Đến 15 giờ ngày 31.10, công tác tìm kiếm các thuyền viên mất tích trong vụ lật tàu Hoàng Phúc 18 tại khu vực phao số 5 sông Soài Rạp (đoạn giáp ranh giữa H.Cần Giờ TP.HCM và tỉnh Tiền Giang) phải tạm ngưng vì sóng to gió lớn.
Các ngư dân lặn biển chuyên nghiệp được điều động tới để cứu người - Ảnh: Hoài Nhơn |
Tối 30.10, tàu Hoàng Phúc 18 trọng tải 2.000 tấn, trên có 17 thuyền viên đang neo đậu tại phao số 5 sông Soài Rạp thì bị lật úp. Vụ việc làm 5 người mất tích và 12 người được các ngư dân cứu ngay trong đêm.
Đến 11 giờ 30 ngày 31.10, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã cứu được anh Nguyễn Trung Trường (31 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang mắc kẹt trong khoang của chiếc tàu bị lật. 4 người còn mất tích là Phan Anh Tấn (Hà Tĩnh, chủ tàu), Nguyễn Văn Sa (Khánh Hòa), anh Hải (Kiên Giang) và anh Quảng (Ninh Bình).
Huy động trực thăng tìm kiếm
5 giờ ngày 31.10, PV Thanh Niên theo chiếc tàu chở khoảng 40 người gồm lực lượng kiểm ngư, cứu hộ thuộc PCCC TP.HCM, y tế, bộ đội biên phòng TP.HCM tiếp cận vị trí tàu lật. Tại hiện trường, chiếc tàu bị lật úp trên mặt sông, nước chảy rất mạnh nên rất khó để tiếp cận tàu gặp nạn. 7 giờ cùng ngày, 10 chiến sĩ cứu nạn cứu hộ leo lên phần còn nổi của chiếc tàu. Lúc này có những tiếng động rất lớn phát ra từ chiếc tàu báo hiệu có người mắc kẹt bên trong.
“Người nhái” lặn tìm kiếm người gặp nạn
|
Thế nhưng, do sóng lớn, nước chảy mạnh làm con tàu gặp nạn liên tục thay đổi vị trí khiến công tác cứu hộ vô cùng khó khăn. Lúc đầu, phương án dùng hàn gió đá cắt mạn tàu để cứu người được đưa ra nhưng không khả thi. Cuối cùng, phương án dùng “người nhái” và ngư dân lặn biển chuyên nghiệp được áp dụng.
Hơn 10 “người nhái” (thuộc đội cứu nạn, cứu hộ TP.HCM) và các ngư dân thay nhau lặn vào các khoang của chiếc tàu chìm. Sau nhiều nỗ lực, lực lượng cứu hộ cũng đã tìm và đưa ra ngoài anh Nguyễn Trung Tường trong tình trạng sức khỏe tốt.
Khoảng 9 giờ, một chiếc trực thăng cũng được điều đến hiện trường để tham gia tìm kiếm. Đến 13 giờ, gió bắt đầu thổi mạnh, sóng lớn khiến công tác cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. 15 giờ cùng ngày thời tiết càng ngày càng xấu, thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - người trực tiếp ra hiện trường chỉ huy công tác cứu nạn cứu hộ, đã ra lệnh tạm ngừng và rút toàn bộ lực lượng vào bờ. “Thời tiết rất xấu nên gây nguy hiểm cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ đã lặn tìm khắp các khoang trong tàu chìm nhưng chưa phát hiện được dấu hiệu nào người sống sót” thượng tá Hưởng nói.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN, cho biết sau khi nhận tin báo đã huy động toàn bộ các lực lượng liên quan của TP.HCM và Vũng Tàu tham gia ứng cứu trong đêm. Cục đã thành lập 3 trung tâm chỉ huy tại Vũng Tàu, H.Cần Giờ và trên sông (ngay vị trí tàu chìm) để kịp thời chỉ đạo công tác cứu nạn và thông tin một cách nhanh nhất. Cục Hàng hải đã làm việc và xin chi viện thêm trực thăng để tham gia tìm kiếm. Hiện 13 người thoát nạn sức khỏe tốt và được theo dõi kỹ lưỡng. Trước mắt, tập trung tìm kiếm và cứu 4 người mất tích còn lại.
Theo kế hoạch, sáng nay (1.11), lực lượng “người nhái” và các ngư dân ra lại hiện trường tiếp tục công tác lặn vào tàu chìm để tìm kiếm. Bên cạnh đó, các lực lượng khác mở rộng phạm vi tìm kiếm người gặp nạn.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, cuối chiều qua (31.10), Thủ tướng Chính phủ có công điện, yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo, huy động các lực lượng để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên còn đang bị mất tích của tàu Hoàng Phúc 18.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo các lực lượng của TP phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân, tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi động viên, giúp đỡ nạn nhân trong vụ chìm tàu Hoàng Phúc 18.
Hà Nguyễn
|
Bình luận (0)