lèo lái con thuyền hôn nhân vượt qua bao sóng gió, đến tuổi già, họ lại một mình đương đầu với đau yếu, khó nhọc bởi tuổi tác và sự cô đơn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.