* Ngập dài trên 10 km *200 ha hoa màu, cây công nghiệp thiệt hại
Công trình thủy điện này của Công ty CP công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai, khởi công từ năm 2009, tổng công suất 5 MW, vốn đầu tư 120 tỉ đồng, dự kiến quý 3 năm nay sẽ phát điện. Lòng hồ có diện tích khoảng 200 ha, tích nước từ một tháng nay.
|
Sự cố vỡ đập xảy ra thuộc thân đập chính, đoạn gần cửa lấy nước, chiều dài thân đập bị vỡ trên 40 m kèm theo một số vết nứt và sụt lún lớn giữa đập. Theo ghi nhận tại hiện trường, lượng nước lòng hồ trước khi đập vỡ cách cao trình đập 4 m, đạt 60% dung tích thiết kế, khoảng 8 đến 10 triệu m3.
Với đặc thù địa hình đồi dốc lớn, ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, toàn bộ vùng hạ du nhanh chóng bị lũ quét kéo về với tốc độ kinh hoàng, trong lúc đó nhiều người dân đang đi làm rẫy và công nhân đội 711 thuộc Đồn Biên phòng 72 đang làm việc, nhưng rất may đã thoát chết trong gang tấc. Từ vị trí lòng hồ đến sông Sê San bị ngập kéo dài trên 10 km với diện tích hoa màu bị thiệt hại ước 200 ha, bao gồm diện tích hoa màu của người dân và 20 ha cao su của Đồn Biên phòng 72.
Các thôn, làng thuộc xã Ia Dom bị thiệt hại gồm: Làng Bi, làng Ó, thôn Mook Trang, thôn Mook Đen và đội 20 thuộc Công ty một thành viên 72 (Binh đoàn 15). Ngoài ra còn có 69 nhà chòi, 6 xe máy bị nước cuốn trôi, hiện đã vớt được 3 xe máy, một số máy nổ, máy hút bị ngập hiện chưa thống kê hết.
Ngay khi nhận được tin báo vỡ đập thủy điện, toàn bộ hệ thống chính quyền xã, huyện, tỉnh, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã tổ chức nắm bắt tình hình thiệt hại, cứu hộ, giải cứu những người đang bị mắc kẹt, cô lập trong lũ. Đến trưa cùng ngày đã giải cứu được tất cả người gặp nạn. Đến chiều 12.6, nước lũ đã rút, công tác thống kê thiệt hại vẫn đang tiến hành.
Thiếu tá Đàm Đức Tuấn, Phó bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng 721 (cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Gia Lai) cho biết: “Khi lực lượng cứu hộ đến, tất cả đang “đánh đu” trên ngọn cây để tránh lũ, trong đó có 2 công nhân thuộc đội 711, 6 người dân thuộc xã Ia Dom. Ngoài ra lực lượng của đồn đã đưa được 30 người dân tại khu vực nguy hiểm về nơi an toàn”.
Anh Hoàng, một người bị mắc kẹt trong lũ ở làng Ó, xã Ia Dom cho biết: “Vừa mờ sáng tôi nghe tiếng nước đổ về rất lớn, lúc đó tôi chỉ kịp leo lên ngọn cây”. Còn anh Phạm Quang Vinh, công nhân đội 711 thuộc Đồn Biên phòng 72 cho hay: “Lúc đó, cả đội chúng tôi đang làm việc thì lũ tràn về, 16 người trong đội đã nhanh chân chạy kịp về trụ sở tránh lũ, riêng tôi và anh Trịnh Đình Đoàn chạy không kịp, chỉ kịp leo lên ngọn cây sung tránh lũ”.
Khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện, điều đáng nói là lãnh đạo Công ty CP công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai không có mặt tại hiện trường. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo công ty này nhưng không thể nào liên lạc được.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng, nói: “Chủ công trình thủy điện không có mặt tại hiện trường khi sự cố xảy ra là điều đáng trách, tránh né trách nhiệm. Về phía huyện cần tiếp tục thông báo các thôn, làng, xã kiểm tra tình hình thiệt hại, thống kê chính xác mức thiệt hại. Đề nghị các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc xem xét nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đập”.
Trần Hiếu
>> Cận kề tử thần khi đập thủy điện Ia Krel 2 vỡ toác
>> Cảnh hoang tàn sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2
>> Vỡ đập thủy điện, thiệt hại hàng chục héc ta hoa màu
>> Đập thủy điện Đăk Mek 3 vỡ vì xây bằng... cát trộn bê tông
>> Ém nhẹm thông tin vỡ đập thủy điện
Bình luận (0)