Vụ án “nợ điều lệ” (Bài 1)

28/09/2009 00:22 GMT+7

Việc ông Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) Trần Minh Sanh ký giấy chứng nhận đầu tư cho Liên doanh Baria Serece chuyển đổi thành công ty cổ phần khiến Việt Hà và Bitex, hai nhà đầu tư đến từ TP.HCM tham gia liên doanh này, rơi vào bi kịch và phải đưa chính UBND tỉnh ra trước tòa để đòi lại sự công bằng, có lẽ là câu chuyện pháp đình hy hữu nhất từ trước đến nay.

Bài 1: Cổ đông nhỏ trong liên doanh lớn

Mệt mỏi đuổi theo hành trình tăng vốn liên tục của Liên doanh Baria Serece tại huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT, đến khi số tiền đầu tư đã lên đến hàng chục tỉ đồng và hoạt động kinh doanh cũng bắt đầu có lãi thì cả Việt Hà cùng Bitex, hai cổ đông “em út”... bị loại khỏi cuộc chơi!

Vào thời điểm tháng 4.2007, Liên doanh Baria Serece (thành lập từ năm 1992 theo Luật Đầu tư nước ngoài) có 5 thành viên (gồm: Công ty Việt Hà góp 8%; Bitex góp 10%; Công ty cổ phần cao su Thống Nhất tỉnh BR-VT góp 12% và vốn của hai đối tác nước ngoài còn lại chiếm 70%) và HĐQT đã thống nhất đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp (DN), chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tuy nhiên trong quá trình bàn thảo để tiến hành các bước thủ tục theo luật định, Việt Hà và Bitex sớm nhận ra những bất lợi có nguy cơ chèn ép mình nên phải thận trọng hoãn binh nhờ luật sư vào cuộc.

Không chỉ “yếu thế” trước hai đối tác nước ngoài có tỷ lệ vốn góp lớn là SSI Logistics (Pháp, chiếm 50%) và YARA Asia PTE LTD (Singapore, chiếm 20%), ngay cả Công ty cổ phần cao su Thống Nhất tỉnh BR-VT, dù chỉ chiếm 12% vốn trong liên doanh nhưng nguyên là DN của tỉnh (và sau khi cổ phần hóa tỉnh vẫn tiếp tục nắm 51% vốn), hoạt động tại “sân nhà” nên cũng nhiều lợi thế hơn so với hai “cổ đông khách” Bitex và Việt Hà.

Và tại cuộc họp HĐQT ngày 15.6.2007, thực tế đã phơi bày. Tại đây, sau khi thông qua báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2007 của liên doanh, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Lợi (Giám đốc Công ty cổ phần cao su Thống Nhất tỉnh BR-VT) đã quyết định thông qua dự thảo điều lệ công ty cổ phần cho Baria Serece. Khi đại diện Việt Hà trình bày quan điểm không đồng ý và không ký tên vào bản dự thảo điều lệ gây bất lợi cho mình, ông Lợi căng thẳng chỉ trích rằng trong nhiều năm qua Việt Hà đã luôn chậm trễ trong việc góp vốn. Và nay với tư cách chủ tịch HĐQT, ông không đồng ý để thành viên này “tiếp tục gây khó khăn”. Phía Bitex cũng trình bày quan điểm sửa đổi bản dự thảo điều lệ và không đồng ý thông qua, liền bị đại diện SSI Logistics “phang” thẳng bằng một đề xuất phương án cổ phần hóa với... 3 cổ đông sáng lập. “Giải pháp này sẽ giúp Bitex và Việt Hà bán cổ phần của mình không hạn chế thời gian”, vị này nói.

Đặc biệt đến lượt mình, ông Mai Ngọc Thuận, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh BR-VT được UBND tỉnh ủy quyền tham dự phiên họp, lại tiếp tục chỉ đạo 2 phương án theo hướng... loại cả Việt Hà và Bitex ra khỏi “cuộc chơi” này. Theo đó, ông Thuận đề nghị liên doanh vẫn nộp hồ sơ chuyển đổi thành công ty cổ phần, nhưng phương án một là có 5 cổ đông sáng lập, trong đó có 2 cổ đông chưa đồng ý thông qua điều lệ. Còn phương án hai thì chỉ 3 cổ đông sáng lập và 2 cổ đông phổ thông không ký bản điều lệ (là Việt Hà và Bitex). Vì sao trước những dấu hiệu bất đồng nghiêm trọng giữa các thành viên sáng lập, người có trách nhiệm của Sở KH-ĐT tỉnh BR-VT lại không cho dừng việc tiến hành thủ tục cổ phần hóa để giải quyết mà vẫn thản nhiên “đổ dầu vào lửa”? Câu trả lời không ở đâu xa vì chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính Sở KH-ĐT tỉnh BR-VT đã lập tờ trình và trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký giấy chứng nhận đầu tư cho Baria Serece trở thành công ty cổ phần, bất chấp đơn ngăn chặn của hai cổ đông Việt Hà và Bitex. Hành vi hành chính này của người đứng đầu UBND tỉnh có trái pháp luật như ý kiến của Bitex và Việt Hà trình bày trong các đơn thư khiếu nại suốt 2 năm qua hay không chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.

Vấn đề cần nói ở đây là, sau khi Bitex và Việt Hà không đồng ý thông qua điều lệ, các thành viên còn lại trong HĐQT đã “quyết” theo phương án chỉ cần 75% là đủ tỷ lệ thông qua, phá vỡ luôn điều lệ liên doanh đã được chính họ thông qua từ tháng 5.1992 và vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Đến lúc thấy tình hình không ổn, buộc phải quay trở lại với tinh thần của luật pháp hiện hành và đối mặt với bản dự thảo điều lệ “không đủ chữ ký của các thành viên”, ông Lợi lại “thay mặt HĐQT” ký văn bản 402/HĐQT gửi UBND tỉnh và Sở KH-ĐT xin nợ lại bản dự thảo điều lệ này đến ngày 31.10.2007 và đề nghị “cứ chấp thuận cho liên doanh được đăng ký chuyển đổi thành công ty cổ phần”. Ông Lợi quên là trong trường hợp này ông không được phép thay mặt HĐQT vì điều lệ liên doanh đã ràng buộc “phải được toàn thể” HĐQT chấp thuận, trong khi hai vị ủy viên Việt Hà và Bitex không hề hay biết gì và hoàn toàn không ủy quyền cho ông. Đó là chưa nói việc khi can thiệp vào vấn đề hồ sơ đăng ký kinh doanh thì ông Lợi đã “lấn sân” của tổng giám đốc một cách trái luật.

Nhưng Sở KH-ĐT và UBND tỉnh BR-VT, với lý do tưởng chừng như hết sức chính đáng là “hỗ trợ DN phát triển liên quan đến dự án mà Tập đoàn Bunge (Hoa Kỳ) đang dự định đầu tư vốn cho Baria Serece. Và e sợ rằng nếu việc chuyển đổi liên doanh chậm hơn tháng 9.2007 thì có khả năng tập đoàn này sẽ chuyển sang đầu tư tại địa phương khác” đã chấp nhận hồ sơ và ký cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sự “phá luật” này đã mở ra một tiền lệ hết sức đáng lo ngại là cấp phép trước, DN trả nợ điều lệ sau! Trong khi đó, quay lại với dự án của Tập đoàn Bunge, tại cuộc họp ngày 15.6.2007, HĐQT và cả quan chức được UBND tỉnh ủy quyền đều được vị tổng giám đốc liên doanh người Pháp thông báo rõ là “Cảng chỉ cho thuê đất thô, và vì luật không cho phép công ty cho thuê đất trống mà không có công trình xây dựng trên đó, ta đã chọn giải pháp đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đối với Baria Serece, hiệu quả kinh tế của dự án có thể nói là 100% vì chi phí đầu tư bỏ ra là không có”!

Phải chăng UBND tỉnh BR-VT chủ trương và hỗ trợ bằng mọi giá để Baria Serece lách luật thu lợi theo những dự án cho thuê đất trá hình như vậy? Thực tế đã diễn ra như thế nào trong phi vụ đất đai lên đến hàng chục tỉ đồng này chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trên số báo sau. (Còn tiếp)

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.