Chẳng phải do mình khen mà thằng Kiểm tưởng mình là thiên tài, đối với nó mình chỉ là ông nhà thơ nghiệp dư không đáng kể. Nó đã đọc thơ cho các nhà thơ nổi tiếng, các ông đều khen, không khen cũng gật gù, chẳng có ông nào chê. Có ông khen đểu, nói thơ chú mày thuộc về tương lai, sang thế kỷ 21 nhất định mọi người sẽ hiểu. Mặc kệ, thằng Kiểm đinh ninh nó sẽ là nhà thơ lớn, trời sinh ra để nó làm nhà thơ lớn, nhất định thế.
Một hôm nó gọi điện cho mình, vẫn cái giọng trịnh trọng nhà quê, nói buổi Tiếng thơ đêm nay Đài tiếng nói Việt Nam giới thiệu thơ Đình Kiểm đấy nhá, mày chú ý nghe đài, bút danh là Đi Ki, nhớ đấy. Mình hỏi sao mày biết. Nó bảo tao gửi cả tấn thơ lên đài không thấy đăng, sốt ruột quá mới gọi điện lên hỏi, người ta bảo tối nay có điểm thơ Đi Ki. Xuân Diệu điểm hẳn hoi nhé.
|
Mình khiếp quá, làm thơ mà được Xuân Diệu điểm thì còn gì bằng! Nhất thằng Đình Kiểm, phục nó quá. Đến chừng 8 giờ, mình chuẩn bị lên tiểu đoàn nghe nhờ đài thì thằng Kiểm mò tới. Mình trợn mắt há mồm, từ Mông Dương về đây hơn ba chục cây số, lại còn đi phà vượt biển, dò dẫm đường rừng... đi bộ cực bỏ bà, thằng Kiểm đến đây làm gì?
Thằng Kiểm mặt mày nghiêm trọng, nói lần đầu Đài tiếng nói Việt Nam giới thiệu thơ mình đâu phải chuyện chơi. Trong sư đoàn mày là thằng hiểu thơ tao nhất, không đến đây thì đến chỗ nào? Khiếp, chẳng ai như nó. Tối đó hai thằng căng thẳng nghe Tiếng thơ, đài ngâm hết bài này sang bài khác chẳng thấy thơ thằng Kiểm đâu. Té ra còn năm phút cuối người ta điểm thơ bạn đọc, chẳng phải do Xuân Diệu điểm, bài điểm là của biên tập viên Quang Khải hay Quang Đại chi đó thôi.
Đại khái tuần này bạn này bạn kia đã gửi thơ về cho chương trình, bạn này có câu thơ hay, tiếc rằng... bạn kia có khổ thơ ý vị, tiếc rằng... thằng Kiểm cũng được nhắc đến trong bài Cửa Ông của nó, nó hơn những người khác là đài dẫn ra cả khổ thơ để khen rồi mới tiếc rằng...
hi hi.
Mình tưởng thẳng Kiểm thất vọng lắm, tính động viên nó mấy câu, không ngờ nó nắm chặt tay mình rưng rưng, nói vậy là đêm nay cái tên Đi Ki vang khắp đất nước. Nó ngước lên nhìn trời, hai mắt mở to long lanh, hai cánh mũi phập phồng, nói đúng là vang khắp đất nước Lập ạ, thật tuyệt vời. Thằng Kiểm xúc động thật sự, hình như nó đinh ninh cả nước đang nín thở ngồi nghe thơ nó. Hi hi.
Thằng Kiểm lặn lội về ngay trong đêm. Trưa hôm sau gọi điện cho mình giọng rất phấn chấn, nói nhiều người trong sư đoàn nghe đài đọc bút danh của tao, đặc biệt cô bồ tao nghe nhắc đến hai tiếng Đi Ki đã vật vã khóc cả đêm.
Mình ngạc nhiên cắt ngang lời nó, nói mày có bồ rồi à, hay là cô bồ cũ? Nó cười, nói quên báo cáo mày, cô bồ mới còn xinh hơn cô bồ cũ. Đặc biệt cô này cũng làm thơ, ngày nào cũng tặng tao một chùm tứ tuyệt. Mình hơi bị tò mò, muốn biết nàng thơ của thằng Kiểm ra sao, nhân có chuyến xe về sư đoàn mình xin đi theo ngay.
Té ra là cô chủ quán nước chè trước cổng sư đoàn. Gọi là quán nước chè chứ nó bán đủ loại, kẹo bánh, nem chả, mì tôm, rượu lạc... đủ cả. Cô bé trắng trẻo mũm mĩm, má bồ quân mắt lá răm, khi cười mắt kéo thành sợ chỉ, ngực nở giật giật má rung rung rất hấp dẫn. Thằng Kiểm kéo mình ra quán của nàng, cùng nàng uống rượu với lạc rang và thi nhau đọc thơ. Gì chứ rượu và thơ thì nàng chẳng thua kém thằng Kiểm, nó cạn ly nàng cũng cạn ly, nó đọc thơ nàng cũng đọc thơ, thứ thơ “nói vè” ứng khẩu lúc nào nàng cũng có sẵn, đại loại: anh ở trong sư em ngoài sư/ đêm đêm hai đứa vẫn tương tư/ bao giờ anh được đi ra quán/ ta lại bên nhau rượu và thơ. Thơ như thế cô nàng hơn nghìn bài, chép đầy bốn cuốn sổ dày cộp.
Mình hỏi thằng Kiểm, nói mày mê nàng thật à. Nó khẽ gật đầu rất nghiêm trọng, nói ừ, không có nàng tao không sống nổi. Mình cười khì, nói sao đến nỗi thế. Thằng Kiểm vẫn mặt mày nghiêm trọng, nói chứ sao. Chưa ai thuộc thơ tao như nàng, chưa ai say đắm thơ tao như nàng, cũng chưa ai gọi tao là thi sĩ, thi sĩ nhé, không phải nhà thơ đâu. Mình cười chẳng biết nói sao, chỉ biết bắt tay nó, nói thôi thì chúc mày hạnh phúc. Nó siết tay mình, nói mày phải học tập tao đi, ráng kiếm được một nàng thơ như nàng thơ của tao đi, tuyệt cú mèo luôn, bảo đảm hạnh phúc trăm phần trăm, thật đấy.
Mình quay lại đảo Cái Bầu được một tuần thì nhận lệnh về quân chủng nhận tài liệu đổi mới khí tài, đi học chuyển loại khí tài mới rồi đi bắn đạn thật ở Trũ, hơn ba tháng sau mới về đơn vị. Về tới nơi đã thấy thư thằng Kiểm nằm chờ hơn ba tháng rồi. Tiểu đoàn trưởng nói thằng Kiểm ở sư bộ gọi mày liên tục, tao nói mày đi công tác rồi nó vẫn không tin, gọi suốt ngày.
Mình bóc thư thằng Kiểm ra xem: Tao cần tiền để in tập thơ, bảo đảm tập này ra thì các nhà thơ đương đại nước ta sẽ chết như gián. Tao quyết định hoãn cưới vợ để dành tiền in tập thơ. Mày có tiền cho tao mượn 3-5 ngàn, nếu mày không có thì mượn ai đó giùm tao. Gấp đấy nhé.
Từ khi đi học rồi đi lính, tiền là một cái gì rất xa lạ với mình. Vài trăm đồng cũng chả có đừng nói vài nghìn đồng. Tuy vậy mình cứ gọi điện cho thằng Kiểm xem thế nào. Thuở bé đến giờ mình mới nghe nói lấy tiền cưới vợ để in thơ. Thời này tiền cưới vợ là cái gì đó rất nghiêm trọng, thiêng liêng nữa. Nhiều anh vì không tiền cưới vợ mà phải chịu cảnh ế vợ. Thằng Kiểm cũng một lần thế rồi, nó còn lạ gì nữa. Chả hiểu thằng này nghĩ thế nào mà liều thế.
Suốt tuần không gọi được, chủ nhật mình lọ mọ về sư đoàn. Tới nơi mới biết thằng Kiểm đã được về trung đoàn bộ ở Hòn Gai. Cái quán nước chè của cô bồ nó cũng biến mất tiêu. Mình hỏi mấy ông cảnh vệ, họ bảo cô bé lấy chồng rồi, nhổ quán đi theo chồng. Mình thở phào nhẹ nhõm, nghĩ bụng thằng Kiểm đã cưới vợ rồi chứ không điên rồ lấy tiền cưới vợ in thơ nữa, thôi thì cũng may cho nó.
Tháng sau mình có lệnh về sư 375 Đà Nẵng, khoác ba lô bám ô tô về Hòn Gai, từ đây bắt ca nô về Hải Phòng rồi mới đi tàu hỏa về Hà Nội được, đi lại ngày xưa vất vả phức tạp thế đó. Đang ngồi uống nước chè dưới chân núi Bài Thơ chợt thằng Kiểm lù lù xuất hiện, nó vỗ vai mình một cái cực mạnh, nói giời ơi ông đi đâu tới đây!
Anh em vào quán rượu nhỏ làm đôi chén rượu suông. Mình hỏi vợ ông đâu rồi? Nó bảo vợ nào. Mình nói thế không phải ông tính cưới cô bé thơ tứ tuyệt à. Nó khẽ gật đầu cười nhạt, nói ừ cũng tính thế nhưng bây giờ khác rồi. Mình hỏi khác thế nào. Nó kể cô bé đưa tiền cưới cho nó, cả thảy hơn chục nghìn chứ không ít, nói chừng này tiền cưới em có đủ không. Nó ôm cô bé suýt khóc, cảm động quá không biết nói sao.
Vừa lúc thằng Kiểm gặp ông nhà thơ tỉnh, ông này tán thế nào mà nó dám bỏ cả đống tiền cưới ra in chung tập thơ với ông đó. Cô bé cũng nhất trí lấy tiền cưới in ba ngàn cuốn thơ, cô còn tính nhanh như chớp, một cuốn lời 5 đồng, ba ngàn cuốn lời 15 ngàn, buôn trầm cũng lời đến thế thôi.
Mình hỏi thằng Kiểm, tập thơ đâu rồi? Nó thở dài, bảo tao tặng mãi cũng chỉ hết 500 cuốn, còn hai ngàn rưỡi cuốn bỏ xó nhà chẳng biết làm gì cả. Mình hỏi thế còn cô bé? Thằng Kiểm ngồi im không nói, mình hỏi đi hỏi lại nó mới thở hắt ra, nói lấy chồng rồi. Mình hỏi lấy ai, nó bảo lấy cái ông cho cô bé mượn tiền cưới tao. Tiền hết, không cưới được tao, bắn súng không lên phải đền đạn, tội nghiệp cô bé phải chấp nhận làm vợ lẽ ông chủ nợ.
Thằng Kiểm ngửa mặt nhìn trời, hai mắt mở to long lanh, hai cánh mũi phập phồng y như cái đêm nó nghe đài nhắc thơ nó. Thốt nhiên thằng Kiểm bật khóc, nó cứ ngồi thế khóc tu tu. Lát sau nó gạt nước mắt nốc cạn ly rượu, nói tao cũng bỏ thơ rồi, từ nay ỉa vào thơ phú nữa.
Nguyễn Quang Lập
Bình luận (0)