Cuộc họp có đại diện Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, chính quyền các huyện bị thiệt hại và các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng.
Ông Lý Văn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, cho biết từ ngày 29.10 - 4.11, hồ thủy điện Đa Nhim liên tục xả lũ, đỉnh điểm lên tới 504m3/giây, gây ngập trên 375 ha rau màu của nông dân trong huyện và làm hư hại nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhà cửa, thiệt hại hơn 23 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Kiệt lại cho rằng: "Nếu không có hồ thủy điện Đa Nhim thì nước cũng về… nên việc xả lũ của hồ Đa Nhim là… tự nhiên. Huyện Đơn Dương không đòi thủy điện bồi thường thiệt hại, nhưng công ty thủy điện nên có hướng hỗ trợ để tạo tình cảm tốt đẹp giữa đôi bên đang cùng hưởng chung nguồn lợi từ dòng sông Đa Nhim".
Công ty thủy điện và ngành điện không thờ ơ trước những thiệt hại của nông dân, nhưng việc hỗ trợ cho nông dân Đơn Dương công ty phải bàn bạc, đề xuất với Tổng công ty. Nếu không cân nhắc việc này sẽ rất khó cho ngành điện về lâu dài
|
|
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi |
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (quản lý thủy điện Đa Nhim), khẳng định: "Vùng hạ du hồ Đa Nhim bị ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua không phải nguyên nhân từ hồ thủy điện, nếu không có hồ thủy điện chắc chắn thiệt hại sẽ gấp nhiều lần".
Nhưng ông Oánh thừa nhận đợt lũ đầu tháng 11 vừa qua có tính chất phức tạp nhất trong 46 năm hồ thủy điện Đa Nhim đi vào hoạt động. Chỉ trong 3 ngày xuất hiện liên tiếp 3 đỉnh lũ, cao điểm xả 504m3/giây (ngày 3.11) và chỉ kéo dài trong 7 giờ, sau đó mức xả giảm dần, trong khi qui trình thiết kế cho phép hồ Đa Nhim xả lũ tới 4.500m3/giây.
Đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng giãi bày về bản kiến nghị ngày 8.11 như sau: "Đợt lũ vừa rồi là không lớn nhưng thiệt hại thì nhiều, người dân cho rằng nguyên nhân do hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ. Là người đại diện của nông dân nên Hội Nông dân tỉnh mới đứng ra làm đơn kiến nghị ngành điện hỗ trợ thiệt hại và khắc phục hậu quả, góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân chứ thực ra không phải là đơn kiện".
Tiếp đó, đại diện Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng nói: "Quy trình xả lũ của hồ thủy điện Đa Nhim đang áp dụng được phê duyệt từ năm 2000 đã quá cũ so với những diễn biến địa hình đất đai hiện tại. Cây Ma Dương mọc đặc kín dòng sông Đa Nhim đã làm cản trở và bồi lắng dòng chảy là một tác nhân gây ngập lụt; ở thượng nguồn nếu công ty thủy điện không diệt cây Ma Dương thì hạt cứ theo nước trôi về hạ du và phát triển đến chóng mặt...".
Sau khi nghe các ý kiến, ông Hoàng Sĩ Sơn khẳng định hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ hoàn toàn đúng qui trình, nông dân Lâm Đồng không hề kiện công ty thủy điện và tỉnh tuy đang nghèo nhưng cũng không đi "xin" ngành điện tiền hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, công ty thủy điện là một đơn vị kinh doanh, do đó cũng nên cân nhắc nguyện vọng của bà con nông dân.
Ông Sơn cho biết thêm, ngay sau khi xảy ra lũ, tỉnh đã chi hỗ trợ cho hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng 500 triệu đồng và chỉ đạo các huyện và Ban Phòng chống lụt bão tỉnh dùng nguồn quỹ phòng chống lụt bão của tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân. Về lâu dài, tỉnh sẽ đề nghị Trung ương cải tạo lại dòng chảy cơ bản ở hạ du các công trình thủy điện, vì việc này đòi hỏi vốn lớn.
Lâm Viên
Bình luận (0)