Vội vã đốn rừng làm dự án nuôi bò

01/04/2017 06:49 GMT+7

Hàng trăm héc ta rừng ở Phú Yên được giao cho một doanh nghiệp để làm dự án nuôi bò, thế nhưng trong khi chưa có phương án trồng rừng thay thế theo quy định thì hơn chục héc ta rừng đã bị đốn hạ...

Theo thông tin từ tỉnh Phú Yên, dự án do Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên (gọi tắt là Công ty Thảo Nguyên) làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 468 ha đất rừng, trong đó có hơn 271 ha rừng tự nhiên tái sinh tại tiểu khu 310 và 311 thuộc xã Sông Hinh (H.Sông Hinh). Công suất giết mổ, chế biến của dự án là hơn 30.000 con bò/năm. Tỉnh Phú Yên đã giao nhiệm vụ cho Sở NN-PTNT tỉnh cùng Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Hinh triển khai thực hiện thông qua đấu thầu khai thác gỗ. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm, đã thuê nhân công vào khu vực này phát dọn khoảng 11 ha để “bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư”.
Rừng tái sinh hay phòng hộ ?
Theo ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khu rừng này trước đây là rừng tự nhiên, đã phát dọn trắng để làm lòng hồ. Nhưng do thay đổi giảm cao trình ngập của hồ chứa thủy điện Sông Hinh, 2 tiểu khu này không nằm trong vùng ngập của hồ nên rừng ở đây qua nhiều năm đã tái sinh. Hiện trạng thực tế khoảng hơn 30 ha là rừng trung bình có nhiều dây leo, bụi rậm, cây có đường kính trên 20 cm thì nằm rải rác thuộc gỗ tạp nhóm từ 6 - 8, và một số cây chò non đường kính dưới 20 cm. Toàn bộ khu rừng thuộc 2 tiểu khu nói trên đã được UBND tỉnh quy hoạch là rừng sản xuất từ năm 2007 do BQL rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý. “Tôi khẳng định, rừng của 2 tiểu khu 310 và 311 là rừng tái sinh, quy hoạch là rừng sản xuất chứ không phải rừng phòng hộ đầu nguồn”, ông Thế nói và cho biết: “Việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của 2 tiểu khu này cho dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao là một chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã được HĐND tỉnh Phú Yên ban hành nghị quyết từ năm 2016, đúng trình tự quy định pháp luật. Dự án này đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt ĐTM)”.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, diện tích đất sẽ giao cho Công ty Thảo Nguyên là hơn 468 ha, trong đó có hơn 271 ha đất có rừng tái sinh, còn lại đất trống cỏ tranh và rừng trồng. Trong Quyết định 2133/QĐ-BTNMT của Bộ TN-MT về phê duyệt ĐTM cũng xác định diện tích trồng cỏ hơn 300 ha, diện tích rừng khoanh nuôi, quản lý bảo vệ và rừng chừa lại làm băng hơn 84 ha.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên, đã đến khu vực rừng này để tìm hiểu, quan sát. Qua đi thực tế, ông Hữu cho biết: “Tôi hơi ngạc nhiên, vì việc phát rừng để trồng cỏ nuôi bò thì hồi giờ không có. Đây là rừng phòng hộ nên chúng tôi đã có ý kiến từ đầu, bởi vì rừng Phú Yên hết rồi, mà động tới rừng là rất nhạy cảm. Nếu phát dọn rừng thì sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp tục phá. Rừng này xác định rừng phòng hộ vành đai thủy điện, mà rừng phòng hộ là đầu nguồn nên bất khả xâm phạm để giữ rừng, không có kiểu chuyển đổi mục đích sang trồng cỏ, mà đã trồng cỏ thì không thể trồng lại rừng được”.
Ông Hữu cho rằng UBND tỉnh Phú Yên không sát thực tế của khu rừng này nên bị người ta lợi dụng để tàn phá. “Tỉnh, T.Ư nên xem xét lại, trước mắt thì nên dừng, bởi thực tế là phá rừng phòng hộ. Đây thực chất là rừng, chứ không phải rừng tái sinh gì hết. Dân ở đây không đồng tình nhưng không dám nói. Đây là phát sinh tiêu cực mới nhất về rừng, trong khi Thủ tướng đã có quyết định cấm cửa rừng thì mình đi làm chuyện này là không trúng”, ông Hữu nói.
Một gốc cây đường kính cả nửa mét bị đốn hạ Ảnh: Đức Huy
Đi ngược tinh thần chỉ đạo của T.Ư
Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết báo cáo ĐTM dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” ở Phú Yên được Bộ phê duyệt vào tháng 9.2016. Trong đó có nêu rõ chỉ được triển khai dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng, tại cuộc họp ngày 30.3, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận đã làm chưa tốt vì chưa hoàn thiện phương án trồng rừng thay thế, chưa xử lý, giải quyết dứt điểm các hộ dân lấn chiếm rừng (còn khoảng 20 hộ), dẫn đến một số hộ dân khiếu kiện.
Trả lời Thanh Niên, chiều 31.3 một lãnh đạo Vụ Bảo tồn thiên thiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), bức xúc cho rằng trong bối cảnh rừng đang suy giảm về diện tích và chất lượng thì dù Phú Yên khẳng định có cấp phép cho doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo đúng quy trình đi nữa cũng đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 13 - CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành ngày 12.1.2017, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bởi lẽ chỉ thị này đã nêu rõ, trước khi phê duyệt bất cứ dự án phát triển kinh tế xã hội nào, dù là thủy điện, khai khoáng, du lịch, sản xuất kinh doanh… cũng phải cân nhắc đến mức độ, quy mô thiệt hại của diện tích rừng, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai. Chỉ thị này cũng yêu cầu các địa phương phải bảo vệ và quản lý nghiêm các diện tích rừng đang có, kết hợp với biện pháp trồng mới, phục hồi và tái sinh rừng tự nhiên. Đặc biệt, chỉ thị nhấn mạnh, không cho phép chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang các mục đích sử dụng khác, trừ các dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết phải do Thủ tướng phê duyệt. “Trong số diện tích rừng được cấp phép chuyển đổi có rừng tự nhiên tái sinh, nếu chặt phá là trái với nguyên tắc bảo tồn, phá vỡ đa dạng sinh học và chủ trương bảo vệ phát triển diện tích rừng hiện nay”, vị này bày tỏ quan điểm.
Ông Đoàn Hoài Nam, Cục phó Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cũng thẳng thắn cho rằng UBND tỉnh Phú Yên cần xem xét và đánh giá lại toàn bộ quá trình cấp phép cho doanh nghiệp triển khai dự án để cân nhắc có nên đánh đổi diện tích rừng cho dự án này không. Khi mà trong chỉ đạo đóng cửa rừng gần đây, Thủ tướng khẳng định không đánh đổi rừng để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Cục Kiểm lâm đã giao cho Chi cục Kiểm lâm Vùng 4, đóng tại tỉnh Đắk Lắk vào cuộc kiểm tra và thống kê diện tích rừng bị đốn hạ cho dự án chăn nuôi bò.
Chính phủ chỉ đạo kiểm tra
Ngày 31.3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra, làm rõ thông tin về việc phá rừng để triển khai dự án nuôi bò thịt chất lượng cao ở Phú Yên, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 20.4.
Chiều cùng ngày, Bộ NN-PTNT cho biết ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực của Bộ đã ký văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên dừng dự án chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên cho doanh nghiệp sử dụng với mục đích chăn nuôi bò trên địa bàn H.Sông Hinh. Trong văn bản này, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì thanh tra việc chuyển đổi diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án chuyển đổi rừng tự nhiên để chăn nuôi bò thịt trên địa bàn H.Sông Hinh và thời hạn thanh tra trong vòng 30 ngày. Nếu được Thủ tướng kết luận đồng ý, công tác thanh tra dự án sẽ được Bộ NN-PTNT giao các đơn vị chức năng triển khai ngay trong tuần tới.
Có mỏ vàng ?
Theo người dân, khu vực rừng của 2 tiểu khu 311 và 310 có mỏ vàng. Ông Huỳnh Tấn Lợi ở xã Sơn Thành Đông, H.Tây Hòa (Phú Yên), cho biết từ năm 2008, người dân vào khu vực này đãi vàng thủ công. “Họ vào đây trồng cỏ, có khi nào lợi dụng khai thác vàng không?”, ông Lợi đặt vấn đề. Ông Trần Hữu Thế nói: “Căn cứ vào bản đồ khoáng sản thì khu vực này không có mỏ vàng khoáng sản nào, chỉ là tin đồn. Việc chúng tôi cấp phép cho nhà đầu tư là trồng cỏ nuôi bò chứ không phải cấp phép để khai thác khoáng sản”.
Nguyên lãnh đạo hai công ty lâm nghiệp để mất rừng bị bắt
Ngày 31.3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Phạm Quốc Đính (59 tuổi, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa) về hành vi vi phạm các quy định quản lý và bảo vệ rừng. Trước đó, ngày 28.3, cơ quan này cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Xuân Bảo (58 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Đức, đã giải thể từ tháng 6.2016), Thái Thanh Tâm (55 tuổi, nguyên tổ trưởng tổ quản lý, bảo vệ rừng của công ty này) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo thông tin ban đầu, từ năm 2005, Công ty Gia Nghĩa được giao quản lý hơn 24.000 ha rừng tự nhiên nhưng sau 10 năm để mất gần 9.000 ha. Năm 2008, Công ty Quảng Đức được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng và đất rừng tự nhiên với tổng diện tích gần 14.000 ha, nhưng qua kiểm kê công ty này để mất hơn 2.000 ha rừng.
Trung Chuyên - Ngọc Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.