Vốn ngoại đổ vào ngân hàng nội

28/12/2012 03:50 GMT+7

Hôm qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU). Đây là thương vụ giao dịch lớn nhất từ trước đến nay trong ngành ngân hàng, thu về cho Vietinbank 743 triệu USD.

Vốn ngoại đổ vào ngân hàng nội
Nguồn vốn nước ngoài vẫn đổ vào NH Việt - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhật đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Thị trường chứng khoán (TTCK) hôm qua tiếp tục  tăng điểm khi đón nhận thông tin cổ phiếu Vietinbank (CTG) bán 20% cho đối tác Nhật. Đặc biệt, giá bán CP của Vietinbank cho BTMU đạt 24.000 đồng/CP, cao hơn khá nhiều so với giá trên sàn là 20.300 đồng/CP. Thương vụ thành công này đưa vốn điều lệ của Vietinbank tăng từ 26.217 tỉ đồng lên 32.661 tỉ đồng.

Theo ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, ở thời điểm hiện tại, việc ngân hàng (NH) nội bán được cổ phần cho NH ngoại là cực kỳ thành công. Hiện nợ xấu trong hệ thống NH VN là vấn đề lớn của nền kinh tế. Để giải quyết cần phải có nguồn tiền lớn trong khi ngân sách hạn hẹp, các nhà đầu tư trong nước cũng cạn kiệt. Vì vậy, sự tham gia của dòng vốn từ nước ngoài sẽ góp thêm nguồn lực tài chính để giải quyết được những vấn đề trên. “Những NH nhỏ vẫn có cửa kêu gọi vốn từ các NH nước ngoài chứ không phải chỉ riêng những NH lớn. Bởi NH trong nước vẫn có thế mạnh của riêng mình. Vấn đề là các NH giờ này cũng không nên đòi hỏi giá và các điều kiện khác quá cao như thời điểm cách đây vài năm nữa”, ông Lê Hoàng Anh phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), cho rằng thông tin Vietinbank bán 20% CP cho cổ đông nước ngoài đã khích lệ TTCK khá ảm đạm vào thời điểm cuối năm. Tin này không những là tin vui đối với Vietinbank mà cả đối với ngành NH VN. Cũng với tâm lý lạc quan này, Chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán có trụ sở trên đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM, đánh giá sự kiện này một lần nữa khẳng định dòng vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam trở thành trào lưu.

Trước BTMU vào Vietinbank, đã có 2 NH lớn của Nhật là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15%  cổ phiếu NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Trong một lần gặp gỡ báo chí gần đây, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cũng cho biết Sacombank đang đàm phán với các đối tác nước ngoài để bán 15% cổ phần và khả năng lớn sẽ là các đối tác đến từ Nhật. Điều đó cho thấy, ngành NH trong nước vẫn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật.

Nới "room" để kích sóng ngoại

Trên thực tế, việc vốn ngoại đổ vào NH nội đã "thăng hoa" từ những năm 2006 - 2008. Khá nhiều NH trong nước đã thu hút được thêm vốn từ các NH, tập đoàn tài chính nước ngoài như Citibank, ANZ, HSBC, Sumitomo… Nhưng đến năm 2011 - 2012 khi kinh tế thế giới và Việt Nam khó khăn, những thương vụ kiểu này hầu hết vắng bóng. Đó là lý do, nhiều người kỳ vọng, việc bán 20% cổ phần của Vietinbank sẽ khởi động sự trở lại của dòng vốn ngoại trong các NH nội.

 

Muốn hỗ trợ doanh nghiệp Nhật

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp của các DN Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng. Nhật Bản dẫn đầu trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam và vốn đầu tư chiếm 47% tổng vốn đầu tư FDI (4,92 tỉ USD). Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 3 NH lớn của Nhật có mặt tại Việt Nam. Các NH Nhật tham gia vào thị trường Việt Nam càng nhiều nhằm tăng cường phục vụ các DN Nhật. Không giấu mục đích đầu tư, ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch của BTMU, cho hay: “Việc tham gia vào Vietinbank là một phần trong chiến lược đầu tư của BTMU tại châu Á. BTMU mong muốn tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, một thị trường dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao”.

Theo ông Lê Hoàng Anh, với tỷ lệ sở hữu ở mức 20% thì NH ngoại cũng chưa thể đóng góp gì nhiều, nhất là trong việc tham gia quản trị. NH Nhà nước cũng nên xem xét tăng mức sở hữu vốn của NH nước ngoài tại các NH trong nước. Tốt nhất là có thể cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia và có thể sở hữu tỷ lệ hơn 50% tại một số NH nội. Đây cũng là kiến nghị của nhóm công tác NH (thành viên chủ chốt của nhóm công tác này  gồm các tổ chức tài chính, NH như Standard Chartered, CitiBank, ANZ, HSBC, Deutsche, BNP Paribas, Tokyo - Mitsubishi UFJ, Mizuho, Bangkok, JP Morgan, Maybank và Natixis) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2012, tổ chức đầu tháng 12 vừa qua.

Nhóm công tác trên đưa ra cơ sở rằng: kế hoạch tái cơ cấu NH của Chính phủ (theo Quyết định số 254) đã đề ra định hướng khuyến khích NH nước ngoài tham gia quá trình ổn định, hội nhập của hệ thống NH Việt Nam, bao gồm cả việc tăng sở hữu của NH nước ngoài trong các NH trong nước cần tái cơ cấu. Ngoài ra, kế hoạch của Chính phủ là tăng cường chuẩn mực quản trị, quản lý vốn và quản trị rủi ro của NH trong nước. Nhóm công tác cho rằng, việc tăng sở hữu nước ngoài sẽ là yếu tố thúc đẩy đáng kể tiến trình này. Với mức sở hữu 15 - 20% hiện nay, NH nước ngoài chưa thể có nhiều ảnh hưởng đến vấn đề quản trị của các NH trong nước có vốn nước ngoài, cho dù có thành viên trong HĐQT.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng dù giá CP NH hiện nay khá thấp nhưng với các quy định hiện nay cũng khó để tạo được một trào lưu mới thu hút vốn ngoại vào các NH nội. Muốn thực hiện điều này, phải tăng "room" cho đối tác ngoại. Nếu cho phép các NH trong nước được bán cho cổ đông nước ngoài với tỷ lệ 49% - 50%, bản thân họ sẽ có nguồn tài chính dồi dào, không phải đua lãi suất và tự xử lý được nợ xấu của mình. Còn các NH ngoại được tham gia sâu hơn vào việc quản trị, quản lý vốn của NH trong nước mới đủ hấp dẫn họ bỏ vốn vào NH nội trong bối cảnh kinh tế còn ảm đạm hiện nay.

Thanh Xuân - Mai Phương

>> Vốn ngoại “chảy” vào Bình Dương
>> Kết nối tìm vốn ngoại
>> Tìm vốn ngoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.