Ông là người lưu giữ nhiều bí kíp chân truyền của võ phái để truyền dạy các thế hệ kế thừa. Những tuyệt kỹ công phu cùng các bài răn dạy, đào luyện, hun đúc tâm - đức tạo nên con người nhân cách, văn võ song toàn theo triết lý võ phái, được chưởng môn Huỳnh Chí Dân chia sẻ trong cuộc trò chuyện thú vị với PV Thanh Niên.
Xin được mở đầu với ông bằng câu hỏi về tên gọi của võ phái, du nhập vào VN là Thái Lý Phật, vì đâu lại có tên gọi thành Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật?
Về lịch sử hình thành, Thái Lý Phật có xuất xứ từ Quảng Đông (Trung Quốc), chia làm 3 nhánh là Hùng Thắng, Hồng Thắng và Bắc Thắng. Thầy tôi là Đặng Tây (tổ đời thứ 4 của Hồng Thắng và đời thứ 2 của Bắc Thắng) lưu truyền Thái Lý Phật vào VN năm 1933. Tên gọi Thiếu Lâm Chánh Tông vì có nguồn gốc Nam Thiếu Lâm, Thái Lý Phật là hợp chung cả 3 nhánh mà thành.
Ông có thể chia sẻ rõ nét hơn về võ phái của mình ở thời kỳ đầu khi du nhập vào Chợ Lớn xưa?
Thầy Đặng Tây qua VN, đến ở đậu nơi chợ Thiếc (Q.11), ngày làm nghề đan giỏ, tối dạy võ. Thời đó loạn lạc, giang hồ lộng hành. Người dạy võ, hành hiệp thì gọi là giới võ lâm, còn người có võ mà làm anh chị thì gọi giang hồ, giới võ lâm và giang hồ tồn tại song song như thế.
Thầy tôi là võ lâm, bà con làm kinh doanh bị giang hồ quấy phá thường nhờ thầy đứng ra bảo hộ, dàn xếp, nhờ vậy danh tiếng ngày càng nhiều người biết, đến bái sư, học võ. Năm 1979, thầy lập đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường. Thắng Nghĩa mang hàm ý làm việc nghĩa phải trước mọi người - nghĩa bất hậu nhân.
Ngày trước ở Chợ Lớn phải có đoàn lân, có nơi chốn hoạt động mới dễ thâu nhận học trò, phát triển võ phái. Đoàn lân là đại diện, là bộ mặt võ phái, nên Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật dạy võ và lân sư rồng từ khi thành lập cho đến bây giờ.
Võ sinh của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật luyện công phu ở CLB Thể dục thể thao Q.5, trụ sở Đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường
Mỗi võ phái có tuyệt kỹ riêng để nhận dạng, Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật có đặc điểm gì khác biệt trên võ đàn cổ truyền Việt?
Chiêu thức các võ phái có phần giống giống nhau, nhưng cách ra chiêu thì khác, ví dụ cùng là nắm đấm nhưng Hồng Gia chủ cương, Thái Cực chủ nhu. Thái Lý Phật là cương - nhu. Điểm khác biệt nữa là "Trường kiều đại mã", nghĩa là quyền thuật, bộ pháp, tấn pháp khi tập luyện được thi triển dài - rộng - nhanh lẹ, khi thực chiến đánh rút gọn sẽ đạt tốc độ nhanh và chuẩn xác. Dụng cụ luyện tập cũng đặc thù, trong đó có mộc bình trang (một dạng mộc nhân), cùng nhiều dụng cụ khác được chế tác chính trong chiêu thức để tập luyện làm tăng sự linh hoạt, dẻo dai, cứng cáp, độ chịu đòn, để có thể kết hợp thực tiễn.
Với tổ là võ sư Đặng Tây, có nhiều huyền thoại danh trấn giang hồ, là học trò thân cận nhất, nói về thầy mình, ông sẽ nói gì?
Thầy tôi không lập băng đảng hay thâu tóm giang hồ, ông dạy võ hành đạo, nên hắc bạch lưỡng đạo đều tôn trọng; khi hai phái này xảy ra chuyện, nếu có Đặng Tây giảng hòa thì mọi người đồng thuận nghe theo. Ông được người dân ví như Phật gia, vì hiền lắm, cách ông xử lý các bất hòa cũng theo chuẩn mực đạo đức nên được mọi người kính nể, tôn trọng. Còn trong võ học, Đặng Tây là học trò Đàm Tam - mệnh danh là thần thủ, chuyên về chiến đấu với ngón nghề thiết chỉ. Thầy tôi cũng thọ giáo được tinh hoa đó, và cách ra chiêu nhanh gọn như chớp nên ông được võ lâm Chợ Lớn mệnh danh là "quái thủ miêu trảo", là "tán thủ vương".
"Thiết chỉ" là một trong những tuyệt chiêu của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, ông có thể chia sẻ về chiêu thức đặc dị này?
Thiết chỉ nghĩa là luyện ngón tay trở nên cứng như sắt, có thể xuyên thủng dừa, đánh bể tô sành, hoặc phát triển lên thành "nhị chỉ" - dùng hai ngón tay kẹp bể trái cau. Ngón nghề này đòi hỏi sự khổ luyện, sư phụ truyền cho tôi, và bây giờ các con tôi cũng thuần thục. Võ phái có chiêu thức hay, thầy dạy giỏi, nhưng trò cần khổ luyện mới đạt thành công.
Ông vừa là thầy võ, cũng là danh y, võ phái ông có tư tưởng đặc biệt được định danh là "tam nghệ" và "tam đức", xin hỏi nghĩa bao hàm của nó là gì?
Tam nghệ là Văn - Võ - Y, đây là ba nghề. Chúng tôi cần có "văn" vì đó là nền tảng của lễ giáo, có "văn" mới dạy cho người hiểu được "võ". Người có văn khi học võ sẽ tiếp thu nhanh. Có võ rồi cần biết đến "y". Y ở đây không giống với đông y, trung y mà là "y võ" - y dành riêng cho võ. Trong tập luyện, võ sinh dễ bị chấn thương, trật đả, nên y trong võ thuật liên quan đến khoa xương, khớp. Người luyện võ khi biết y sẽ giúp điều trị các chấn thương đúng, hiệu quả, nhanh bình phục.
Tam nghệ chỉ là nghề, nghề thì ai cũng học được, nhưng để làm tốt, cần có "Tam đức", chính là Trung - Hiếu - Nghĩa. Ở phạm vi võ học, trung với môn phái, hiếu với tổ sư - sư phụ, nghĩa với đồng môn. Quy rộng ra gia đình, trung với dòng tộc, hiếu với cha mẹ, nghĩa với anh em bà con. Quy ra xã hội, trung với nước, hiếu với người có tâm đóng góp xây dựng nước nhà, nghĩa với đồng bào.
Chữa trị chấn thương, trật đả về xương khớp là phần việc thường ngày của võ sư - lương y Huỳnh Chí Dân
Võ lâm Chợ Lớn lưu truyền nhiều chuyện về tuyệt kỹ của Thái Lý Phật. Được biết, ông cũng là người nắm giữ nhiều bí kíp độc đáo từ khổ luyện, ông có thể giới thiệu một trong số ấy?
Đó là tuyệt kỹ "Tiên nhân kiều", cây cầu dành cho các vị tiên đi qua. Đây là cảnh giới khí công thâm hậu. Người luyện dùng hai cái ghế chữ A, kê dưới hông và gáy rồi nằm lên, đặt ngang bụng một tấm ván dài khoảng 10 m, dày 5 - 7 cm, cho một người đứng giữa làm trọng tâm, hai bên còn lại đứng mỗi bên 4 người. Tổng trọng lượng cho một người nhẹ ký khoảng 50 kg, thì lực gồng của bụng phải chịu cho 9 người đến gần 500 kg, thậm chí đến 800 kg. Tôi là người khổ luyện và diễn được Tiên nhân kiều, đến giờ chưa từng gặp qua ai thi triển được công phu ấy.
Võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật ở VN khác gì so với các đồng môn trên thế giới?
Thế giới tồn tại các nhánh phái của Thái Lý Phật với Hùng Thắng, Bắc Thắng, Hồng Thắng. Thời trẻ theo thầy học võ, tôi may mắn được thầy gửi học các nhánh phái để phát triển chung Thái Lý Phật tại VN. Năm 1998, khi Liên đoàn Võ cổ truyền VN thành lập, tôi đăng ký tên Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, vì cả ba nhánh tôi đều học và không thiên vị nhánh nào cả.
Trong nghề võ, giữ cái nguyên bản đã khó, phát triển theo nguyên bản như tổ dạy còn khó hơn. Ông làm gì để võ phái vĩnh tồn theo dòng lịch sử?
Học theo tổ ngày xưa khó, giữ còn khó hơn. Tôi được học nhiều thầy, đến đâu cũng ghi chép lại nên hình thành pho tư liệu với hơn trăm bài quyền và binh khí các nhánh phái Thái Lý Phật. Để truyền đời, tôi dùng võ đường và đoàn lân Thắng Nghĩa Đường làm nơi luyện tập. Học võ theo cổ truyền, vốn khô khan, riêng bộ tấn tập vài tháng trời, trò nản là bỏ ngay. Nhưng tấn pháp vững mới học võ được, múa lân cũng vậy. Đoàn lân Thắng Nghĩa Đường có tiết mục chồng 4 người chính nhờ khổ luyện tấn pháp, mã bộ.
Tôi dùng phương pháp "Bồi dục anh tài" - đào tạo thế hệ trẻ, chỉ cho họ thấy giá trị của võ học để khơi dậy đam mê, có yêu thích mới chuyên tâm khổ luyện. Tiêu chí của võ phái là mượn võ thuật đào tạo nên người tốt.
Ông cùng các anh em ruột đều theo nghề võ, các con rồi đến cháu giờ cũng nối nghiệp võ. Ở vai trò chưởng môn, câu chuyện lưu truyền thế hệ hẳn là quan trọng?
Tôi dạy con, dạy đồ đệ đều theo những thủ tắc của võ phái. Bồi dục "Tam nghệ" thì người tiếp nhận dễ, cần làm đúng là thành nghề, hành nghề. Còn với "Tam đức", dạy dỗ chỉ là một phía, phần còn lại các con phải tu luyện, rèn giũa để khi ra xã hội không bị lung lay, không bị cái xấu tác động, thậm chí biết về cái mình đang có là vốn quý để từ đó chung tay giữ gìn. Đó là cách tôi truyền dạy cho con cái, cho học trò. Các con tôi lớn lên được đi học bên ngoài, khi về nước đem kiến thức và công nghệ hiện đại góp cho việc phát triển và giữ gìn nét truyền thống của võ phái, của gia đình thêm bền chắc. Tôi thấy mình được phước.
Nhiều nguyên tắc ban đầu của võ phái đặt ra, cụ thể như việc thâu nhận đồ đệ của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật được cho là khắt khe, vì sao?
Thắng Nghĩa Đường giữ nguyên tắc 4 không: không xăm mình, không nhuộm tóc, không xỏ lỗ tai, không chửi thề. Bốn cái này thấy đơn giản, nhưng không nhiều người giữ được. Tôi thường nói với học trò, mỗi dân tộc có đặc tính riêng: da vàng đức dục, da trắng trí dục, da đen thể dục… Chúng ta thuộc văn hóa Á Đông, có đức dục, phải giữ đạo đức, lễ nghĩa. Những nguyên tắc như "Thập đại thủ tắc", "Thắng Nghĩa thập tam thiên", "Thắng Nghĩa Long Sư Mộng", "Thắng Nghĩa Tu Thân Chi Đạo"… đều dựa vào truyền thống đời trước để lại.
Trong việc nhận đệ tử, ai có xăm mình thì tôi loại đầu tiên vì coi đó là nặng nhất; chửi thề là cuối cùng vì miệng không nói thì người đối diện không biết; còn xăm, nhuộm tóc, xỏ lỗ tai, nó hiện hữu ở đó, thể hiện ra đó, và phần nào nói lên tính cách, cái tôi cá nhân. Dựa trên kinh nghiệm truyền đời, tôi biết những hành động đó không phù hợp trong võ phái; kể cả những học trò theo mình rất lâu, nếu xăm mình, tôi loại ngay lập tức.
Võ học bây giờ khác với võ lâm ngày xưa. Là người theo giá trị truyền thống, ông nhìn ra điều gì?
Võ thuật truyền thống dạy con người chịu khó, nhẫn nại, bồi dưỡng sức khỏe, thông kinh lạc, tinh thần thoải mái, vui vẻ, sống lâu. Nhưng theo truyền thống ngày càng khó, bây giờ ít người chịu khổ luyện, mệt là nghỉ, tính háo danh lại cao. Mối liên hệ thầy trò, gia đình chuyển thành huấn luyện viên - khách hàng; cái tình - cái đạo trong võ không như ngày xưa.
Võ phái gần đây dựng nên Thắng Nghĩa Tổ Quán, được chọn là một trong những trọng điểm du lịch của Q.11, là "bảo tàng" dành cho người thích tìm hiểu nét đặc sắc của văn hóa Chợ Lớn, ông có thể giới thiệu đôi nét về tổ quán của mình?
Thắng Nghĩa Tổ Quán được tôi lập ra với mục đích coi đó như nhà thờ tổ của võ phái, là nơi lưu giữ giá trị những người có công lập ra môn phái. Tổ quán cũng là nơi trưng bày nét đẹp về văn hóa, lịch sử, thành tích của đoàn lân, hình ảnh, tư liệu võ học, là nơi vinh danh các tiền bối, trưởng lão, và là nơi tụ họp của đồng môn không chỉ ở VN mà khắp thế giới.
Thắng Nghĩa Tổ Quán là điểm đến của các tuyến du lịch: Có một Chợ Lớn rất khác, Cholon by Side, Cholon by Night, Dấu ấn Thắng Nghĩa: Họa sư, truyền thuyết niên thú
Hằng năm, vào ngày giỗ tổ, môn sinh Thái Lý Phật khắp thế giới thường tụ về Thắng Nghĩa Tổ Quán. Ngoài nghi lễ kính nhớ tổ tiên, ông thường giới thiệu gì đến bạn bè quốc tế?
Mỗi 5 năm, tôi làm cuộc hội ngộ lớn, mời võ phái khắp thế giới về dự. Trung tuần tháng 7 này là kỷ niệm 45 năm thành lập Thắng Nghĩa Đường, lần này tôi mời 6 đoàn, khoảng 72 thành viên. Đồng môn thế giới rất yêu thích về tham quan và giao lưu với võ phái ở VN vì chúng tôi bảo lưu nhiều giá trị truyền thống từ liễn đối, thờ tự, câu thiệu, dụng cụ luyện tập… đều nguyên bản. Chúng tôi muốn đồng môn thấy sự phát triển của võ phái theo triết lý Thắng Nghĩa, giữ được bản sắc riêng, đồng thời mang đậm hình ảnh và văn hóa đặc trưng của Chợ Lớn.
Bình luận (0)