Vụ bác sĩ Trung Quốc làm việc "chui": Sở Y tế Hà Nội “đổ” cho doanh nghiệp

25/07/2012 03:19 GMT+7

Ngày 24.7, báo cáo tại giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận thời gian qua, công tác kiểm tra, hậu kiểm của Sở Y tế đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài chưa được thường xuyên, các hình thức xử phạt chưa có tính răn đe.

 Vụ bác sĩ Trung Quốc làm việc "chui": Sở Y tế Hà Nội “đổ” cho doanh nghiệp
Phòng khám này vừa bị xử phạt vì sử dụng bác sĩ Trung Quốc không
phép - Ảnh: Lê Quân

Theo báo cáo của Sở, trên địa bàn TP có 2.590 cơ sở hành nghề y dược tư nhân,  trong đó có 35 cơ sở có yếu tố nước ngoài đã được cấp phép, nhưng 21 cơ sở đã ngưng hoạt động.  Kiểm tra hầu hết các phòng khám (PK) đều có vi phạm. Tại PK Maria 65-67 Thái Thịnh (nơi bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong chết trong khi truyền dịch) có 3 bác sĩ Trung Quốc chưa được cấp phép; PK 604 Trường Chinh khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn đã được cấp phép; các PK: 59 Khương Trung, PK thuộc bệnh viện Nam Á 223 Thụy Khuê, PK số 455 và số 981 Giải Phóng: người nước ngoài làm công việc chuyên môn chưa được phép của Sở; PK 58 Sơn Tây: ghi chỉ định điều trị không bằng tiếng Việt; PK 709 Giải Phóng: nhà thuốc của PK kinh doanh thuốc không còn nguyên bao bì, xuất xứ; PK 604 Trường Chinh: sử dụng dược phẩm chưa được phép của Bộ Y tế cho bệnh nhân, thu tiền cao hơn giá niêm yết và thu tiền một số dịch vụ khi chưa niêm yết giá.

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về trách nhiệm trước những tồn tại vi phạm rất phổ biến, như: bác sĩ hành nghề không phép, quảng cáo quá mức cho phép..., đại diện Sở Y tế Hà Nội đổ lỗi cho doanh nghiệp. “Việc này trước hết lỗi do doanh nghiệp sử dụng người lao động không phép. Lỗi này cũng thuộc về người đứng đầu PK là người có trách nhiệm về quản lý hoạt động chuyên môn của bác sĩ”, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Liên quan đến thẩm định năng lực chuyên môn của bác sĩ nước ngoài tại VN, ông Hiền cũng khẳng định: “Vấn đề này do Bộ Y tế chịu trách nhiệm”.

Cũng theo ông Hiền, mặc dù luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 1.1.2011, nhưng vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật, gây khó khăn cho các cơ sở trong thực hiện đăng ký xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho các thầy thuốc nước ngoài.

Việt Chiến - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.