Võ phái Tây Sơn Nhạn có bị mạo danh?

16/03/2010 08:52 GMT+7

Võ sư Tô Đình Thanh, đương kim chưởng môn phái Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn cho biết những thông tin sai lạc của các bài viết gần đây trên phương tiện truyền thông gây ngộ nhận trong dư luận, khiến môn đồ võ phái rất bất bình.

Võ sư Quách Phước (trái) và võ sư Xuân Bình, những đồng sáng lập của Tổng hội võ học Việt Nam năm xưa

Võ sư Tô Đình Thanh, đương kim chưởng môn phái Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn cho biết những thông tin sai lạc của các bài viết gần đây trên phương tiện truyền thông gây ngộ nhận trong dư luận, khiến môn đồ võ phái  rất bất bình.

Đâu là sự thật?

Trên mục diễn đàn của trang web vocotruyen.vn có phần tự giới thiệu của võ sư Thành Winter Lương ở Berlin (Đức) về phòng tập và võ phái của mình như sau: “Võ cổ truyền Việt Nam, môn phái Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê - Tây Sơn Nhạn do cố võ sư Đặng Văn Anh đưa vào Sài Gòn năm 1936”. Thông tin này làm dấy lên phản ứng khá gay gắt. Vấn đề gây tranh cãi là gì?

Thứ nhất, người ta cho rằng võ sư Thành Winter Lương là môn đồ mà chẳng biết  gì lịch sử võ phái mình, hay cố ý không muốn biết. Võ sư Đặng Văn Anh, thường gọi Kim Kê sinh ngày 30.5.1921 quê Cần Đước, tới năm 1954 tức 33 tuổi mới học võ với thầy Chín Hóa tại Chợ Quán (Q.5, TP.HCM ). Vậy năm 1936, ông chỉ mới 15 tuổi. Câu “đưa vào Sài Gòn năm 1936” theo tác giả phải hiểu như thế nào? Phải chăng tác giả muốn người đọc hiểu thầy Kim Kê là người khai sáng và truyền bá võ phái này khi ông 15 tuổi!

Tuy nhiên, trọng tâm vấn đề lại ở cái gọi là “võ phái Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê -Tây Sơn Nhạn” (TLNQKK-TSN ). Trên báo Công An TP.HCM các số ra ngày 16.1, 25.2 và 27.2.2010 cũng có những thông tin về điểm dạy của võ sư Kê Hoàng Hổ chiêu sinh lớp  TLNQKK-TSN, hay võ sư Đặng Kim Anh, chưởng môn phái TLNQKK-TSN… Về vấn đề này, võ sư Tô Đình Thanh, chưởng môn môn phái Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn cho biết: “Thực ra thầy Kim Kê chỉ học với chưởng môn Bùi Văn Hóa vỏn vẹn có bốn năm, tức chỉ mới qua phần căn bản. Về môn quy, đệ tử muốn mở võ đường phải có sự cho phép của chưởng môn phái, tức có sự công nhận đủ trình độ chuyên môn lẫn đạo đức. Tự biết điều đó, khi mở võ đường ông chỉ để bảng Kim Kê. Điều đó hoàn toàn hợp  lý. Đến năm 1990  mới lập phái Kim Kê môn. Do đó, tôi thực sự kinh ngạc về cái được gọi là Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê-Tây Sơn Nhạn mà người ta nặn ra từ lúc nào”.

Sinh thời đại sư Bùi Văn Hóa (1894-1958)  chưởng môn khai sáng lấy danh xưng võ phái là Thiếu Lâm Tự -Tây Sơn Nhạn. Tới thời chưởng môn Tô Đình Thanh, căn cứ phả hệ môn phái, ông nhận thấy võ công của Tây Sơn Nhạn có nguồn gốc từ Thiếu Lâm nội quyền. Để phân biệt với các chi phái Thiếu Lâm khác, ông đăng ký danh xưng Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn và đã được Hội Võ cổ truyền TP.HCM chứng nhận vào năm 1992.

Trở lại vấn đề gây tranh luận là vì sao từ Kim Kê môn lại biến thành Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê - Tây Sơn Nhạn? Như đã đề cập, mở võ đường với danh nghĩa của võ phái tất nhiên trở thành người đại diện của môn phái. Năm 1960, khi võ sư Đặng Văn Anh mở võ đường Kim Kê chưa hề được sự cho phép của chưởng môn kế nhiệm Lưu Văn Liễn. Nhưng không ai thắc mắc, bởi thầy Kim Kê (Đặng Văn Anh) không hề vay mượn danh xưng Tây Sơn Nhạn. Việc võ đường Kim Kê trở thành võ phái Kim Kê môn từ năm 1990 cũng không liên quan gì đến Tây Sơn Nhạn.

Nhưng để Kim Kê môn hóa ra Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê-Tây Sơn Nhạn là chuyện khó chấp nhận. Hành động này đã vi phạm quy chế đăng ký danh hiệu võ phái của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.

Những nhân chứng sống nói gì?

Để lật lại trang sử võ học hai thập kỷ 50-70 của thế kỷ XX, hãy nghe các vị tiền bối từng sinh hoạt võ thuật trong thời kỳ này. Võ sư Quách Phước, chưởng môn phái Lam Sơn võ đạo cho biết: “Năm 1969 tôi với thầy Kim Kê và thầy Mười Mách từng là ba trong mười một người đồng sáng lập Tổng hội Võ học Việt Nam. Tôi từng đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký cả hai tổ chức Tổng cuộc Quyền thuật  và Tổng hội Võ học nên nắm rất rõ nội tình các võ phái.

Thầy Mười Mách lúc đó đang là chưởng môn Tây Sơn Nhạn và là sư huynh của thầy Kim Kê. Tôi chưa từng nghe thầy Kim Kê lập phái gì cả”. Một nhân chứng khác là lão võ sư Xuân Bình (SN 1917) năm nay đã 93 tuổi, chưởng môn sáng lập Bắc phái Tây Sơn võ thuật đạo.

 
 Võ sư Tô Đình Thanh, đương kim chưởng môn Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn

Ông cũng là một trong những người  sáng lập  Tổng hội võ học. Tuy tuổi tác cao nhưng thầy Xuân Bình vẫn còn rất minh mẫn: “Theo tôi nhớ người ta gọi ông ấy là Kim Kê sau khi mở lò võ Kim Kê chớ có lập phái gì đâu”. Theo lão võ sư Hổ Bạch Ân, chưởng môn phái Bạch hổ môn, 81 tuổi, từng có thời oanh liệt trên võ đài Sài Gòn thì: “Không riêng gì tôi, những võ sư, võ sĩ từng có sinh hoạt võ thuật tại Sài Gòn từ trước năm 1975, không ai lạ gì thầy Kim Kê. Thời đó làm gì có cái gọi là Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê - Tây Sơn Nhạn  mà chỉ có võ đường Kim Kê thôi”.

Võ sư Ngô Thị Ngọc Chi, gương mặt nữ tiêu biểu của võ đường Kim Kê trước đây và võ phái Tây Sơn Nhạn  hiện nay không giấu vẻ ngạc nhiên.  “Chi theo học với thầy Kim Kê từ những năm 80.

Có một thời gian dài, Chi từng thi đấu và theo thầy đi đánh đài khắp nơi, gặt hái nhiều thành tích nên rất được thầy thương mến và kỳ vọng. Năm 1992 sau khi thầy Mười Mách mất (1990), thầy Tô Đình Thanh được Hội đồng Điều hành môn phái bầu chọn chấp chính chưởng môn. Lúc đó chính sư phụ (VS Kim Kê) phái Chi cùng hai sư huynh là Kê Hoàng Hổ và Trần Quang Lợi sang học cho được bài bản Tây Sơn Nhạn với thầy Thanh.

Theo sư phụ, chỉ có thầy Thanh mới là người được thầy Ba Liễn và thầy Mười Mách truyền lại hết tuyệt kỹ Tây Sơn Nhạn. Hiện thầy Thanh là người duy nhất được kế thừa ba cuốn bí kíp bản môn. Là người trong môn phái, Chi hết sức ngạc nhiên về những thông tin hoàn toàn vô căn cứ này”…

Với tư cách là đương kim chưởng môn phái Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn, võ sư Tô Đình Thanh cho rằng những thông tin sai lạc của các tác giả đã cố ý bóp méo lịch sử võ phái gây ra ngộ nhận trong dư luận khiến môn đồ Tây Sơn Nhạn hết sức bất bình.

Sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt của người đại diện môn phái, tác giả Ngọc Thiện với loạt ký sự “Võ lâm Sài Gòn-Chợ Lớn” trên báo CA.TP.HCM  đã trực tiếp đến gặp võ sư Tô Đình Thanh nhận khuyết điểm và xin lỗi. Tuy nhiên, cho đến nay tác giả vẫn chưa có thông tin đính chính về sự sai sót của mình.

Tân Xuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.