Vốn trong dân đầu tư vào đâu?

29/04/2005 00:46 GMT+7

Trước hết cần khẳng định lượng vốn trong dân còn khá lớn. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu cho đời sống bình quân một người 1 tháng của hộ gia đình năm 2004 là 114,4 nghìn đồng, tính ra tổng tích lũy trong dân cư năm 2004 là trên 112 nghìn tỉ đồng.

Trong đó nhiều nhất là Đông Nam Bộ 34 nghìn tỉ, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng 25,5 nghìn tỉ, đồng bằng sông Cửu Long gần 24 nghìn tỉ, Bắc Trung Bộ trên 8 nghìn tỉ, duyên hải Nam Trung Bộ 6 nghìn tỉ, Tây Nguyên 5,5 nghìn tỉ, Tây Bắc nghèo nhất cũng trên 1 nghìn tỉ. Năm 2004 mới thu hút được gần 70 nghìn tỉ, vẫn còn khoảng 42 nghìn tỉ chưa được thu hút vào đầu tư tăng trưởng; nếu kể cả phần tích lũy từ các năm trước chưa được đầu tư dồn chuyển lại nguồn vốn trong dân còn lớn hơn nữa (có chuyên gia ước tính lên đến hàng trăm nghìn tỉ).

Có 10 xu hướng đầu tư vốn mà người dân hiện đang lựa chọn:

Đầu tư kinh doanh dưới hình thức thành lập doanh nghiệp, mở cửa hàng, mua sạp trong chợ hay trung tâm thương mại, làm kinh tế trang trại, mua các đầm tôm, vườn cao su, hồ tiêu, xây dựng khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ cuối tuần... hay góp vốn cùng người khác thực hiện có loại hình kinh doanh đó. Chính sự tăng lên của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng chục nghìn cơ sở kinh tế cá thể... trong thời gian qua đã thể hiện xu hướng này. Vấn đề đặt ra là cần có chính sách làm cho người dân thật sự yên tâm bỏ vốn vào đầu tư trực tiếp, được bảo vệ trong môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đầu tư mua cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Tính đến cuối năm 2004 đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa; dự kiến năm 2005 sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa và tập trung vào các đơn vị lớn, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước. Vấn đề là một mặt cần đẩy mạnh cổ phần hóa, mặt khác khắc phục cổ phần hóa khép kín, thì sẽ thu hút nhiều hơn người dân mua. Một bằng chứng là chỉ trong chưa đầy 1 giờ, hơn 43 triệu cổ phiếu của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã bán được hết với số tiền lên đến 462 tỉ đồng.

Đầu tư vào thị trường chứng khoán tính đến cuối năm 2004 đã có 20,1 nghìn tài khoản cá nhân, tăng 18% so với cuối năm 2003 với tổng giá trị thị trường chiếm khoảng 39%. Vấn đề đặt ra là phải có nhiều hàng hóa hơn nữa để người dân lựa chọn; các công ty niêm yết hoạt động phải có hiệu quả và phải minh bạch công khai để nhà đầu tư trông giỏ bỏ thóc. Tất nhiên đây là thị trường cao cấp, đòi hỏi các nhà đầu tư vừa phải có tính liều, vừa phải có trình độ quan sát và dự đoán hiệu quả hoạt động của công ty niêm yết.

Đầu tư vốn cho người thân đi xuất khẩu lao động bằng vốn của gia đình, vay của người thân, họ hàng, của ngân hàng thương mại. Lượng vốn này không nhỏ, chỉ tạm tính mỗi người 20 triệu đồng, năm 2004 có 67 nghìn người đi xuất khẩu lao động, tính ra đã khoảng trên 1.300 tỉ đồng; năm 2005 sẽ có khoảng 70 - 80 nghìn người, số tiền trên sẽ là 1.400 - 1.600 tỉ; chỉ trong 3 - 4 năm tới sẽ lên đến 100 nghìn người thì số tiền trên sẽ là 2 nghìn tỉ đồng.

Đầu tư vốn cho con em đi du học ở nước ngoài. Tính đến giữa năm 2004, nước ta đã có khoảng 38,5 nghìn du học sinh ở nước ngoài, nếu trừ đi khoảng 5,5 nghìn người du học có học bổng từ các nguồn khác nhau, thì vẫn còn 33 nghìn người du học tự túc. Nếu tính chi phí khoảng 10 nghìn USD/năm/người thì tổng số tiền mỗi năm đã lên đến 330 triệu USD, tính ra VND sẽ là gần 5,2 nghìn tỉ đồng.

Đầu tư vào thị trường bảo hiểm. Đây là kênh thu hút một lượng vốn không nhỏ. Năm 2004, có 1,7 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới được ký kết, đưa tổng số hợp đồng tính đến cuối năm lên khoảng 7,4 triệu. Phí bảo hiểm nhân thọ năm 2000 mới là 1.289 tỉ đồng, đến năm 2004 đã là 8.500 tỉ. Theo dự báo, đến hết năm 2005 sẽ có khoảng 9 triệu hợp đồng và phí bảo hiểm sẽ lên đến 10 nghìn tỉ đồng.

Đầu tư vào bất động sản, căn hộ cao cấp, chung cư cao tầng, mua đất làm trang trại, đấu thầu mua quyền sử dụng đất dự án... chỉ tính số phát sinh trong năm, ở Hà Nội số tiền ngân sách thu được qua đấu thầu quyền sử dụng đất của các dự án năm 2003 đã thu được khoảng 1.500 tỉ đồng; năm 2004, số tiền thu được liên quan đến đất đai là 2.865 tỉ; dự kiến năm 2005 là 3.000 tỉ. Ước tính trong cả nước, số tiền trên lên đến trên 6 nghìn tỉ.

Đầu tư mua trái phiếu kho bạc (công trái, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu địa phương) năm 2004 khoảng gần 9 nghìn tỉ, sẽ tăng lên trong các năm tới.

Đầu tư gián tiếp vào các kênh thu hút tiền gửi khác ngoài kho bạc, như tiết kiệm bưu điện, ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, cầm đồ, tín dụng tư nhân cho vay nặng lãi ở các chợ, ở nông thôn, mua xổ số... Năm 2004, ước tính nguồn thu xổ số trên toàn quốc khoảng trên 4.600 tỉ.

Mua ngoại tệ, vàng để cất trữ hay gửi ngân hàng. Đây chính là số tiền mà người dân không đầu tư vào 9 kênh trên, nên đã dùng để mua ngoại tệ, vàng để đề phòng sự mất giá của VND hoặc dự tính đầu tư lớn hơn trong tương lai.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.