(TNO) Liên quan đến vụ việc em bé tử vong vì bị diều cuốn lên cao 20 m, các chuyên gia pháp luật đều cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra có thể khởi tố vụ án và xử lý người đã gây ra hậu quả đáng tiếc trên về tội "vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 98, Bộ luật Hình sự.
Con diều gây tai nạn có sải cánh gần 18 m - Ảnh: Hải Nam
|
Theo Thẩm phán Huỳnh Minh Tính, Phó chánh án TAND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, mọi người trong cuộc sống luôn phải ý thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm hay gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác hay không. Do vậy pháp luật hình sự bắt buộc chúng ta phải thấy trước, ý thức được hậu quả có thể xảy ra nếu chúng ta thực hiện hay không thực hiện một hành động nhất định. Trong vụ việc trên, người thực hiện việc thả diều phải ý thức được việc thả diều có thể gây nhiều hậu quả đáng tiếc như cháy nổ do vướng dây điện hoặc gây hậu quả đáng tiếc như vụ việc bé trai bị tử vong do dây diều cuốn vào…, nên phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp: thả diều ở bãi đất trống, có người canh chừng trẻ em lại gần.
Hậu quả đáng tiếc đã xảy ra do sự chủ quan, thiếu cảnh giác của những người thả diều. Đối chiếu với cấu thành của tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 98, Bộ luật Hình sự, có thể xử lý người chịu trách nhiệm chính trong việc thả diều về tội danh này.
Đồng tình, thạc sĩ Trần Thanh Thảo, Giảng viên luật hình sự, Đại học Luật TP.HCM, phân tích, tội vô ý làm chết người có cấu thành chung và cấu thành riêng. Nếu vô ý làm chết người trong từng lĩnh vực cụ thể mà Bộ luật Hình sự đã dự liệu thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng tội danh được quy định tại các Chương tương ứng của Bộ luật hình sự để xử lý. Ví dụ như vô ý làm chết người do điều khiển phương tiện giao thông thì áp dụng Điều 202 để xử lý. Nếu vô ý làm chết người do vi phạm các quy tắc về đảm bảo an toàn chung trong cuộc sống thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng Điều 98, Bộ luật hình sự để xử lý.
|
Trong trường hợp bé trai bị tử vong do dây diều cuốn vào chân thì hậu quả chết người đã xảy ra nên bắt buộc người đã có hành vi gây ra hậu quả này phải chịu trách nhiệm. Khi thực hiện việc thả diều, đòi hỏi người có trách nhiệm: chủ diều hoặc người trực tiếp thả diều hoặc người được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn…, phải có biện pháp thích hợp để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh. Chính do không quan sát, không có biện pháp đảm bảo an toàn nên đã gây ra hậu quả đáng tiếc trên. Có thể xác định người chịu trách nhiệm chính trong việc thả diều đã vi phạm với lỗi vô ý do cẩu thả. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ việc này là xác định người nào phải chịu trách nhiệm để xử lý.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nhận xét có thể khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có vai trò quyết định trong việc thả diều. Tuy nhiên, con diều được thả là loại rất lớn do nhiều người cùng thả. Như vậy, vấn đề quan trọng bây giờ là cần phải xác định người nào là người có vai trò quyết định trong việc thả diều để xử lý.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nhận xét có thể khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có vai trò quyết định trong việc thả diều. Tuy nhiên, con diều được thả là loại rất lớn do nhiều người cùng thả. Như vậy, vấn đề quan trọng bây giờ là cần phải xác định người nào là người có vai trò quyết định trong việc thả diều để xử lý.
Theo quy định tại Điều 98, Bộ luật Hình sự về tội vô ý làm chết người thì “Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
|
Bình luận (0)