Vụ giếng cổ bị phá khi trùng tu: Kiểm tra, báo cáo Cục Di sản văn hóa

17/03/2022 09:49 GMT+7

Liên quan đến vụ giếng cổ ở di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu bị phá bỏ để xây giếng mới, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa sẽ kiểm tra, nếu thấy không hợp lý sẽ báo cáo, xin ý kiến của Cục Di sản văn hóa .

Sau khi báo Thanh Niên có bài phản ánh “Giếng cổ ở đền Lê Văn Hưu bị phá khi trùng tu di tích”, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho biết, Sở tiếp thu thông tin phản ánh của báo, và sẽ cho cán bộ kiểm tra cụ thể vụ việc.

“Khi kiểm tra, nếu thấy không hợp lý, chúng tôi sẽ báo cáo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) để Cục xem xét và có ý kiến. Nếu không điều chỉnh được hoặc ý kiến của Cục như thế nào thì sẽ thực hiện theo. Đây là di tích lịch sử quốc gia, hồ sơ do Bộ VH-TT-DL phê duyệt, và chủ đầu tư là huyện”, ông Hồng cho hay.

Giếng cổ ngàn năm tuổi đã bị phá bỏ để làm giếng mới nhỏ hơn nhiều khiến người dân địa phương phản đối

Minh Hải

Theo thông tin từ UBND H.Thiệu Hóa (chủ đầu tư dự án), đơn vị này cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để cùng tiến hành xem xét lại ý kiến của người dân về việc tu bổ, tôn tạo giếng trong đền, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trước đó, báo Thanh Niên phản ánh dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) giai đoạn 3 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân lẫn nhà nghiên cứu, người am hiểu về lịch sử, văn hóa khi chính quyền cho phá bỏ giếng cổ để xây dựng giếng mới với diện tích nhỏ hơn.

Theo người dân, cách tu bổ, tôn tạo giếng ngọc bằng việc phá bỏ cái cũ, làm cái mới như vậy là không tôn trọng yếu tố lịch sử, di tích và tâm linh, dù rằng thiết kế xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giếng mới đang được hình thành trong lòng giếng cổ

Phúc Ngư

Giếng ngọc ở đền Lê Văn Hưu có đường kính rộng hơn 10 m, nhưng hiện nay đơn vị thi công làm theo thiết kế được duyệt, là phá bỏ giếng cũ để làm giếng mới đường kính chỉ rộng hơn 6 m.

Nguyên nhân thu nhỏ giếng lại theo giải thích của đại diện chủ đầu tư dự án là để có diện tích làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, và có diện tích để xây dựng nhà bia.

Tuy nhiên, khi triển khai phá giếng cũ, làm giếng mới thì rất nhiều người dân địa phương phản đối cho rằng cách tu bổ, tôn tạo di tích như vậy là phá hỏng di tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.