Vụ án cầu thủ Đồng Nai bán độ: Cái nhìn âu lo từ các đội bóng V-League

11/03/2016 20:44 GMT+7

Vụ án bán độ của nhóm cầu thủ Đồng Nai bị đưa ra xét xử đúng vào thời điểm V-League 2016 đang khởi tranh. Sự trùng hợp về mặt thời gian, vô hình chung sẽ tác động mạnh mẽ đến các CLB bởi đó chính là bài học nhãn tiền mà bất kỳ ai trong cuộc cũng phải tự rút ra cho riêng mình, cho CLB mình.

Vụ án bán độ của nhóm cầu thủ Đồng Nai bị đưa ra xét xử đúng vào thời điểm V-League 2016 đang khởi tranh. Sự trùng hợp về mặt thời gian, vô hình chung sẽ tác động mạnh mẽ đến các CLB bởi đó chính là bài học nhãn tiền mà bất kỳ ai trong cuộc cũng phải tự rút ra cho riêng mình, cho CLB mình.
Đến…Tôn Ngộ Không cũng khó nắm bắt được tư tưởng cầu thủ
Phạm Hữu Phát cùng các 'đồng đội' đứng trước tòa - Ảnh: Lê Lâm
Ông Trần Mạnh Hùng - chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng theo dõi rất kỹ từng thông tin trên báo chí về vụ xét xử tại Đồng Nai trong ngày 11.3. Ông Hùng nói: “Hành động xấu của một nhóm người gây ra hệ lụy khôn lường của cả một đội bóng. Nếu năm 2014, Phạm Hữu Phát không rủ rê đồng đội thì có thể những cầu thủ còn lại đã không bị nhúng chàm.
Và Đồng Nai đã không bị lao đao lực lượng đến mức thi đấu bết bát trong suốt mùa giải 2015 và việc họ không trụ nổi hạng cũng xuất phát từ nguồn cơn trên.
Chẳng ai dám nói lãnh đạo CLB hay Ban huấn luyện đội Đồng Nai hồi ấy bỏ bê việc quản lý cầu thủ. Bởi tôi tin rằng, không có đội nào không cố gắng quản lý thành viên. Nhưng biết làm sao được khi cầu thủ đã cố tình bán đứng danh dự đội bóng, để lấy những đồng tiền không trong sạch. Cũng là một người làm bóng đá nên tôi cảm thấy rất chua xót”.
Cũng giống như tất cả các CLB khác, Hải Phòng đưa ra nội quy sinh hoạt, tập luyện và thi đấu hết sức nghiêm túc, bài bản. Theo ông Hùng: “Bóng đá có tính đặc thù, khác với nhiều nghề trong xã hội. Nếu không có quy định chặt chẽ về giờ giấc, sẽ không đảm bảo cho cầu thủ một nền tảng thể lực tốt, đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Mỗi tuần, Hải Phòng họp đội một lần với nội dung riêng biệt là giáo dục tư tưởng, đạo đức. Chúng tôi tạo ra khuôn khổ bởi không muốn cầu thủ dính dáng gì đến bán độ, cá độ và những hình thức tiêu cực khác”.
Nhưng ông Hùng cũng thừa nhận: “Tuy nhiên, việc quản lý là một chuyện. Hiệu quả có được như mong muốn của lãnh đạo CLB hay không lại là một chuyện khác. Chúng tôi vẫn cực kỳ lo lắng khi xã hội quá nhiều tệ nạn, nhiều cạm bẫy mà mình không thể kiểm soát được cầu thủ 100%. Có rất nhiều thứ tác động từ khách quan khiến cầu thủ dễ bị hư. Mà nói thật lòng là tư tưởng cầu thủ thì có…Tôn Ngộ Không chui vào đầu đi chăng nữa cũng khó mà nắm bắt được. Vì thế, tôi chẳng dám khẳng định, tệ nạn tiêu cực ở bóng đá Việt Nam sẽ sớm mất đi. Bao nhiêu vụ án, với bao nhiêu cầu thủ bị đưa ra tòa mà rồi vẫn xảy ra chuyện nọ chuyện kia. Tại sao vậy? Vì cầu thủ không biết sợ là gì!”.
Hãy tỉnh táo bởi tiền bán độ sao so được với lương và hợp đồng
Nguyễn Thành Long Giang, từng là một cầu thủ trẻ được đánh giá cao về chuyên môn, là tuyển thủ quốc gia, đứng trước vành móng ngựa - Ảnh: Lê Lâm
Thời điểm đội Đồng Nai bán độ trận đấu với Than Quảng Ninh mùa 2014, HLV Phạm Như Thuần vẫn còn là người của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Giờ dẫn dắt đối tác cũ của Đồng Nai, cựu tuyển thủ quốc gia chia sẻ: “Bóng đá Việt Nam mất hình ảnh ít nhiều vì những vụ án kiểu như vụ án liên quan đến nhóm cầu thủ Đồng Nai.
Họ đều là những cầu thủ có trình độ, trong đó Nguyễn Thành Long Giang còn từng được gọi vào đội tuyển U.23. Ấy vậy mà chỉ vì lòng tham nên họ đã để đánh mất tất cả. Bị tù tội, bị treo giò vĩnh viễn. Xét về kinh tế, đồng tiền từ bán độ không thể so với mức lương hay hợp đồng với CLB. Còn về danh dự, sự nghiệp thì không có gì có thể so được cả khi đã mất hết.
Tôi hy vọng không chỉ các cầu thủ của mình mà cầu thủ của các đội khác hãy coi đó là bài học xương máu. Tôi vẫn thường nói với cầu thủ Than Quảng Ninh rằng, đừng có nghĩ nếu là trận giao hữu thì nếu bán độ sẽ không sao. Đã vi phạm luật pháp thì dù ở trận nào cũng bị khép tội và phải trả giá rất đắt. Tiêu cực bây giờ không chỉ thuần túy là bán độ thắng thua mà còn là cố tình bị thẻ vàng, cố tình bị thẻ đỏ. Dễ dàng như thế nên nếu không tỉnh táo, không khôn ngoan, rất dễ đưa tay xuống bùn đen. Cầu thủ hãy trân trọng mình, trân trọng khán giả, nghề nghiệp, gia đình và nghĩ đến hậu quả tai hại mà bán độ đem lại”.
Kiểm soát cầu thủ từ tin nhắn điện thoại
Ông Cao Văn Chóng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nêu quan điểm: “Là nhà tổ chức những giải bóng đá lớn nhất Việt Nam, chúng tôi rất mong mỏi các CLB, các cầu thủ hãy nhìn vào phiên tòa xử cầu thủ Đồng Nai để từ đó cảnh giác và nói không với tiêu cực.
Chúng tôi kêu gọi tính tự giác của tất cả các thành viên của mùa giải. Mong muốn mỗi người hãy vì trách nhiệm với chính CLB, với cả nền bóng đá nước nhà để sống và làm việc theo pháp luật”.
Các bị cáo trong vụ Đồng Nai bán độ đang nghe tuyên án - Ảnh: Lê Lâm
Ngoài việc khuyến cáo cầu thủ, kể từ mùa 2016, VPF đã quyết định hợp tác với công ty cảnh báo cá cược quốc tế Sportradar (có trụ sở ở Thụy Sỹ) nhằm phòng chống tối đa tệ nạn tiêu cực. Dựa trên thế mạnh khai thác dữ liệu từ internet, Sportradar dễ dàng phát hiện những giao dịch đáng ngờ, số dư tài khoản, tin nhắn điện thoại, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…) của các cá nhân liên quan cũng như các số liệu, thông tin từ nhà cái.
Nếu phát hiện có những diễn biến bất thường ở các trận đấu tại mùa bóng 2016, Sportradar sẽ cung cấp thông tin cho đơn vị đối tác là VPF. Từ đó, VPF sẽ có giải pháp xử lý tiếp theo với từng trường hợp cụ thể.
Ngược lại, khi VPF muốn có cơ sở dữ liệu về một trận đấu mà VPF thấy nghi ngờ, VPF cũng hoàn toàn có thể yêu cầu Sportradar cung cấp những thông tin cần thiết. Sportradar sẽ quản lý, giám sát các cầu thủ nhưng sẽ tránh vi phạm việc xâm phạm quyền riêng tư của người khác.
Ông Cao Văn Chóng cho hay: “VPF mong muốn mang đến cho khán giả những trận đấu công bằng, lành mạnh. Việc giáo dục tư tưởng cho cầu thủ cũng sẽ trở nên có hiệu quả hơn. Các CLB cũng sẽ có cơ sở để nắm bắt, quản lý và cảnh báo các cầu thủ của mình khi có thông tin bất thường. Ngoài ra, nếu có trường hợp đáng tiếc xảy ra, VPF sẽ xử lý một cách nghiêm túc, quyết liệt và mạnh tay”. 
Theo cáo trạng, trước trận đấu lượt về vòng 21 V-League 2014 với Than Quảng Ninh, đội Đồng Nai được 22 điểm, xếp thứ 6/12 đã chắc chắn trụ hạng, Phạm Hữu Phát nảy sinh ý định dàn xếp tỷ số trận đấu lấy tiền tiêu xài.

Ngày 10.7.2014, Phát gặp Trần Văn Ba (31 tuổi, ngụ Đồng Nai) gạ bán kết quả tỷ số trận đấu (diễn ra ngày 20.7.2014 tại sân Cẩm Phả - Quảng Ninh), ba ngày sau hai người gặp lại nhau và thỏa thuận bán với giá 400 triệu đồng, nếu thành công Phát sẽ cho Ba 50 triệu đồng.

Cựu đội trưởng CLB bóng đá Đồng Nai Phạm Hữu Phát bị tuyên án 6 năm tù - Ảnh: Lê Lâm

Ba rủ đỗ Đỗ Hoàng Hà (29 tuổi), Trần Đình Hải (27 tuổi, cùng ngụ Đồng Nai) và Đồng Văn Vĩnh (người quen của Hải) tham gia. Sau đó Vĩnh "bán" tỷ số trận đấu này cho Nguyễn Phúc Thuận (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) giá 200 triệu đồng. Khi giao tiền của Thuận cho Ba, Vĩnh nói nếu lật kèo phải trả lại cho Vĩnh 800 triệu đồng gồm tiền gốc và phạt gấp ba lần đồng thời yêu cầu Ba viết giấy nợ tiền. Ba tiếp tục liên hệ bán độ cho một người tên Duy (ngụ TP.HCM) được 150 triệu đồng.

Ngày 16.7.2014, Ba đưa cho Phát 325 triệu, giữ lại 25 triệu tiêu xài. Hai bên thỏa thuận nếu Phát lật kèo thì phải trả cho Ba 1,2 tỉ đồng. Số tiền trên Phát gửi mẹ 275 triệu đồng cất giữ, số còn lại tiêu xài.

Tối 19.7.2014, khi cả đội có mặt tại Quảng Ninh chuẩn bị cho trận đấu, Phát bàn bạc với các cầu thủ Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến, Nguyễn Thành Long Giang (CLB bóng đá Đồng Nai) cùng nhau bán độ, cả nhóm thống nhất đặt 200 triệu đồng đánh "tài hiệp 1” (tức tổng số bàn thắng có 2 bàn trở lên) và giao cho Trung gọi điện cho Nguyễn Văn Tương (29 tuổi, TP HCM) đặt cược.

Ngày 20.7.2014, Tương liên tục lên mạng xem nhà cái ra kèo và cá độ giúp nhóm Trung số tiền 210 triệu đồng, tỷ lệ 1 ăn 0,7 (cược 1 triệu đồng thắng 700 ngàn đồng). Ngoài ra, do được Trung tiết lộ tỷ số trận đấu nên Tương đã ra quán cà phê gạ khách bắt độ thu lợi 12 triệu đồng. Thuận cũng nhờ người tham gia cá cược trên mạng gần 122 triệu đồng, Ba cá cược 164 triệu đồng.

Chiều 20.7.2014 , trước khi trận đấu diễn ra Phát thông báo cho nhóm cầu thủ tham gia cá độ rằng mình đã cược thêm 100 triệu đồng nữa (thật ra Phát không cược thêm mà dối vậy nhằm động viên các cầu thủ thi đấu đảm bảo kết quả trận như đã dàn xếp). Khi ra sân khởi động, Giang nói với Lưu Phan Thế Sơn (đá trung vệ): "Bọn anh đánh “tài hiệp một”, Than Quảng Ninh thắng, em giúp anh, về anh cho em sau". Sơn bảo: "Vâng, anh cứ đá đi".

Kết thúc hiệp 1, Than Quảng Ninh thắng Đồng Nai với tỷ số 3-1, chung cuộc Than Quảng Ninh thắng 5-2. Ngay khi trận đấu kết thúc các cầu thủ bán độ đã bị Cục cảnh sát Hình sự (C45B) bắt giữ. Quá trình điều tra các cầu thủ đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đồng thời các cầu thủ Phát, Trung, Giang và Thiện còn khai nhận trước đó từng bán độ ở trận Đồng Nai làm khách tại Thanh Hóa (ngày 3.5.2014), với số tiền 50 triệu đồng, bắt Tài Thanh Hóa thắng trận với tỉ lệ 1 ăn 0.6. Trận đó Thanh Hóa thắng Đồng Nai 3-0, cả nhóm thắng 30 triệu đồng nhưng Phát không lấy tiền, Giang, Trung và Thiện chia nhau mỗi người 10 triệu đồng.

Với hành vi phạm tội như trên Phạm Hữu Phát được xác định là người cầm đầu, bị truy tố về tội "tổ chức đánh bạc", tội "đánh bạc". Cùng bị truy tố tội tổ chức đánh bạc cùng với Phát còn có Trần Văn Ba, Đỗ Hoàng Hoàng Hà, Trần Đình Hải; bốn cầu thủ Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến, Nguyễn Thành Long Giang và Nguyễn Phúc Thuận, Nguyễn Văn Tương bị truy tố tội đánh bạc.

Đối với cầu thủ Lưu Phan Thế Sơn mặc dù đã đồng ý tham gia dàn xếp tỷ số nhưng khi thi đấu hiệp một trung vệ này gặp chấn thương, bị thay nên không tiếp tục tham gia dàn xếp tỷ số. Do vậy, Sơn không bị truy tố mà chỉ bị xử phạt hành chính.

Riêng Đồng Văn Vĩnh có hành vi phạm tội tổ chức đánh bài nhưng sau khi gây án đã bỏ trốn khỏi địa phương, cơ quan cảnh sát điều tra bộ công an đang truy nã.

Tháng 4.2015, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã cấm vĩnh viễn 6 cầu thủ đội bóng Đồng Nai nói trên tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý. Mỗi cầu thủ phải nộp phạt 20 triệu đồng, riêng Phát là 30 triệu.
Thanh Niên Online
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.