Vụ dùng mỹ phẩm thoa tiêm vào mặt bệnh nhân: Bệnh viện khẳng định 'không phải tiêm'

27/11/2024 15:39 GMT+7

Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ khẳng định việc sử dụng 4 loại mỹ phẩm bôi thoa ngoài da để tiêm vi kim, xâm lấn tối thiểu cho bệnh nhân 'không phải là tiêm'.

Xâm lấn nhưng không phải là tiêm (?)

Liên quan vụ Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ sử dụng 4 loại mỹ phẩm thoa ngoài da tiêm vào mặt của bệnh nhân, ngày 27.11, tin từ Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết, BS.CK2 Lê Văn Đạt, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ, vừa có báo cáo về việc triển khai quy trình chuyên môn kỹ thuật tại bệnh viện.

Theo báo cáo, tháng 12.2022, bệnh viện có triển khai ứng dụng phương pháp vi kim trong trẻ hóa da, bao gồm máy tiêm dưỡng chất Hydro Injector II. Trên đầu dụng cụ này có 9 đầu kim li ti, nhằm làm tăng tính thẩm thấu của dưỡng chất qua da, để trẻ hóa da làm tăng độ đàn hồi của da.

Vụ dùng mỹ phẩm thoa tiêm vào mặt bệnh nhân: Bệnh viện khẳng định 'không phải tiêm'- Ảnh 1.

Bệnh viện Da liễu Cần Thơ cho rằng việc sử dụng mỹ phẩm thoa da tiêm vào mặt bệnh nhân bằng máy tiêm dưỡng chất Hydro Injector II, có 9 đầu kim "không phải là tiêm"

ẢNH T.D

Các mỹ phẩm được sử dụng để tiêm bằng thiết bị trên là các mỹ phẩm chuyên dùng bôi thoa ngoài da là: Goodndoc Hydra B5 Serum; Goodndoc Vitamin C-16.5 Daily Whitening Serum; Beauty Skin Vita C; Beauty Skin EGF MOISTURE…

Báo cáo của Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ khẳng định: "Đây là phương pháp làm tăng tính thẩm thấu dưỡng chất qua da, chứ không phải là tiêm. Tất cả các quy trình kỹ thuật chuyên môn thực hiện tại bệnh viện đều được thông qua hội đồng khoa học cơ sở và tất cả các quy trình kỹ thuật chuyên môn đều nằm trong danh mục quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế…".

Tuy vậy, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TP.Cần Thơ, Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ cũng đã ngừng ngay các quy trình kỹ thuật sử dụng có liên quan phương pháp lăn kim, vi kim.

Cũng liên quan đến phương pháp nói trên, trao đổi với PV Thanh Niên, một bác sĩ sử dụng máy tiêm dưỡng chất Hydro Injector II (xin giấu tên) cho biết, sử dụng máy tiêm này là một hình thức tiêm xâm lấn bao gồm các công đoạn: "Hút áp lực âm để phồng bề mặt da; tiêm "inject" để thuốc chảy vào trong da. Đây là một hình thức tiêm thuốc nhưng thay vì thuốc chảy trong lòng kim thì thuốc sẽ chảy quanh thân kim. Kim cắm sâu vào lớp trung bì nên khi rút kim ra, máu có thể chảy nhiều trên da sau thủ thuật. Điều này khác hẳn so với lăn kim thông thường và sau đó bôi thuốc trên bề mặt da. Cần làm rõ là 4 sản phẩm bôi thoa ngoài da tức dùng không xâm lấn thì có được phép sử dụng phương pháp xâm lấn này không".

Vụ việc đã được phát hiện, báo cáo từ tháng 6.2024

Báo cáo của Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ cũng thông tin, trước đó, bệnh viện đã phân công một phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện kiểm tra việc triển khai kỹ thuật cũng như ứng dụng công nghệ trong điều trị các bệnh lý về da, trong đó có phương pháp dùng vi kim.

Tháng 6.2024, sau khi khám bệnh, cho toa thuốc bệnh nhân tái khám, phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện đã phát hiện toa mẫu sai hướng dẫn của nhà phân phối mỹ phẩm và phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Cụ thể, theo phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp và hướng dẫn sử dụng thì cả 4 sản phẩm trên đều thuộc dạng "kem, nhũ tương, sữa, gel hoặc dầu dùng trên da (mặt, chân, tay…). Nhà nhập khẩu, phân phối các sản phẩm trên cũng khẳng định, mỹ phẩm chỉ được dùng bôi, thoa ngoài da.

Vụ dùng mỹ phẩm thoa tiêm vào mặt bệnh nhân: Bệnh viện khẳng định 'không phải tiêm'- Ảnh 2.

Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ hiện đã ngừng các quy trình kỹ thuật sử dụng có liên quan phương pháp lăn kim, vi kim

ẢNH: T.D

Ngay sau đó, vụ việc đã được báo cáo Ban giám đốc bệnh viện; đồng thời yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm những người liên quan. Ban chuyên môn của Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ cũng đã họp để lấy ý kiến thành viên, đều cho rằng, việc dùng mỹ phẩm đường thoa sử dụng đường tiêm là sai; trách nhiệm thuộc về Khoa Thẩm mỹ da, người đề nghị, người đứng đầu khoa; cần nghiêm túc rút kinh nghiệm… Tuy nhiên, "sai sót chuyên môn" nói trên không được ghi nhận, xử lý, nên đến cuối tháng 8.2024, vụ việc đã được báo cáo lên Sở Y tế TP.Cần Thơ.

Vụ dùng mỹ phẩm thoa tiêm vào mặt bệnh nhân: Bệnh viện khẳng định 'không phải tiêm'- Ảnh 3.

Từ toa mẫu do Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ duyệt đưa vào sử dụng, đã có 17 bác sĩ của bệnh này cho toa, chỉ định dùng 4 loại mỹ phẩm thoa da tiêm vào mặt hàng trăm bệnh nhân

ẢNH T.D

Theo tường trình của một lãnh đạo Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ, vụ việc bắt đầu từ ngày 9.12.2022, bác sĩ T.D.H, Khoa Thẩm mỹ của bệnh viện đề xuất 4 sản phẩm mỹ phẩm bôi thoa ngoài da vào toa mẫu của bệnh viện để chỉ định điều trị trẻ hóa da, sạm da cho bệnh nhân. Đề xuất này không thông qua Hội đồng thuốc và điều trị, không thông qua phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện (không có bất cứ văn bản nào thông qua) nhưng được Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ phê duyệt đưa vào sử dụng.

Do là toa mẫu được Giám đốc bệnh viện phê duyệt đưa vào sử dụng chung nên tính đến khi vụ việc được phát hiện, đã có 17 bác sĩ của bệnh viện ra toa chỉ định dùng 4 loại mỹ phẩm thoa da nói trên để tiêm bằng máy tiêm dưỡng chất cho hàng trăm bệnh nhân.

Cũng liên quan vụ việc trên, ngày 22.11, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ chủ động, chỉ đạo làm rõ thông tin Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ tiêm mỹ phẩm thoa vào da bệnh nhân. Song song đó, rà soát toàn bộ các quy trình chuyên môn kỹ thuật, các căn cứ thực hiện kỹ thuật áp dụng trong bệnh viện và xử lý nghiêm các sai phạm của cá nhân, tập thể (nếu có). Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ báo cáo về cục, sau khi giải quyết xong sự việc để tổng hợp báo lãnh đạo Bộ Y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.