Volkswagen, gian lận để đổi lấy tham vọng lớn

12/07/2016 06:00 GMT+7

Những cái tên nổi bật như Audi, Bentley, Lamborghini hay Porsche... đều đã nằm dưới trướng của Volkswagen, thể hiện tham vọng lớn hay niềm tin bị đổ vỡ khi thiếu đi sự trung thực trong kinh doanh.

Những cái tên nổi bật như Audi, Bentley, Lamborghini hay Porsche... đều đã nằm dưới trướng của Volkswagen, thể hiện tham vọng lớn hay niềm tin bị đổ vỡ khi thiếu đi sự trung thực trong kinh doanh.

Đưa nhau về ngôi nhà chung
Chiếc xe có biệt danh "con bọ" vang bóng một thời, từng tạo nên cơn địa chấn làm chao đảo thị trường ô tô thế giới, giờ đây Volkswagen, cái tên bắt nguồn từ cảm hứng của trùm phát xít Đức Hitler đã là một tập đoàn ô tô đa quốc gia đồ sộ bậc nhất thế giới, có thời điểm còn qua mặt các ông lớn khác trong ngành công nghiệp ô tô như Toyota đến từ Nhật Bản hay General Motor (GM) của Mỹ.
Tòa tháp xe hơi của Volkswagen hoa lệ trong đêm 
Nếu bạn có cơ hội đến nước Đức thì ngoài việc uống bia và ăn xúc xích Đức thì đừng quên ghé thăm tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô của Volkswagen tọa lạc tại thành phố Dresden, để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng của tòa tháp đôi bọc thép cao chừng 60 mét. Bên trong kiệt tác này chứa hàng trăm chiếc xe vừa mới xuất xưởng với đầy đủ màu sắc, đa dạng phong cách thiết kế trưng bày trong không gian hiện đại. Đây được xem là một biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô của Đức.
Volkswagen là một tập đoàn xe hơi đa quốc gia danh tiếng bậc nhất thế giới thành lập năm 1937, những ông chủ của Volkswagen đang đặt ra tham vọng lớn trên toàn thế giới, bằng việc dần dần thâu tóm các hãng xe khác nhằm cũng cố vị thế, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Hiện tại có đến 10 thương hiệu xe uy tín đang nằm dưới trướng của Volkswagen. Năm 1966, toàn bộ cổ phần của công ty Audi (Đức) nằm trọn trong tay Volkswagen, thương hiệu "bốn vòng tròn" trở thành thương hiệu xe sang đầu tiên thuộc tập đoàn này.
Lần lượt tiếp theo là Lamborhghini, Bugatti và Bentley là các thương hiệu nổi tiếng khác được mua lại vào năm 1998. Ngoài ra bằng những kế sách và biết cách tận dụng tốt cơ hội Volkswagen còn thâu tóm một loạt các hãng xe khác như Seat (Tây Ban Nha), Sokoda (Cộng Hòa Séc - 2000), Man (Đức - 2000), Scania (Thụy Điển - 2007). Ngay cả thương hiệu mô tô danh tiếng Ducati (Ý - 2012) cũng về "chung một mái nhà” Volkswagen.
Những thương hiệu dưới trướng tập đoàn Volkswagen
Đã có một cú lội ngược dòng ngoạn mục khi Volkswagen đã mua lại 49,9% cổ phần của Porche AG năm 2009. Trước đó, Porsche là kẻ luôn nuôi tham vọng làm chủ tập đoàn Volkswagen khi đã mua được 51% cổ phần. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã khiến Porsche lâm vào tình cảnh khó khăn và phải tìm đến sự trợ giúp của Volkswagen và nhờ đó cơ hội đến với “gã khổng lồ Đức”.
Sự phát triển sẵn có của các thương hiệu con vốn dĩ đã rất nổi tiếng và thành công, giờ đây lại nằm dưới sự quản lý của Volkswagen chính là điều kiện rất tốt để tập đoàn này nâng cao doanh số bán hàng của mình.
Doanh số Volkswagen vẫn tăng trưởng bất chấp thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008
Với 9,91 triệu xe bán ra trong năm 2014, hãng xe Đức đã qua mặt Toyota 9,81 triệu xe để độc chiếm ngôi vị số 1 trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Đây là mốc son đánh dấu sự biến chuyển lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử một hãng ô tô châu Âu dành danh hiệu này. Sở dĩ, tập đoàn Volkswagen có được thành công như vậy phần lớn nhờ vào các thương hiệu con, trong đó phải kể đến Audi, Sokoda với doanh số bán ra luôn ở mức cao.

Niềm tin bị đánh mất

Năm 2015, Volkswagen đã gây ra một cơn địa chấn trong ngành sản xuất ô tô thế giới, nó tương tự như những “con bọ” đã làm được ở thế kỷ trước nhưng là với chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Cái ống xả ô tô là chủ đề nóng để bắt nguồn khơi mào cho những sự thật bị phanh phui, đó chính là vụ bê bối gian lận khí thải lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Liệu Volkswagen có vượt qua được thời kỳ đen tối của mình?

Từ cái thời mà "con bọ" tung cánh vượt Đại Tây Dương mang đến cho người Mỹ cảm xúc mới về xe hơi, thì chẳng có ai nghĩ được rằng lại có lúc các ông bạn Đức lại chơi xỏ "ngươi Mỹ trầm lặng" một vố đau như vậy. Cả ngành công nghiệp ô tô thế giới đã bị sốc trước âm mưu của "gã khổng lồ" xe hơi đến từ xứ sở men nồng của bia và vị ngon nổi tiếng của xúc xích.

"Người ta nói giấu đầu hở đuôi" và ở đuôi những chiếc xe có cái ống xả, vụ việc được phát hiện nhờ một nhóm nghiên cứu tại Mỹ khi lượng khí thải từ những chiếc ô tô sử dụng động cơ diesel của Volkswagen cao hơn gấp nhiều lần so với các so liệu đã công bố. Từ manh mối đó một bí mật động trời đã bị phanh phui, để qua mắt các cơ quan kiểm tra môi trường về khí thải, một phần mềm gian lận đã được gắn vào một số dòng xe của Volkswagen.

Vừa vươn lên ví trí số 1 thế giới trước đó vài tháng, Volkswagen đã tụt dốc không phanh chỉ vì tham vọng của mình mà phớt lờ đi tính trung thực trong kinh doanh. Sự việc ảnh hưởng đến uy tín kéo theo đó là sự sụt giảm doanh số bán hàng lần đầu tiên trong hơn 10 năm trở lại đây. Niềm tin của khách hàng ở các thị trường như: Nga, Brazil, Nam Mỹ, Trung và Đông Âu bị sụp đổ, minh chứng là doanh số giảm mạnh nhất, tính đến tháng 11 năm 2015 số xe bán ra là 5.335.700 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2014. Cổ phiếu của hãng sụt giảm đến 30% chỉ trong vài ngày và đối mặt với án phạt 18 tỉ USD tại Mỹ, cùng với đó phải chi tiền ra để thu hồi xe sai phạm, ngưng bán tất cả những xe chạy bằng diesel.

CEO Martin Winterkorn từ chức sau vụ bê bối gian lận khí thải bị phanh phui

“Nỗi buồn của người này là niềm vui của kẻ khác”, cú sảy chân này của Volkswagen lại là cơ hội ngàn vàng cho các đối thủ lớn như Toyota, GM vươn lên.

“Nhưng trong cái rủi lại có cái may”, may mắn là khi tập đoàn này còn có thị trường Tây Âu, quan trọng hơn là người tiêu dùng tại chính quê nhà Đức vẫn tin tưởng mua xe và cứu cánh tập đoàn này, điều đó được chứng minh khi doanh số ở thị trường này vẫn tăng 9% trong năm 2015.

Vụ scandal của Volkswagen là một cú sốc cho nước Đức, có thể nói nó đã làm sụp đổ một tượng đài trong trái tim công chúng. Là đòn giáng chí mạng vào ngành công nghiệp Đức hay rộng hơn là nền kinh tế còn phụ thuộc vào ngành công nghiệp xe hơi.

Tuy vậy, Người Đức luôn mạnh mẽ, điều quan trọng là họ biết sửa chữa kịp thời sai lầm của mình. Các nhà lãnh đạo của tập đoàn này đã nhanh chóng chi 7,2 tỉ USD khắc phục hậu quả và chính phủ Đức tuyên bố ngành công nghiệp ô tô vẫn là trụ cột của nền kinh tế bất chấp cuộc khủng hoảng Volkswagen.

Những thay đổi trong tương lai của Volkswagen

Một minh chứng đưa ra khi doanh số bán hàng của tập đoàn trong những tháng đầu năm 2016 vẫn tăng trên 5.5%. Điều mà Volkswagen đã làm được là vượt qua làn sóng dư luận, những áp lực để tập trung làm công việc tốt nhất đó là bán càng nhiều xe ra thị trường càng tốt.

Tham vọng phải luôn gắn liền với những mục đích, mưu cầu tốt nhất cho cuộc sống con người đặc biệt là vấn đề môi trường phải được chú trọng. Nếu đi ngược lại với điều này này thì sớm hay muộn bất kì một công ty, tập đoàn dù lớn mức nào cũng không thể tồn tại và phát triển bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.