Vụ 231 cái tát vào học sinh: Ai mới là người chịu tác hại nhiều nhất?

30/11/2018 09:30 GMT+7

Cái đáng lo nhất sau vụ việc khiến một giáo viên ở Quảng Bình dùng hình phạt học sinh (HS) phạm lỗi bằng cách cho 23 HS khác mỗi em tát bạn 10 cái trước tập thể không phải là áp lực của thi đua, thành tích, là khoảng trống trong việc chọn lọc và đào tạo ngành sư phạm. Vì những điều này nếu quyết tâm sẽ có những giải pháp phù hợp để chấn chỉnh.

Điều lo nhất chính là cách hành xử này trong môi trường sư phạm sẽ để lại những di hại về mặt ứng xử và nhân cách không chỉ cho HS bị tát mà còn cho cả 23 HS lần lượt thực hiện hành động tát bạn mình trước những người còn lại.
Phát biểu sau vụ việc, người đứng đầu của ngành giáo dục cho rằng: “Bản thân tôi rất buồn khi trong ngành xảy ra hiện tượng như thế”. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành, niềm tin của xã hội vào đạo đức của nhà giáo.

Nói như vậy hoàn toàn không sai nhưng ông Nhạ chỉ nhìn ở khía cạnh của một người “canh cửa”, “bảo vệ” cho ngành giáo dục. Vì thế, ông chỉ dừng lại ở mức lo ngại việc giảm sút uy tín của ngành mà mình là người đứng đầu. Nếu là một nhà giáo dục, nỗi lo lắng, nỗi buồn sẽ hướng đến mối nguy hại của lối giáo dục kiểu đầy bạo lực và sâu xa hơn sẽ là những di hại khôn lường với HS, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Rồi 23 HS lớp 6 này bước vào đời với một trong những hành trang là sẵn sàng tát vào mặt người khác theo kiểu hội đồng mà không cần suy xét thay vì tìm một giải pháp ôn hòa và mang tính giáo dục hơn. Đấy chính là mầm mống khiến bạo lực học đường ngày càng trầm trọng. Còn ngoài xã hội là những hành vi côn đồ, bạo hành, chèn ép kẻ yếu thế… cũng đã đến mức báo động. Còn HS nhận 231 cái tát liệu có quên được “kỷ niệm” đau buồn này khi lẽ ra với em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”? Em hoặc mãi mãi sẽ không bao giờ sống thật với mình, không có chính kiến, sẵn sàng tuân thủ mọi điều và dễ dàng chấp nhận để người khác hành hạ mình. Hoặc ngược lại, em cũng sẽ ứng xử với người khác đầy bạo lực như mình đã từng bị.
Và tất cả những HS này có nguy cơ trở thành những con người chỉ biết vâng lời thực hiện theo tất cả các mệnh lệnh mà không có bất kỳ chính kiến nào.
Đây mới chính là nỗi buồn, nỗi lo thật sự trước những hành vi phản giáo dục chứ không phải là lo uy tín của ngành bị giảm sút như trăn trở của bộ trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.