Với tàu ngầm mới, Ấn Độ chính thức có sức mạnh 'bộ ba hạt nhân'

Bảo Vinh
Bảo Vinh
06/11/2018 13:29 GMT+7

Tàu ngầm hạt nhân tự đóng đầu tiên của Ấn Độ, chiếc INS Arihant đã hoàn thành chuyến chạy thử cuối cùng trên biển và Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố chiếc tàu đã sẵn sàng để đưa vào biên chế.

Thủ tướng Narendra Modi ngày 5.11 thông báo tàu ngầm hạt nhân INS Arihant đã kết thúc thành công chuyến tuần tra răn đe đầu tiên. Theo tờ Times of India, đây là chuyến chạy thử dài ngày cho tàu có trang bị tên lửa hạt nhân.
Với việc thử nghiệm thành công, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ giờ có khả năng phóng tên lửa hạt nhân từ trên bộ, trên không và dưới biển trong tình huống khẩn cấp. Nói cách khác, hiện Ấn Độ đã sở hữu đầy đủ sức mạnh của "bộ ba hạt nhân".
Ông nhấn mạnh năng lực này cực kỳ quan trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Trong thời đại này, việc sở hữu khả năng răn đe hạt nhân đáng tin là điều cần thiết trong từng giờ, từng phút. Thành công của tàu INS Arihant cho chúng ta lời đáp trả phù hợp cho những kẻ ấp ủ kế hoạch đe dọa bằng hạt nhân”, ông Modi viết trên Twitter.
Hiện tại cả "ngũ đại ca hạt nhân", gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Anh, đều đã sở hữu bộ ba hạt nhân. Có thông tin Trung Quốc đã bắt đầu đưa tàu ngầm mang vũ khi hạt nhân ra tuần tra biển bào năm 2015.
Láng giềng kiêm đối thủ của Ấn Độ là Pakistan vào năm 2017 cũng đã thử nghiệm tên lửa Babur phóng từ tàu ngầm, và đang trong giai đoạn hoàn tất năng lực bộ ba hạt nhân.
Tàu INS Arihant có lượng choán nước 6.000 tấn, được phát triển từ 3 thập niên trước và chi tiết chương trình được giữ bí mật. Theo trang Military-Today, tàu Arihant mang theo 4 tên lửa đạn đạo K-4 tầm bắn 3.500 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Bên cạnh đó, tàu cũng có thể chở theo 12 tên lửa đạn đạo K-15 tầm bắn 700-1.900 km, cùng 6 ngư lôi 533 mm.
Hải quân Ấn Độ hiện đang hoạt động một tàu ngầm hạt nhân khác là chiếc INS Chakra thuê của Nga. Tàu ngầm này mang theo tên lửa hành trình nhưng không được trang bị tên lửa hạt nhân theo hiệp ước quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.