Vóc dáng một nền mỹ nghệ từ những cổ vật gỗ

04/04/2006 23:05 GMT+7

Nhà Nguyễn chấm dứt đã hơn 60 năm qua và những kiểu đồ gỗ gia dụng thời đó như bàn ghế, tủ thờ, khay rương, thước guốc, tứ bình, sập gụ... nay đã vắng bóng trong các gia đình hiện đại.

Để công chúng nhìn thấy tận mắt những hiện vật xuất thân từ một thời hoàng kim của nền mỹ thuật thủ công đồ gỗ, một cuộc trưng bày chuyên đề Cổ vật gỗ thời Nguyễn vừa khai mạc hôm qua 4/4/2006 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1).

Số cổ vật này gồm gần 200 món. Có món hiện do bảo tàng lưu giữ như chiếc Long đình sơn son thếp vàng, cao quá đầu người, chạm khắc đề tài tứ linh, hoặc bàn gỗ cẩn ốc theo kiểu "bàn thầy đồ" xưa, khay chữ "Thọ" chạm trổ hoa lá bao quanh, khám thờ chạm lộng cẩn ngà. Nhiều cổ vật khác nằm trong sưu tập tư nhân như: hộp đựng sớ tấu do cụ Vương Hồng Sển sưu tầm trước đây, hoặc rương (cẩn ốc) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, hộp đựng sắc phong của linh mục Nguyễn Hữu Triết.

Để người xem có dịp tìm hiểu, hồi tưởng xa hơn về những bước thăng trầm của đồ gỗ Việt Nam, bà Trần Thị Thúy Phượng - tân giám đốc và TS Phạm Hữu Công - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM, đã cùng giới thiệu và khẳng định giá trị bất biến của các sản phẩm do nghệ nhân thời Nguyễn chế tác với các thủ pháp chạm nổi, chạm chìm, chạm lộng hoàn toàn bằng thủ công nhưng rất tinh vi, tỉa tót tỉ mỉ, sống động. Kỹ thuật sơn thếp và cẩn khảm với việc sơn son, thếp vàng, cẩn ngà, cẩn ốc xà cừ, cẩn xương, thể hiện đề tài trang trí công phu như tứ thời, bát bửu, bát tiên, ngư tiều canh mục, công hầu lộc tước: "Khi nhắc đến đồ xưa thời Nguyễn, nhiều người trong các bạn trẻ liên tưởng đến kinh đô Huế như nơi xuất phát của tất cả các món đồ gỗ quý. Thật ra trong suốt 143 năm tồn tại của triều Nguyễn đã có hàng vạn hàng triệu sản phẩm đồ gia dụng, đồ thờ cúng, đồ mỹ nghệ được sản xuất trên khắp các miền đất nước. Có thể kể đến những "chiếc nôi" nổi tiếng như Đồng Giao ở Hải Dương, Đồng Kỵ ở Bắc Ninh, Phú Xuyên ở Hà Tây, Mỹ Xuyên ở Thừa Thiên, Gò Công ở Gia Định. Một số khiêm tốn đang có mặt trước mắt các bạn". Đó là những cuốn thư - bao lam của nhà sưu tập Trần Anh Dũng, sập chạm của Nguyễn Thị Tú Anh, hộp cẩn ốc của Lê Quốc Lập. Người xem cũng có dịp quan sát những đồ gỗ nay đã trở nên hiếm thấy như: trang thờ do Trần Văn Hùng sưu tập, tủ thờ do Lê Văn Nhã - Nguyễn Thị Lê sưu tập, quả đựng đồ lễ do Nguyễn Văn Dòng sưu tập, hộp đựng trà do Nguyễn Trọng Cơ sưu tập, hộp đựng ấn do Nguyễn Văn Phẩm sưu tập, chân chò do Nguyễn Anh Kiệt sưu tập. Chừng đó chủ yếu mới chỉ giới thiệu những hiện vật thuộc đồ gia dụng và thờ cúng, tuy vậy vẫn giúp hình dung lại một phần nào bóng dáng xưa kia của một thời đồ gỗ còn lên ngôi và chưa bị đồ nhựa, đồ kim loại thời nay lấn át. Trưng bày kéo dài đến tháng 10 năm nay. Và tiếp đó, một cuộc trưng bày đồ gỗ cung đình Việt Nam hứa hẹn sẽ mở ra vào dịp xuân Đinh Hợi 2007 - như công chúng mong đợi?

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.