Vụ bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD ở TP.HCM: Đề nghị truy tố Bình "kiểm" và 4 đồng phạm ra tòa

06/09/2006 23:26 GMT+7

Hôm qua 6.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra về vụ bắt cóc tống tiền do Phạm Đức Bình (tức Bình "kiểm") cầm đầu và chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND TP.HCM truy tố tất cả 5 bị can trong vụ án này ra tòa để xét xử về nhiều tội danh.

Vạch trần tội ác

Sau gần 9 tháng cật lực điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm sáng tỏ toàn bộ vụ án bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD xảy ra vào cuối năm 2005, gây chấn động dư luận thành phố. Theo kết luận điều tra, Bình "kiểm" chính là kẻ chủ mưu. Anh ta là người lên kế hoạch và cấu kết với một số bạn tù, gồm: Nguyễn Hữu Dư (tự Đức, 28 tuổi, ngụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu), Đoàn Anh Tuấn (24 tuổi, ngụ ở Bình Dương), Bùi Hồng Linh (tự Long, 28 tuổi, ngụ ở Q.Gò Vấp) và Thiềm Liêu Dương (tự Dương "cao", 35 tuổi, ngụ ở Q.4, TP.HCM) để tổ chức thực hiện vụ bắt cóc tống tiền trên.


Bình "kiểm”

Kế hoạch này đã được Bình "kiểm" tính toán rất kỹ lưỡng, nhiệm vụ của từng người được phân công rõ ràng, kể cả lộ trình từ nhà riêng đến công ty và nhà bạn gái... của nạn nhân Trầm Trọng N. Chưa hết, kế hoạch ấy còn được "thử nghiệm" ít nhất 2 lần, trước khi dẫn đến việc "bắt cóc thật" vào lúc 20 giờ ngày 5.12.2005. Lúc bấy giờ, anh N. vẫn không hay biết gì nên ung dung chở một đứa bé từ nhà bạn gái đi ra khiến bọn chúng tưởng "bị hụt" thêm một lần nữa. Bất ngờ, anh N. quay đầu xe chở đứa bé vào lại và một mình chạy ra. Nắm bắt cơ hội này, lập tức, Dương bám theo và dí súng vào đầu anh N. Từ phía sau, Linh điều khiển xe du lịch trờ đến và nhanh như cắt bọn chúng khống chế buộc nạn nhân lên xe bịt mắt, bịt miệng, trói tay chở thẳng về cầu kênh Tẻ (Q.7).

Trong lúc đó, Dư lấy xe @ của nạn nhân phóng như bay về đường Tên Lửa (Q.Bình Tân) vứt xe ở đó. Tại cầu kênh Tẻ, Bình "kiểm" đi trên chiếc xe Freeway (biển số 64A2 - 0019) đã chờ sẵn đón đồng bọn để cùng đưa nạn nhân thẳng xuống khu du lịch Hồng Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngay trong đêm. Đến nơi, Linh mang xe du lịch về TP.HCM trả cho chủ xe, đồng thời gọi điện thoại cho gia đình nạn nhân đòi tiền chuộc 10 triệu USD.

Tuy nhiên, đến rạng sáng 7.12, Bình "kiểm" đã sa lưới pháp luật và anh N. được giải thoát an toàn.

2 quả lựu đạn, 6 khẩu súng, 400 viên đạn... có từ đâu?

Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố Bình "kiểm" về các tội "bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản", "tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng"; Nguyễn Hữu Dư về tội: "bắt cóc..."; "cướp tài sản" và "mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"; Đoàn Anh Tuấn về tội: "bắt cóc...", "cướp tài sản"; Bùi Hồng Linh về tội: "bắt cóc..."; "tàng trữ..."; Thiềm Liêu Dương về tội: "bắt cóc...", "sử dụng...".

Bị bắt quả tang, Bình "kiểm" cùng đồng bọn hết chối cãi và đã cúi đầu nhận tội. Tuy nhiên, mối lo ngại và băn khoăn nhất của cơ quan điều tra là nguồn gốc số lượng lớn vũ khí thu được từ Bình "kiểm", gồm: 1 K54 (15 viên đạn), 1 AR15 (289 viên đạn), 2 ru-lô (47 viên đạn), 2 shotgun (52 viên đạn) và 2 quả lựu đạn.

Quán triệt chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP.HCM, sau gần 9 tháng tập trung điều tra, Cơ quan CSĐT đã xác định được "lý lịch" và đầu mối quan trọng liên quan đến số vũ khí trên. Liên quan đến 2 khẩu súng ru-lô, một sĩ quan quân đội tên T. đã cho Bình "kiểm" mượn. Theo viên sĩ quan này thì 2 khẩu súng ấy được người khác tặng làm kỷ niệm. Cơ quan CSĐT đã chuyển hồ sơ của vị sĩ quan này cho cơ quan điều tra của Quân khu 7 tiếp tục điều tra xử lý. Riêng khẩu AR15, một người tên là Bình "thổ" (ngụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đưa cho Bình "kiểm" cất giùm. Trong một lần lên Đắk Lắk làm rẫy, Bình "thổ" lượm khẩu súng này cùng số đạn dược. Bình "thổ" cũng đã bị xử lý về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Về phần mình, Bình "kiểm" khai đã mua 1 khẩu K54 với giá 1,5 triệu đồng và 2 khẩu ru-lô ở một cửa hàng bán súng săn tại Q.7.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.