(TNO) Mặc dù nhà nước bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng nhưng điều lạ là từ đầu phiên xử vụ Vinashin đến giờ, đại diện các doanh nghiệp thuộc Vinashin đều không yêu cầu bị cáo, vốn là cựu lãnh đạo các doanh nghiệp này, phải bồi thường.
Bảo vệ tài sản nhà nước
Tuy vậy, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định: Doanh nghiệp không đòi nhưng Viện KSND phải bảo vệ tài sản nhà nước.
Trước khi có ý kiến của đại diện Viện KSND TP.Hải Phòng như trên, HĐXX đã hỏi lại ý kiến của đại diện các công ty thuộc Vinashin về việc có yêu cầu các bị cáo (vốn là lãnh đạo các doanh nghiệp này, đã có sai phạm, gây thiệt hại kinh tế) bồi thường cho doanh nghiệp hay không?
Đại diện Công ty Viễn Dương (mua tàu Hoa Sen, thiệt hại 650 tỉ đồng) nói: “Chúng tôi không có ý kiến gì và chỉ đề nghị tòa giải quyết theo pháp luật”.
|
Đại diện Công ty công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (đầu tư nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, gây thiệt hại hơn 244 tỉ đồng): “Chúng tôi không yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc công ty Hoàng Anh) phải bồi thường”.
Đại diện Công ty CNTT Cái Lân (đầu tư nhà máy điện diesel thiệt hại 32 tỉ đồng): “Chúng tôi đề nghị tòa xử theo quy định pháp luật”.
Tổng công ty CNTT Nam Triệu (bị cáo Trần Quang Vũ là cựu Tổng giám đốc, phá dỡ tàu Bạch Đằng Giang): “Đề nghị tòa xử theo quy định pháp luật”.
Đại diện tập đoàn Vinashin: “Chúng tôi tin tưởng vào phán quyết công minh của tòa”.
Đại diện Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy VFC: “Chúng tôi mong khách hàng trả nợ cho VFC, mong xem xét giảm nhẹ cho các đồng nghiệp”.
Không có chuyện “hiểu lầm” chỉ đạo của Thủ tướng
Ngay sau đó, đại diện Viện KSND đáp lại các quan điểm gỡ tội của luật sư. Theo đại diện Viện KSND TP.Hải Phòng, đây là vụ án Viện KSND Tối cao ủy quyền cho Viện KSND TP.Hải Phòng thực hành quyền công tố tại tòa. Vụ án đưa ra xét xử trên tinh thần cải cách tư pháp. Các vấn đề có trong hồ sơ, kết quả điều tra công khai tại tòa chứ không lấy ở nơi khác không có căn cứ.
Đại diện Viện KSND TP.Hải Phòng khẳng định: Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã làm việc với doanh nghiệp về tất cả các vấn đề công nợ liên quan đến khoản thiệt hại hiện nay.
“Tài sản thiệt hại trong vụ án này đều là tài sản của tập đoàn. VFC là cơ quan ủy quyền cho vay tài sản của nhà nước. Chúng tôi rất buồn vì đại diện các doanh nghiệp không có đơn, không thiết tha đòi nợ. Có thể vì đòi về cũng trả cho tập đoàn và rồi trả cho nhà nước. Chúng tôi sẽ có ý kiến đến Chính phủ xem xét lại việc quản lý tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước”, đại diện Viện KSND nói.
Vị công tố khẳng định đanh thép: “Tài sản bị thiệt hại trong vụ án là tài sản của nhà nước, do đó Viện KSND đương nhiên phải bảo vệ”.
|
Về việc bị cáo Phạm Thanh Bình có làm trái chỉ đạo của Thủ tướng hay không trong dự án mua tàu Hoa Sen, đại diện Viện KSND khẳng định: Trong công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đã thông báo rõ Thủ tướng đồng ý cho Vinashin đóng mới, đầu tư theo quy định của pháp luật. Không có chuyện “hiểu sai” văn bản của Thủ tướng hay hiểu nhầm.
Theo đại diện Viện KSND, dự án mua tàu Hoa Sen là dự án hoàn toàn trái với luật pháp, chủ trương của nhà nước. Bản thân dự án này không được đưa ra bàn trong HĐQT.
Ngay cả bị cáo Bình cũng khai rằng, nếu đưa ra trước HĐQT thì có thể không được thông qua. Ngay cả các công văn của Văn phòng Chính phủ, bị cáo Bình cũng không phổ biến.
“Như vậy, dự án tàu Hoa Sen là ý chí chủ quan của bị cáo Bình chứ không phải chủ trương của tập đoàn và hoàn toàn trái với chủ trương của Chính phủ, trái với luật pháp”, đại diện Viện KSND nói.
Đại diện Viện KSND cho rằng, các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường trong dự án mua tàu Hoa Sen.
Thanh Phong
>> Phạm Thanh Bình bị đề nghị mức án 19 - 20 năm tù
>> Xét xử sơ thẩm vụ án Vinashin: Bị cáo Bình nhận sai
>> Bị cáo đổ lỗi cho tập đoàn
>> Phạm Thanh Bình nhận sai trong dự án nhiệt điện Sông Hồng
>> Ông chủ tịch tập đoàn ưa chọn “công nghệ cũ”
>> Mua tàu Hoa Sen là để… thử nghiệm
>> Xét xử 9 bị can về tội cố ý làm trái tại Vinashin
>> Xét xử vụ án cố ý làm trái tại Vinashin
Bình luận (0)